Hệ Mặt Trời để lộ thế giới mới, nơi 1 năm bằng 1.648 năm Trái Đất

Anh Thư, Theo nld.com.vn 16:06 28/07/2025
Chia sẻ

2020 VN40 nằm ngoài rìa hệ Mặt Trời và đang hòa nhịp với Sao Hải Vương trong một vũ điệu kỳ lạ.

Theo Space.com, 2020 VN40 thuộc nhóm "vật thể ngoài Sao Hải Vương" (TNO) - tức nhóm vật thể trú ngụ ở khu vực xa xôi và tăm tối rìa hệ Mặt Trời - và có chu kỳ quỹ đạo bằng đúng 10 chu kỳ quỹ đạo của Sao Hải Vương.

Sao Hải Vương có một năm kéo dài bằng 164,8 năm trên Trái Đất, vì vậy một năm ở 2020 VN40 sẽ bằng 1.648 năm Trái Đất.

Hệ Mặt Trời để lộ thế giới mới, nơi 1 năm bằng 1.648 năm Trái Đất- Ảnh 1.

Ảnh minh họa về một vật thể đang "khiêu vũ" đồng bộ với Sao Hải Vương - Ảnh: LIVE SCIENCE

Những thông tin về 2020 VN40 đã được tiết lộ trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học The Planetary Science Journal.

Nhóm nghiên cứu quốc tế này cũng cho rằng chuyển động quỹ đạo đồng bộ "giống như tìm thấy nhịp điệu ẩn giấu trong một bài hát" xảy ra vì 2020 VN40 đang tạm thời bị lực hấp dẫn của hành tinh băng khổng lồ Hải Vương Tinh níu giữ.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Rosemary Pike từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian (Mỹ), các phát hiện về vật thể kỳ lạ này là một bước tiến lớn trong việc tìm hiểu khu vực ngoài rìa hệ Mặt Trời.

"Nó cho thấy ngay cả những vùng rất xa chịu ảnh hưởng của Sao Hải Vương cũng có thể chứa các thiên thể. Và nó cung cấp cho chúng ta những manh mối mới về cách hệ Mặt Trời tiến hóa" - TS Pike nói.

Nhịp điệu quỹ đạo của 2020 VN40 đã được phát hiện trong dữ liệu từ chương trình Khảo sát vật thể xa độ nghiêng lớn (LiDO).

LiDO sử dụng Kính viễn vọng Canada - Pháp - Hawaii với sự hỗ trợ từ các cơ sở quan sát quốc tế như Đài quan sát Gemini và Kính viễn vọng Walter Baade để tìm kiếm các vật thể lạ ở vùng ngoài Hệ Mặt Trời.

Dữ liệu LiDO cũng cho thấy đường đi của 2020 VN40 có độ nghiêng lớn so với mặt phẳng hoàng đạo (là mặt phẳng chứa quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời).

Khoảng cách giữa vật thể này và Mặt Trời là 140 đơn vị thiên văn (AU), tức 140 lần khoảng cách Mặt Trời - Trái Đất.

Điều thú vị nhất là điểm cận nhật của 2020 VN40 khác với các TNO khác đang hòa nhịp cùng Sao Hải Vương.

Các thiên thể khác có sự liên kết nhịp nhàng với Sao Hải Vương sẽ đạt điểm cận nhật (gần Mặt Trời nhất) khi hành tinh băng này ở điểm viễn nhật (xa Mặt Trời) nhất.

Còn 2020 VN40 sẽ đạt điểm cận nhật gần như cùng lúc với Sao Hải Vương nếu nhìn theo hướng vuông góc với mặt phẳng hoàng đạo.

Mặc dù vậy, do quỹ đạo của vật thể lạ lùng này rất nghiêng, nên nó vẫn ở rất xa Sao Hải Vương nếu nhìn theo phương trùng lắp với mặt phẳng hoàng đạo.

Điều này cũng phân biệt 2020 VN40 với các TNO cộng hưởng khác, có xu hướng ở trong mặt phẳng hoàng đạo - và cũng là mặt phẳng gần như chứa quỹ đạo của các hành tinh khác - khi chúng tiếp cận gần Mặt Trời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày