Hậu giãn cách: Vui thôi, đừng quá đà - cần giữ tâm thế phòng dịch của giai đoạn 1 để cùng an toàn

Nhà báo Trần Trọng An, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 24/04/2020
Chia sẻ

Nếu để dịch bùng phát lần thứ 3 thì nguy cơ mất kiểm soát sẽ rất lớn... Vì thế, mỗi người cần giữ tâm thế phòng dịch của giai đoạn 1 để tái khởi động cuộc sống an toàn cho chính mình, người thân và cộng đồng.

Hậu giãn cách: Vui thôi, đừng quá đà - cần giữ tâm thế phòng dịch của giai đoạn 1 để cùng an toàn - Ảnh 1.

Mới đây, sau 2 tuần thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, từ 0h ngày 23/4, các tỉnh thành trên cả nước đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, mới đây Nhà báo Trần Trọng An - Phó Tổng biên tập Tạp chí Gia đình mới đã chia sẻ quan điểm của mình cho rằng nguy cơ bùng phát dịch vẫn khá lớn, vì vậy mỗi người dân cần giữ tâm thế phòng dịch, thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Bài viết Nhà báo Trần Trọng An đã được đăng tải trên MXH Lotus và nhận được sự quan tâm chú ý của nhiều người.

Chúng ta đã thành công khống chế dịch tới hiện tại nhưng dịch vẫn bủa vây, chờ chực tái xâm nhập vào Việt Nam.

Hồi đầu, khi hay tin dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), bất kỳ người Việt Nam nào cũng cảnh giác cao độ.

Tổng cộng có 16 bệnh nhân và tất cả được chữa khỏi trong giai đoạn đầu tiên này. Hơn 3 tuần bình yên đã trôi qua.

Thời điểm ấy, nhiều người Việt thở phào, thậm chí lúc ấy nhiều người đã có tâm lý "xả ga" chờ công bố hết dịch.

Bùm!

Bệnh nhân số 17 từ Anh về trên chuyến bay VN0054 vào ngày 2/3/2020. Liên tiếp sau đó, thêm 251 bệnh nhân khác được ghi nhận.

Gần 2 tháng qua, nhiều người đã sống trong trạng thái hoang mang và lo sợ.

Nhiều địa phương, bệnh viện bị cách ly. Cả nước tiêu tốn không biết bao nhiêu nguồn lực trong gần 2 tháng mới tạm kiểm soát được tình hình.

Hậu giãn cách: Vui thôi, đừng quá đà - cần giữ tâm thế phòng dịch của giai đoạn 1 để cùng an toàn - Ảnh 4.

6 ngày gần đây thì khác, mỗi ngày thấp thỏm chờ đợi bản tin 6 và 18 giờ từ Bộ Y tế. Không ghi nhận ca nhiễm mới, số ca chữa khỏi ngày càng nhiều. Ai cũng mừng. Và kéo theo đó là "tâm lý chủ quan", "muốn xả hơi".

Ngay lúc này, dịch trong phạm vi nội địa Việt Nam đã tạm lắng xuống. Nhưng không ai dám chắc, trong cộng đồng không còn nguồn lây. Đó là chưa kể, bên ngoài, dịch vẫn bủa vây ở các nước khác, chờ chực tái xâm nhập vào Việt Nam.

Sự chủ quan có thể khiến Việt Nam giống Singapore - Làn sóng thứ 3 sẽ nguy hiểm hơn nhiều lần!

Xin lưu ý, trong làn sóng lần thứ 2, số ca nhiễm đã tăng gấp 15 lần so với lần 1.

Tính theo cách thô thiển, nếu để xảy ra đợt bùng phát lần 3, số ca nhiễm của Việt Nam, gấp 15 lần thêm, có thể lên tới ít nhất 4000 người.

Khi đó, kịch bản của Singapore sẽ tái diễn ở Việt Nam. Singapore từng duy trì số ca nhiễm dưới 1000 rất lâu. Nhưng sự chủ quan đã dẫn tới số ca lây nhiễm trong các cư xá công nhân, khiến số ca nhiễm mới tăng nhanh chóng tăng lên 4000.

Và hiện nay, số ca mới tăng trên 1000/ngày. Singapore đã có số ca mắc hơn 10.000 người.

Hậu giãn cách: Vui thôi, đừng quá đà - cần giữ tâm thế phòng dịch của giai đoạn 1 để cùng an toàn - Ảnh 6.

Còn tại Việt Nam, xin lưu ý, trong số 268 ca mắc Covid-19, có ít nhất 6 bệnh nhân phải thở máy.

Vẫn tính theo cách thô thiển, nếu có 4000 ca mắc, có thể sẽ cần 120 máy thở.

Còn nếu trên 10.000 ca mắc, sẽ cần hơn 300 máy thở.

Trên 10.000 ca mắc, ngành y tế Việt Nam sẽ rất khó đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ...

Nếu không giữ, từ 268 lên 4000, rồi 10.000 và hơn thế nhanh lắm. Giữ thì lâu, nhưng đổ vỡ sẽ rất nhanh...Tôi cho rằng, trạng thái kiểm soát dịch lúc này của Việt Nam là tạm thời và cực kỳ mong manh.

Bởi trên thế giới, số ca nhiễm đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 15 ngày, lên 2,6 triệu người. Số ca tử vong cũng tăng lên 170.000 người.

Chắc bạn đã hình dung được, nếu để dịch bùng phát lần thứ 3 thì nguy cơ mất kiểm soát sẽ lớn thế nào. Giới hạn phòng dịch và điều trị của ngành y tế Việt Nam có thể đảm đương tới đâu.

Vì thế, mỗi người cần giữ tâm thế phòng dịch của giai đoạn 1 để tái khởi động cuộc sống an toàn cho chính mình, người thân và cộng đồng.

Hậu giãn cách: Vui thôi, đừng quá đà - cần giữ tâm thế phòng dịch của giai đoạn 1 để cùng an toàn - Ảnh 8.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày