Mới đây, hãng thời trang nhanh H&M đã đưa ra một thông báo mang tính hòa giải, phản ứng trước những tranh cãi về việc ngừng sử dụng bông Tân Cương của hãng này. Trong đó, H&M cho biết Trung Quốc là "một thị trường rất quan trọng."
Thời gian gần đây, hãng bán lẻ đồ may mặc đang chật vật hứng chịu cảnh bị tẩy chay hàng loạt từ các nhà bán lẻ trực tuyến và cả người tiêu dùng của Trung Quốc. Sự việc diễn ra sau khi H&M có một thông báo cũ từ năm 2020 và được cư dân mạng đăng tải lại. Thông báo này có nội dung về việc phản đối sử dụng "lao động cưỡng bức" trong sản xuất bông ở Tân Cương.
Dù không nêu rõ trong thông báo mới nhất được đưa ra hôm nay về việc liệu họ có sử dụng lại bông Tân Cương hay không, nhưng H&M cho biết họ muốn trở thành một "bên mua có trách nhiệm tại Trung Quốc và các nơi khác". Ngoài ra, thương hiệu Thụy Điển cũng sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan đến cùng để xây dựng một ngành thời trang bền vững hơn.
H&M cho hay: "Các giá trị của công ty chúng tôi được xây dựng dựa trên sự tôn trọng, chính trực và việc đàm phán. Chúng tôi muốn tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi và những gì chúng tôi làm tốt nhất, đó là mang thời trang và thiết kế đến với khách hàng toàn thế giới".
Cụ thể, tháng 9/2020, H&M gây chú ý khi đăng tuyên bố trên trang web chính thức của công ty, tuyên bố ngừng tìm nguồn cung ứng các sản phẩm từ Tân Cương, với lý do lo ngại về vấn nạn lao động cưỡng bức ở khu vực sản xuất bông. Sau làn sóng tẩy chay, thông báo về ngừng tìm nguồn cung ứng các sản phẩm ở Tân Cương đã không còn xuất hiện trên website của H&M.
Sau H&M, nhiều thương hiệu lớn khác như: Uniqlo, Nike, Adidas, GAP, Fila, New Balance... cũng tuyên bố tẩy chay vải bông từ Tân Cương. Cùng ngày, tất cả những sản phẩm của các nhãn hàng trên đều đã bị gỡ bỏ khỏi các trang thương mại điện tử lớn ở đất nước tỉ dân. Tuần trước, cộng đồng mạng và người tiêu dùng Trung Quốc chỉ trích sau khi thông báo về việc sử dụng bông Tân Cương bị "đào lại".
H&M và các nhãn hiệu nổi tiếng này hiện vẫn hứng chịu với phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng Trung Quốc. Tuần trước, rất nhiều người đã để lại những bình luận công kích, thể hiện sự phẫn nộ trên tài khoản Weibo chính thức của H&M như: "Tôi nghe nói công ty đang tẩy chay vải bông Trung Quốc, chúng tôi sẽ tẩy chay sản phẩm của hãng."
Ngay lập tức, các thương hiệu quốc tế nổi tiếng này đều bị "xóa sổ" không một dấu tích trên các ứng dụng mua sắm phổ biến của Trung Quốc như Alibaba, Taobao, JD.com và Pinduoduo. Ngoài ra, các địa điểm của cửa hàng H&M cũng bị gỡ khỏi Baidu Maps. Các cửa hàng ứng dụng điện thoại di động (App Store) của Xiaomi, Huawei và Vivo cũng xóa ứng dụng của H&M. Trong khi đó, các trang Baidu và Dianping.com đều chặn kết quả tìm kiếm cho cửa hàng của hãng này.