Trong văn bản gửi cơ quan chức năng Việt Nam, công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (HVB) cho biết những đoạn video clip chứa thông tin sai lệch, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến công ty đã xuất hiện lần đầu trên Youtube và Facebook từ đầu năm 2016 và được đăng lại trên Youtube ngày 4/5/2017. Tiêu đề và mô tả nội dung được ghi bằng hai thứ tiếng Việt, Anh.
Nội dung đoạn video này cho thấy hình ảnh một cơ sở nhập lậu với tiêu đề “Cận cảnh sản xuất bia Heineken giả - Heineken counterfeit production” và đoạn mô tả nội dung “Bia Heineken giả, nước uống đóng chai giả, và còn nhiều loại bia, nước ngọt giả tràn lan trên thị trường”.
Phía Heineken tin rằng cơ sở nhập lậu này được ghi hình tại Trung Quốc, đang tiến hành thay đổi thông tin trên nhãn chai bằng cách tẩy xoá mã nhận diện lô sản xuất (mã ID) của sản phẩm bia chai Heineken chính hãng.
Theo Heineken, đấy là những sản phẩm chính hãng được bán vượt ra khỏi phạm vi khu vực đã được quy định trên hợp đồng giữa công ty và đối tác. Việc tẩy mã ID, có thể do bên xuất khẩu hoặc nhập khẩu thực hiện để che giấu việc họ đã vi phạm hợp đồng với Heineken.
Vì vậy, công ty nhận định những sản phẩm xuất hiện trong video là chính hãng, cơ sở sản xuất này đặt tại Trung Quốc, và những sản phẩm cũng như nội dung trong video không có bất kỳ mối liên hệ nào với Việt Nam.
Dù vậy, tiêu đề và đoạn mô tả đã gây ấn tượng sai lệch về một cơ sở sản xuất bia Heineken “giả” quy mô lớn tại Việt Nam với sản phẩm tràn lan trên thị trường.
Nhìn nhận toàn bộ quá trình, Heineken tin rằng mục đích ở việc tung video nói trên nhằm gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh thông qua việc tạo ấn tượng về số lượng bia Heineken giả hiện diện trên thị trường, từ đó cảnh báo người tiêu dùng tránh lựa chọn nhãn hiệu Heineken.
Bên cạnh đó, phía Heineken còn chỉ ra video trên cũng được chủ đích nhằm tổn hại đến lòng tin của người tiêu dùng về thực trạng an toàn thực phẩm và công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội.
“Chúng tôi tin rằng việc đăng tải trên Youtube, Facebook đã vi phạm Điều 5(d) của Nghị định 72/2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng khi ‘sử dụng dịch vụ Internet hoặc thông tin trên mạng để đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức’”, phía Heineken cho biết.
Trong trường hợp của Facebook, Google/Youtube, theo công ty này, với nền tảng truyền thông đăng tải video vi phạm Nghị định 7 cũng đang vi phạm Điều 44 Luật Cạnh tranh: gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp; Điều 43: gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Heineken cho biết họ đã làm việc với Google/Youtube và Facebook, bao gồm đưa thông tin chính thức về vấn đề trên lên hệ thống các công ty công nghệ này cũng như liên hệ trực tiếp với Văn phòng Khu vực và Bộ phận Pháp lý Toàn cầu của cả Google và Facebook.
Tuy nhiên, 2 công ty này thông tin sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan đến video trên nếu không có “bản sao” quyết định của toà án, hoặc bất kỳ văn bản pháp lý chính thức nào khác.
Đối với Youtube, ngày 19/5/2017, Luật sư Cấp Khu vực của Google đã cho biết để Youtube có thể gỡ video này, theo Luật bảo vệ quyền riêng tư của Mỹ, Heineken phải thực hiện thủ tục tố tụng tại Mỹ thì Youtube mới có thể cung cấp thông tin về đối tượng đăng tải đoạn video trên.
Vì vậy, Heineken đề nghị nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng Việt Nam để gỡ bỏ hoặc chặn những video và post nói trên theo quy định của Nghị định 72.
Do khái niệm Quyết định của Toà án theo yêu cầu của Bộ phận Pháp lý Youtube và Facebook là không phù hợp với điều kiện pháp lý ở Việt Nam nên phía Heineken đề nghị cơ quan chức năng (cụ thể là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) gửi yêu cầu chính thức tới Youtube và Facebook, thể hiện rõ quan điểm của Cục về việc đăng tải những video nói trên.