Hiệu ứng Lollapalooza khiến Isaac Newton cũng đưa ra quyết định sai: Khi phát huy tác dụng, 1 cộng 1 sẽ bằng 11 hoặc... 33

Mai Lâm, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 09:04 25/06/2021

"Tôi có thể tính toán được chuyển động của các vì sao, nhưng lại không thể nào tình toán được mức độ điên rồ của con người", Isaac Newton.

Isaac Newton là một thiên tài. Tuy nhiên, ngay cả những nhà tư tưởng cách mạng cũng có thể mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn. Thực tế thì điều này cũng không có gì to tát cả vì dù gì thì họ cũng là con người. Và họ cũng giống như chúng ta.

Newton đã nghiên cứu ra các định luật về trọng lực, giải tích và nâng cao hiểu biết của con người về ánh sáng. Thế nhưng ông cũng từng đầu tư vào một công ty rất "nổi tiếng" - South Sea Company. Vào thời điểm đó, nước Anh đang phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ. Thậm chí quốc gia này còn không có tiền để chi trả cho quân đội của mình. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, một số cá nhân đã đưa ra những giải pháp vô cùng "sáng tạo".

Một trong số đó phải kể đến việc thành lập công ty South Sea. Công ty này được thành lập với sứ mệnh "xử lý" các khoản nợ của chính phủ. Tuy nhiên, công ty này lại hoạt động chủ yếu ở khu vực Nam Mỹ (phương tây thường gọi là Biển Nam "South Sea").

Thế nhưng, hành động của chính quyền London thực sự có vấn đề, bởi vì lục địa Nam Mỹ lúc bấy giờ do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha kiểm soát. Mặc dù mang danh nghĩa giao dịch mua bán hàng hóa, song công ty lại không thực sự kinh doanh như những gì đã nói.

Thay vào đó, công ty đã chuyển sang một kế hoạch làm giàu nhanh chóng hơn. Giới đầu cơ đã thổi phồng về công ty và thế là các nhà đầu tư thi nhau rót tiền vào công ty. Trong một thời gian ngắn, giá cổ phiếu đã tăng lên một cách chóng mặt. Khi giá cổ phiếu tăng càng cao, thì càng có nhiều người bắt đầu lao vào đầu tư. Trong đó có nhà khoa học nổi tiếng của chúng ta, Isaac Newton.

Theo một số nguồn tin, ông đã mất rất nhiều tiền vì vụ làm ăn này. Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy nói của ông có liên quan đến vấn đề này: "Tôi có thể tính toán được chuyển động của các vì sao, nhưng lại chẳng thể nào tính toán được mức độ điên rồ của con người."

Hiệu ứng Lollapalooza khiến Isaac Newton cũng đưa ra quyết định sai: Khi phát huy tác dụng, 1 cộng 1 sẽ bằng 11 hoặc... 33 - Ảnh 1.

Làm thế nào để giải thích được sự điên rồ của đám đông, và của riêng bạn

Charlie Munger là một nhà đầu tư, một tỷ phú nổi tiếng. Ông còn là người bạn luôn sát cánh bên tỷ phú nổi tiếng Warren Buffett. Năm 1995, Charlie Munger đã có một bài phát biểu tại trường đại học Harvard. Trong bài phát biểu của mình, ông đã liệt kê một số khuynh hướng tâm lý khiến chúng ta đưa ra những quyết định sai.

12 năm sau, cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đã chứng tỏ những gì Charlie Munger nói là đúng. Rõ ràng tư duy của những người cố gắng tối đa hóa lợi ích cá nhân thực sự không phù hợp với thực tế. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế năm đó đã cho thấy con người có thể phi lý trí đến mức nào.

Khi chúng ta đưa ra quyết định đôi khi không dựa trên sự phân tích khách quan mà dựa trên thiên kiến nhận thức (cognitive bias). Charlie Munger đã phát hiện ra rằng hiện tượng này là kết quả của không chỉ một, mà nhiều khuynh hướng tâm lý hoạt động cùng một lúc. Ông gọi nó là hiệu ứng siêu kết hợp tâm lý (Lollapalooza).

Hiệu ứng siêu kết hợp tâm lý là một dạng thức kết hợp nhiều bẫy tâm lý lại với nhau khiến một người chỉ theo đuổi một kết quả cụ thể. Ví dụ, bạn có một số định kiến ​​về một điều gì đó. Sau đó, bạn tìm thấy một bằng chứng chứng minh được định kiến của bạn là đúng. Từ đó não của bạn chỉ chú ý đến những bằng chứng mà bạn thích và loại bỏ những bằng chứng khác.

Trong bài phát biểu của mình tại Harvard, Charlie Munger đã liệt kê một số khuynh hướng tâm lý dẫn đến việc con người đưa ra những đánh giá sai lầm. Ông đã liệt kê một số khuynh hướng điển hình như tâm lý thích và yêu một người hoặc vật nhất định, tâm lý xóa bỏ nghi ngờ để quyết định nhanh hay tâm lý lạc quan quá mức.

Trong đó, ông có đề cập đến một hiệu ứng tâm lý có tác động rất lớn đến hành vi của con người, đó là hiệu ứng lan truyền (social proof). Đây cũng là một trong những hiện tượng tâm lý mà hiện nay rất nhiều người mắc phải. Khi bạn thêm một hoặc một số khuynh hướng này vào thiên kiến cố định của mình (inherent biases) hay nói cách khác là vào những suy nghĩ bạn mặc định là đúng, thì đồng nghĩa với việc nhân thức của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

"Hiệu ứng lan truyền là một hiệu ứng tâm lý có tác động mạnh đến con người. Câu nói: 'Khỉ thấy gì sẽ bắt chước y như vậy' (Monkey-see, Monkey-do). Đây là cụm từ nói về việc bắt chước người khác mà không cần biết đó là cái gì" - Charlie Munger

Khi những bẫy tâm lý kết hợp với nhau, bộ não của bạn có thể biến thành một mớ hỗn độn. Giờ thử lấy một phương trình toán học nhỏ làm ví dụ. Bình thường, 1 cộng 1 sẽ bằng 2. Tuy nhiên, khi hiệu ứng Lollapalooza phát huy tác dụng, 1 cộng 1 sẽ bằng 11 hoặc thậm chí là 33. Nếu bạn có quá nhiều hành vi ưu tiên, mọi thứ sẽ không xảy ra theo tuyến tính nữa. Thay vào đó, nó sẽ xảy ra theo cấp số nhân.

Nếu bạn không sớm nhận ra vấn đề bạn sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đó. Đây là lý do tại sao những người thông minh như Isaac Newton lại có thể đưa ra những quyết định sai lầm như vậy. Hiệu ứng Lollapalooza cũng giải thích tại sao những đánh giá hoặc giả định ngay từ đầu đã sai cho dù đó là những lỗi nhỏ thì sau này chúng có thể sẽ mang đến nhiều hậu quả tai hại.

Hiệu ứng Lollapalooza khiến Isaac Newton cũng đưa ra quyết định sai: Khi phát huy tác dụng, 1 cộng 1 sẽ bằng 11 hoặc... 33 - Ảnh 2.

Những điều cần nhớ

Định nghĩa của Charlie Munger về hiệu ứng Lollapalooza là:

"Sự kết hợp của các khuynh hướng tâm lý có lợi cho một kết quả cụ thể."

Từ khóa ở đây là kết hợp. Một số khuynh hướng tâm lý kết hợp với nhau để hướng tâm trí của bạn đến một hành động hoặc một kết quả cụ thể. Vậy nên, nếu chỉ có một trong những khuynh hướng ​​này hoạt động thì sẽ không cấu thành nên hiệu ứng Lollapalooza. Tuy nhiên nếu chúng kết hợp với nhau thì tác động sẽ rất lớn.

Hiệu ứng Lollapalooza chính là nguyên nhân dẫn đến một số thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử. Và nó cũng có thể khiến bạn gặp nhiều phiền phức. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Bạn cần làm gì để tránh những tai họa đó?

Dưới đây là một số mẹo:

● Hay cẩn thận với những giả định ban đầu mà bạn đưa ra.

● Trước khi đưa ra quyết định, hãy xem xét kỹ lưỡng đặc biệt là nhận thức của bạn. Và tránh đưa ra quyết định dựa trên thiên kiến nhận thức.

● Đừng chạy theo đám đông, thay vào đó hãy suy nghĩ cho chính mình.

● Đừng đưa ra quyết định khi đang tức giận.

● Hãy nhớ rằng có rất nhiều điều bạn chưa biết.

"Biết những gì bạn chưa biết còn tốt hơn nhiều so việc trở nên thông minh." - Charlie Munger.