Đó là trường hợp của em N.M.H. (13 tuổi, ngụ Bình Phước). Theo lời kể của bệnh nhi, cách đây 2 tháng, khi nằm sấp lên một chiếc gối, em thấy ngực đau nhói như có vật gì đâm vào. Khi kiểm tra, H. thấy một cây kim may quần áo cắm vào ngực. Dù cố gắng rút kim ra nhưng không may kim bị gãy làm đôi, còn một đoạn vẫn còn nằm trong ngực. Không dám nói ba mẹ, cậu bé để cây kim nằm trong người suốt hai tháng.
Bé N.M.H bị cây kim đâm vào tim khi ôm gối.
Tuy nhiên gần đây, em hay bị đau nhói ngực, khó thở và thường bị ngất khi cơn đau lên đỉnh điểm. Lúc này, cậu bé mới kể cho cha mẹ nghe và được phụ huynh đưa đến bệnh viện.
Ths.BS Nguyễn Kinh Bang - Phó khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi đồng 1 cho biết, bệnh nhi khi nhập viện vẫn tỉnh táo nhưng điện tâm đồ có những cơn nhiệt nhanh. Sau khi nghe bệnh cảnh, ban đầu các BS nghĩ kim nằm ngoài thanh ngực, siêu âm thấy tràn dịch ngoài tim. Tuy nhiên khi mở ngực lại không thấy kim đâu cả. Lúc này khi tiến hành chụp CT, các BS phát hiện kim nằm ở vùng tim trái.
Tiến hành hội chẩn một lần nữa, dù nhận rất nhiều bàn cãi khi đây là ca bệnh hi hữu, trên thế giới chỉ mới có 30 ca tai nạn dị vật tương tự, ekip điều trị vẫn quyết định mổ hở để lấy dị vật ra khỏi tim của bé.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi đã tỉnh táo.
Dù vậy, ca phẫu thuật diễn ra rất chóng vánh, chỉ mất khoảng 10 phút các bác sĩ đã lấy ra được dị vật là một đoạn kim may quần áo dài khoảng 2cm đã bị rỉ sét. Sau cuộc phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
"Trước khi ca phẫu thuật tiến hành, các bác sĩ phải tiến hành chụp CT lần 2 để xác định lại vị trí của kim. Kim gây ra tình trạng nhiễm trùng khi đâm vô màng tim. Khi hội chẩn, chúng tôi cân nhắc mổ lấy dị vật, làm sao xác định đúng vị trí tim để mở tim lấy dị vật và tránh mổ xẻ tim nhiều lần qua một lần mổ. Cây kim lú trong lòng cơ tim, dễ làm nên huyết khối hình thành di chuyển làm tắc mạch. Ca mổ khá may mắn là chỉ rạch một đường rất nhỏ chỉ tiến hành trong 10 phút" –BS Bang cho biết.
BS Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 chia sẻ về ca bệnh.
BS Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 chia sẻ, giai đoạn hè, trẻ được nghỉ ở nhà, được vui chơi nên khó tránh khỏi những tai nạn không mong muốn xảy ra, đa phần là do thiếu sót, không cẩn thận từ người lớn. Trường hợp của bệnh nhi trên là rất hi hữu, chỉ mới là ca thứ 2 bệnh viện gặp.
"Những trường hợp thế này bằng giá nào cũng phải đưa cây kim ra, bởi kim khâu đang có khuynh hướng đi vào sâu, không thể biết được đi tới đâu vì tim hoạt động liên tục, co bóp liên tục, không thể dừng lại. Do đó nếu để lâu, khó mà biết sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến đứa bé" – BS Hiếu nói.