Bị cáo Tuấn tại phiên xét xử chiều 11/5.
Chiều 11/5, TAND tỉnh Hoà Bình tiếp tục phiên xét xử gian lận thi cử tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017-2018. Trong phiên xét xử chiều nay, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi đối với các bị cáo.
Trước đó, tại phần thủ tục, bị cáo Khương Ngọc Chất (44 tuổi - cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an Hòa Bình) đề nghị tòa triệu tập ông Hoàng Văn Giang - cán bộ bảo vệ cầm chìa khóa cửa lối lên phòng chứa bài thi.
Ông Chất cũng đề nghị triệu tập thêm người liên quan là các thí sinh và phụ huynh có con được nâng điểm.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng những người vắng mặt đã có lời khai ở giai đoạn điều tra nên họ vắng mặt không làm ảnh hưởng tới xét xử. Chủ tọa đồng tình quan điểm này.
Sau khi đại diện VKS công bố bản cáo trạng, ông Chất phản đối cáo buộc của cơ quan công tố và nói rằng mình không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, cũng không thực hiện các hành vi vi phạm như cơ quan tố tụng truy tố.
Chiều 11/5, là người đầu tiên đứng trước bục xét hỏi trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Hiệu phó trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) khai, trong 1 lần công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình có gặp bị cáo Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Phó trưởng Ban chấm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017-2018) và ngồi uống nước.
Quá trình ngồi uống nước, bị cáo Vinh nói chuyện với ông Mạnh Tuấn về việc năm nay có 1 số trường hợp con em trong ngành và con em mối quan hệ ngoại giao thi tốt nghiệp THPT để lấy điểm xét tốt nghiệp và lấy điểm vào các trường đại học, cao đẳng.
Bị cáo Vinh nói chuyện có ý nâng, sửa điểm của các học sinh này. Sau khi suy nghĩ bị cáo Tuấn có trao đổi lại với bị cáo Vinh về việc này rất là quan trọng, khó khăn bởi kết quả này không chỉ xét tốt nghiệp mà còn xét đại học.
Sau đó, bị cáo Mạnh Tuấn đề nghị chỗ bị cáo Vinh chuẩn bị chìa khoá phòng để bài thi còn các dụng cụ khác bị cáo tự chuẩn bị để tiến hành việc nâng, sửa bài thi.
Lời khai của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cũng nêu rõ, trong 1 lần đi công tác ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình có gặp bị cáo Khương Ngọc Chất và 2 người có đứng trao đổi với nội dung gần giống với nội dung trao đổi cùng bị cáo Vinh.
"Lúc nói chuyện, bị cáo Chất cũng nói về việc có con em thi tốt nghiệp và đề nghị bị cáo can thiệt, nâng điểm và sửa giúp. Sau đó, bị cáo cũng nói về việc bị cáo Vinh đã đề cập vấn đề này trước đó...", bị cáo Tuấn khai.
Các bị cáo tại toà.
Trong cuộc trao đổi lần này với bị cáo Chất, Đỗ Mạnh Tuấn có nói về việc tác động tới bên công an đừng làm khắt khe quá thì Chất đồng ý với việc này.
Quá trình thực hiện việc nâng, sửa điểm thi, bắt đầu khoảng tối ngày 30 đến ngày 3/7/2018, bị cáo cùng với bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên phòng khảo thí) sau bữa cơm tối hoặc sau 23h thì 2 người nói dối với mọi người đi sang bên phòng ban phách để đánh bài nhưng thực tế 2 người ra hành lang rồi vào phòng 504 mở cửa để thực hiện việc can thiệp vào bài thi của các thi sinh. Con số cụ thể chính xác các bài thi đã can thiệp, bị cáo nêu không nhớ.
Đỗ Mạnh Tuấn cũng khai, có quen biết với Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Phó trưởng ban chấm thi) từ khi còn làm giáo viên ở huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình từ năm 2005-2006.
Giữa bị cáo và bị cáo Vinh quan hệ tương đối thân thiết, độ tin cậy cao. Làm việc cùng nhau từ năm 2010.
Lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn nêu, việc sửa điểm nhận thông tin thí sinh chủ yếu từ chỗ bị cáo Vinh.
Thời điểm Vinh đưa danh sách cho Tuấn chỉ có 2 người, số lượng không nhớ chính xác. Thông tin thí sinh mà Vinh đưa cho Tuấn gồm số báo danh, các môn thi, phòng thi và điểm yêu cầu cần đạt.
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cũng khai nhận, không nhớ hết các mối quan hệ của các thí sinh liên quan đến các bị cáo khác.
Ngoài ra bị cáo còn nhận 1 số trường hợp nâng điểm thi khác từ nhiều người như Hưng, Hoàng, Trúc, Thụ, Thập...
"Trong khoảng thời gian chấm thi trắc nghiệm thì anh Chất có đến phòng chấm thi của bị cáo và nói có 10 trường hợp cần nâng, sửa điểm.
Trong đó 8 trường hợp đã xin ý kiến của anh Vinh còn 2 trường hợp nhận giúp. Thời gian nói chuyện giữa 2 người là ban ngày....", Đỗ Mạnh Tuấn khai.
Trước bục khai báo, Tuấn nói rằng, thời điểm sửa điểm thi không nghĩ tới hậu quả như ngày hôm nay. Tuấn chỉ nghĩ mình làm sai nếu bị phát hiện thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Thời gian sau, Tuấn nhận được của các bị cáo Trúc 300 triệu, Thuần 250 triệu và tiền của bị cáo Chất là 500 triệu.
Sau khi nhận tiền của bị cáo Chất, Đỗ Mạnh Tuấn để ở ghế lái trên xe ô tô và sau đó về đưa cho vợ. Đến nay, Tuấn vẫn chưa nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra.