Đặc biệt hơn đây là lần sinh thứ 7 của mẹ bé.
Được biết thai phụ là chị N.T.C. (40 tuổi, ở ấp Thạnh An 4, Thạnh Thới Thuận, Trần Đề) với chẩn đoán mang thai lần 7, thai 40 tuần. Kết quả siêu âm cho thấy thai nhi lớn, chỉ định sinh mổ.
Đây là đứa con thứ 7 của chị C.
Chị C cho biết, 6 bé trước cân nặng dao động từ 3,6kg trở lên và bé nặng nhất củng chỉ 4,8kg. Ở lần sinh này, sản phụ được chỉ định mổ bắt con. Ca mổ lúc 08 giờ 25 phút sáng 15/5 là một bé gái chào đời nặng 6,1kg.
Sau khi chào đời, bé gái được đưa về chăm sóc, theo dõi tại Khoa Sơ sinh. Dù sinh ra có cân nặng "khủng" nhưng các chỉ số hiện tại của bé rất bình thường, phát triển ổn định như những đứa trẻ khác.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sơ sinh đủ tháng (từ 37 - 40 tuần) có trọng lượng cơ thể từ 2,5 - 4kg. Trường hợp bé gái nói trên được xem là hiếm gặp ở Việt Nam.
Bé cần được các bác sĩ chuyên khoa Nhi theo dõi sát sao các chỉ số phát triển.
Theo các chuyên gia những trẻ sinh ra có cân nặng lớn thường gặp các vấn đề về suy hô hấp và hạ đường huyết sau sinh. Do đó trẻ cần được các bác sĩ chuyên khoa Nhi theo dõi sát sao các chỉ số phát triển, nhất là các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn về dinh dưỡng, cách chăm sóc trẻ hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Với những em bé sơ sinh có cân nặng lớn cần phải theo dõi sát sao cân nặng, chiều cao hàng tháng. Những trẻ này thường có vấn đề về canxi, do đó phải kiểm soát dinh dưỡng. Tuy nhiên, trẻ nhất thiết vẫn phải bú mẹ trong 6 tháng đầu, không vì bé sinh ra to lớn mà kìm hãm năng lượng. Đến thời kỳ trẻ ăn dặm, tùy theo cân nặng, chiều cao của trẻ lúc đó để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.