Hình ảnh người xả rác bừa bãi bị dán chi chít trong khu phố ở Hà Nội: "Cấm mãi không được chúng tôi mới làm như vậy"

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 21/03/2019

Từng treo biển "cấm xả rác" kèm thông báo phạt 2 triệu đồng nếu tóm được, nhưng các "rác thủ" tại một khu phố nhỏ ở Hà Nội vẫn bất chấp. Với mong muốn trả lại màu xanh cho môi trường, người dân đề xuất lắp camera giám sát, rồi trích xuất hình ảnh, in ra treo ngay trên đống rác để cảnh cáo.

"Zero Waste" là một chuyên đề do Kenh14 thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo vệ môi trường, đồng thời đem đến cho các bạn cái nhìn gần gũi, tự nhiên hơn về chủ đề nghe có vẻ thô cứng này. Đến với chuyên đề "Zero Waste", bạn sẽ được lắng nghe những câu chuyện từ chính những bạn trẻ đã và đang cố gắng từng ngày bằng những hành động thiết thực nhất nhằm cứu lấy môi trường.

Xôn xao hình ảnh khu phố lắp camera rồi in ảnh người xả rác bừa bãi để cảnh cáo

Trong một con ngõ nhỏ khá sâu trên đường Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), gần một năm nay, người dân đề xuất lắp camera để giám sát tình trạng xả rác bừa bãi. Trước đó mặc dù đã treo rất nhiều biển báo với dòng chữ "cấm đổ rác", nhưng mỗi ngày, dưới chân cột điện vẫn là những túi nilon chứa rác bốc mùi hôi thối.

Được biết, khu vực này là ngã 3 ngõ, nơi xe thu gom rác đổ mỗi chiều. Thay vì để rác trước cửa nhà mình, nhiều người dân tiện tay vứt ngay trước ngõ, đẹp mặt nhà nhưng lại phá mặt phố. Mặc dù khu phố có dán biển thông báo "đổ rác tóm được phạt 2 triệu" nhưng không ăn thua.

Góc ngã 3 khu phố nhỏ, nơi treo hình ảnh người dân xả rác bừa bãi.

Cực chẳng đã, người dân đề xuất lắp camera giám sát, sau đó trích xuất hình ảnh, in ra treo ngay cột điện nơi có hàng hàng lớp lớp túi rác nằm la liệt. Biện pháp cứng rắn này nhằm mục đích chấm dứt những hành động xấu xí của một bộ phận dân cư.

Chia sẻ với chúng tôi, bạn H.A. cho biết, gần 1 năm triển khai camera giám sát, tình trạng này tuy có giảm nhưng không đáng kể, vẫn có rất nhiều người bất chấp, chọn lúc vắng người để mang rác ra vứt.

"Kết quả cũng chẳng khá hơn, vứt ban ngày không được, họ chuyển sang vứt đêm, thậm chí còn canh cả góc camera để tránh né. Đâu có ai rảnh mà ngồi đấy canh cả ngày được, gặp người không có ý thức thì chịu. Trước đó, số lượng người bị bêu xấu còn lớn hơn" - H.A nói.

Hình ảnh người xả rác bừa bãi bị dán chi chít trong khu phố ở Hà Nội: Cấm mãi không được chúng tôi mới làm như vậy - Ảnh 3.

Camera giám sát được chính gia đình bác tổ trưởng tự bỏ tiền túi ra lắp đặt.

Hình ảnh người xả rác bừa bãi bị dán chi chít trong khu phố ở Hà Nội: Cấm mãi không được chúng tôi mới làm như vậy - Ảnh 4.

Sau nhiều biện pháp nhưng không đem lại kết quả, người dân quyết định trích xuất camera, in hình những ai để rác không đúng nơi quy định. Được biết trước đó số lượng hình ảnh còn nhiều hơn nữa.

"Họ cảm thấy ngại ngùng vì bị treo hình lên"

Bác Đỗ Đức Thắng (66 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố 20 năm qua chia sẻ, ý tưởng lắp camera ghi lại hình ảnh người dân đổ rác bừa bãi, xuất phát từ nỗi bức xúc của con trai bác. Gia đình bác Thắng sinh sống ngay tại khu vực ngã 3 ngõ nên thường xuyên chịu cảnh mùi hôi thối xú uế của rác thải. 

"Nhiều người ý thức kém, vứt rác lung tung, không đúng giờ xe gom rác tới nên gây ô nhiễm môi trường. Con tôi quyết định tự bỏ tiền túi lắp camera, trích xuất hình ảnh rồi treo lên để họ sửa đổi" - bác Thắng nói. 

Quan điểm của khu phố rất rõ ràng, khi người người nhà nhà đều mong muốn giữ vệ sinh sạch sẽ, không ảnh hưởng tới chất lượng sống chung. 

Hình ảnh người xả rác bừa bãi bị dán chi chít trong khu phố ở Hà Nội: Cấm mãi không được chúng tôi mới làm như vậy - Ảnh 5.

Bác Đỗ Đức Thắng (66 tuổi) - tổ trưởng tổ dân phố.

Khắp xóm đều treo biển cấm để rác bừa bãi.

"Mọi người cứ bất chấp phi xe đi ngang rồi ném túi rác cái vèo. Tại sao không để ở góc nhà chờ xe rác tới thì mang ra? Chúng tôi từng ghi biển cấm kèm thông báo phạt tiền nhưng chả ai nỡ phạt xóm làng với nhau. Cấm mãi không được chúng tôi mới làm như vậy". 

Bạn Linh Anh (22 tuổi) - sinh viên năm cuối ở Hà Nội đã sống 4 năm tại khu phố này. Linh Anh cho biết, nhờ ý tưởng của gia đình bác tổ trưởng mà việc xả rác bừa bãi đang có nhiều tín hiệu tích cực.

"Thường thì mình đều chờ tiếng chuông của các cô lao công mới đưa rác ra chất lên xe. Cách đây 1, 2 năm, nhiều người cứ xem khu ngã 3 này là nơi gom rác chung, nhưng không phải. Không những hôi thối mà từng túi rác còn gây mất mĩ quan đô thị" - Linh Anh kể. 

Đi sâu vào ngõ là những khoảng không gian rất xanh và sạch sẽ, thoáng đãng. 

Theo chia sẻ của bác Thắng, hiện nay tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định trong xóm đã giảm rất nhiều. Các "rác thủ" cũng cảm thấy ngại ngùng vì bị treo hình lên. Hầu hết hộ gia đình đã và đang tuân thủ việc mang rác ra gom đúng giờ. 

Thời gian qua, trào lưu #ChallengeForChange (Thử thách dọn rác) vẫn đang được cộng đồng đón nhận tích cực bằng những hành động cụ thể. Trong tương lai, bác Thắng hy vọng xóm mình sẽ tổ chức những ngày "Thử thách dọn rác" không chỉ mang tính hưởng ứng phong trào, mà hướng tới duy trì thành thói quen, trồng thêm cây xanh để khu phố nhỏ thêm phần trong lành. 

Hình ảnh người xả rác bừa bãi bị dán chi chít trong khu phố ở Hà Nội: Cấm mãi không được chúng tôi mới làm như vậy - Ảnh 8.