Dịch Covid-19 vẫn còn ở cộng đồng, tỷ lệ người lành mang mầm bệnh cao

Thiên Bình, Theo VOV 18:24 24/04/2020

Virus SARS-CoV-2 rất “biến ảo”. Theo thống kê, tỷ lệ người lành mang mầm bệnh là 40%. Tại Việt Nam, thống kê trong 245 trường hợp có khoảng 41%.

Trong hơn 1 tuần qua Việt Nam không khi nhận ca mắc mới Covid-19, các địa phương nới lỏng cách ly xã hội sau ngày 22/4… là những thông tin tích cực trong cuộc chiến chống dịch bệnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 vẫn yêu cầu người dân không nảy sinh tâm lý “ăn mừng” và chủ quan, lơ là phòng dịch.

“Người lành mang mầm bệnh”

Giới chuyên môn cảnh báo khi Việt Nam không còn ca bệnh mới nhưng vẫn có thể vẫn có mầm bệnh trong cộng đồng. Thực tế, có những người mang virus không có triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt như đau mỏi mình mẩy hay triệu chứng cảm cúm… nên rất dễ bị bỏ qua. Ban Chỉ đạo xác định, có thể tồn tại một số trường hợp như vậy trong cộng đồng và chưa được phát hiện, kiểm soát. “Vì chưa có miễn dịch cộng đồng, nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn. Chúng tôi lo ngại khả năng làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19. Chúng ta phải nhìn vào bài học từ nhiều nước trên thế giới khi làn sóng thứ 2 tồn tại, phát triển âm thầm trong cộng đồng, cho đến khi xảy ra trên diện rộng mới phát hiện được. Đến lúc đó, hệ thống y tế sẽ trong tình trạng rất khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định.

Dịch Covid-19 vẫn còn ở cộng đồng, tỷ lệ người lành mang mầm bệnh cao - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 24/4.

Ông Long cho biết, trong thời gian qua đã có những trường hợp đã có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, sau đó lại dương tính, hay trường hợp bệnh nhân khi xét nghiệm kháng thể cho thấy đã mắc bệnh từ lâu rồi. Do đó, có những vấn đề đặt ra cho giới chuyên môn. Thứ nhất, có thể người bệnh đó chữa khỏi hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh và virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi. Thứ 2 là khả năng bệnh nhân đã khỏi, nhưng đang trong quá trình đào thải virus ở dạng bất hoạt (xác virus), thì khi làm xét nghiệm khuếch đại gene vẫn có kết quả dương tính. Trường hợp thứ 3, là “người lành mang mầm bệnh” có thể xảy ra khi cơ thể con người chưa sản sinh đủ kháng thể để khống chế, kiểm soát và tiêu diệt virus.

“Chúng tôi đã yêu cầu với tất cả các trường hợp đã xét nghiệm âm tính, sau đó dương tính trở lại, giao cho 2 phòng thí nghiệm tiến hành nuôi cấy virus và nếu virus sống, phát triển thì chứng tỏ người đó chưa khỏi bệnh. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu tất cả các trường hợp bệnh nhân đã điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hòa và xem kháng thể đó có khả năng tiêu diệt virus hay không. Nếu kháng thể không tiêu diệt được virus, thì có khả năng virus tồn tại trong cơ thể trong một thời gian rất dài”, ông Long nói.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh việc ngăn chặn bệnh xâm nhập trong giai đoạn hiện nay, đồng thời điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, theo đó, tất cả các trường hợp dù có triệu chứng liên quan đến bệnh cúm thông thường phải lập tức được xét nghiệm. Đồng thời, tập trung khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ như khu công nghiệp, khu nhà trọ của các công nhân, các nhóm lao động tự do… để tăng cường giám sát, phát hiện thật sớm tất cả các ca bệnh và cách ly với cộng đồng.

Tỷ lệ “người lành mang mầm bệnh” tại Việt Nam là 41%

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo sáng 24/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, giai đoạn đầu Việt Nam đã thành công rất lớn trong việc ngăn chặn ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài. Do vậy, chúng ta không ghi nhận dịch bệnh bùng phát trong giai đoạn vừa qua.

Các ổ dịch như tại Hạ Lôi, BV Bạch Mai, Buddha bar… đã phong tỏa quyết liệt và giải quyết được. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được cách ly, những trường hợp nghi nhiễm điều ngăn chặn tiếp xúc với người lành. Trong thời gian cách ly xã hội, chúng ta không phải giải quyết được triệt để 100%, nhưng chúng ta đã giảm được tối đa tiếp xúc giữa những người mang mầm bệnh với người lành. Đó mới chỉ là hạn chế lây lan ở mức thấp nhất trong cộng đồng và không loại trừ khả năng có người đang mang mầm bệnh ở trong cộng đồng và có thể lây lan bệnh dịch.

“Những ổ dịch tiếp theo có thể xảy ra. Việt Nam đã làm tốt nguyên tắc ngăn chặn-phát hiện-cách ly-khoanh vùng-dập dịch, nên nếu có ổ dịch trong thời gian tới chúng ta phải làm sao để dịch không bùng phát. Sau thời gian cách ly xã hội, vẫn có thể có những ổ dịch nhỏ. Thời gian tới, chúng ta có thể phải chung sống với dịch bệnh, nhưng chung sống trong điều kiện an toàn, không chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, rửa tay thường xuyên”, ông Phu nói.

Theo thống kê, tỷ lệ người lành mang mầm bệnh là 40%. Tại Việt Nam, thống kê trong 245 trường hợp có khoảng 41%. Những trường hợp còn lại là có triệu chứng nhẹ như ho, sốt…

Dịch Covid-19 vẫn còn ở cộng đồng, tỷ lệ người lành mang mầm bệnh cao - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Trên thế giới cũng có những báo cáo về trường hợp xét nghiệm âm tính xong lại dương tính, đặc biệt, Hàn Quốc báo cáo gần 200 trường hợp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hàn Quốc đang tiến hành thêm thống kê và phân tích tiếp theo với các trường hợp này.


Có thể không lớn, nhưng vẫn có thể có người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Đó là những trường hợp không có triệu chứng, hay những trường hợp trường sốt ho nhẹ không vào bệnh viện, không xét nghiệm sàng lọc được. Các trường hợp này có thể kế tiếp tạo thành các ca tiếp xúc gần bị lây. Do đó, ở nhiều nước từ cách ly xã hội phải chuyển sang phong tỏa chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta không chủ quan./.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày