Hạt vi nhựa lần đầu tiên được tìm thấy trong máu người

Quỳnh Chi, Theo VTV 10:32 25/03/2022

Lần đầu tiên những hạt vi nhựa cực nhỏ đã được tìm thấy trong máu người, làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của nhựa.

Các nhà khoa học Hà Lan đã tìm thấy hạt vi nhựa "có thể định lượng" trong máu của 17 trong số 22 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, tương đương tỷ lệ 77%. Mức độ thấp, trung bình là 1,6 microgam hạt vi nhựa (1,6 phần triệu gam) trong mỗi ml máu.

Sự hiện diện của vi nhựa, mảnh vỡ từ các vật dụng hàng ngày, trong máu là một phát hiện đột phá.

Loại nhựa phổ biến nhất được phát hiện là PET, được sử dụng để làm chai đựng đồ uống. Vi nhựa PET được tìm thấy ở 50% tình nguyện viên, theo kết quả được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế.

Trong khi đó, Polystyrene, được sử dụng rộng rãi trong bao bì thực phẩm, được tìm thấy với 36% và polyethylene, được dùng làm các màng bao gói và túi, ở mức 23%.

Các nhà nghiên cứu từ Vrije Universiteit Amsterdam và Trung tâm Y tế Đại học Amsterdam cho biết, các vi hạt nhựa có thể đã được hít vào hoặc ăn vào trước khi hấp thụ vào máu.

Họ mô tả, các mảnh nhựa này là "chất ô nhiễm phổ biến trong môi trường sống và chuỗi thức ăn", nhưng chưa có nghiên cứu nào trước đây có thể phát hiện ra hạt vi nhựa trong máu: "Nồng độ các hạt nhựa được báo cáo ở đây qua tổng thể của tất cả các con đường tiếp xúc tiềm ẩn: các nguồn trong môi trường sống xâm nhập vào không khí, nước và thực phẩm, nhưng cũng có thể là các sản phẩm chăm sóc cá nhân, polyme nha khoa, mảnh cấy ghép cao phân tử, các hạt nano phân phối thuốc cao phân tử và dư lượng mực xăm. Các hạt nhựa không chỉ lan tràn trong môi trường mà còn cả cơ thể chúng ta".

Hạt vi nhựa lần đầu tiên được tìm thấy trong máu người - Ảnh 1.

Hạt vi nhựa đã hiện diện trong máu người (Ảnh: Tổ chức Hòa bình xanh)

Theo các nhà khoa học độc lập, phát hiện này rất quan trọng vì các nhà nghiên cứu đã dành rất nhiều thời gian để loại trừ khả năng nhiễm bẩn của những mẫu máu.

Tiến sĩ Alice Horton, nhà nghiên cứu "chất gây ô nhiễm do con người" tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia của Vương quốc Anh, nói: "Đây là một phát hiện đáng quan tâm vì các hạt có kích thước này đã được chứng minh là gây viêm và tổn thương tế bào trong điều kiện phòng thí nghiệm. Nghiên cứu này góp phần đưa ra bằng chứng rằng các hạt nhựa không chỉ lan tràn khắp môi trường mà còn lan tỏa khắp cơ thể chúng ta. Hậu quả lâu dài của việc này hiện vẫn chưa được biết rõ".

Tiến sĩ Fay Couceiro, chuyên gia về ô nhiễm môi trường tại Đại học Portsmouth, cho biết, không thể ngoại suy những phát hiện của một nghiên cứu nhỏ cho toàn bộ dân số, nhưng nói thêm: "Khả năng phát hiện sự hiện diện của hạt vi nhựa (trong máu) là rất quan trọng để chúng tôi nhận ra sự cấp thiết của nhu cầu nghiên cứu thêm trong lĩnh vực này. Máu liên kết tất cả các cơ quan trong cơ thể chúng ta và nếu nhựa ở đó, nó có thể ở bất cứ đâu trong người chúng ta".