Câu chuyện hiến tặng tế bào gốc của một chàng trai trẻ đã lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhận được hàng chục nghìn lượt chia sẻ và bình luận tán dương.
Mới đây, câu chuyện về hành trình hiến tặng tế bào gốc của anh Mac T. Chutipong (sống tại Thái Lan) đã gây xúc động cộng đồng mạng. Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân vào ngày 30/12, anh Chutipong đã tường thuật lại trải nghiệm hiến tặng tế bào gốc cho một bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính. Anh ví von cuộc gặp gỡ này như một "cuộc gặp gỡ định mệnh" bởi tỷ lệ trùng khớp HLA (kháng nguyên bạch cầu) chỉ 1/50.000.
Hiến tế bào gốc - một phần của tế bào gốc máu - cho bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến máu nghiêm trọng như bệnh bạch cầu, ung thư hạch, teo tủy xương hoặc các bệnh máu nghiêm trọng khác... không dễ dàng như hiến máu nói chung. Phải có sự trùng khớp của các gen HLA, mà ở người bình thường, cơ hội trùng khớp này rất nhỏ - chỉ 1/50.000.
Hành trình hiến tặng tế bào gốc này bắt nguồn từ 5 năm trước. Trong 1 lần đi hiến máu, anh Chutipong đã đăng ký hiến tặng tế bào gốc tại Hội Chữ thập đỏ Thái Lan. Và anh không ngờ rằng mình sẽ có cơ hội trải nghiệm một hành trình ý nghĩa như vậy. Vào đúng ngày sinh nhật của mình trong năm nay, anh Chutipong bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Hội Chữ thập đỏ thông báo về một bệnh nhân có khả năng phù hợp với tế bào gốc của anh.
Thông tin của bệnh nhân sẽ không được tiết lộ. Bác sĩ chỉ thông báo cho chúng tôi rằng cô ấy là phụ nữ và sống ở nước ngoài. Nhưng Chutipong đã không ngần ngại đồng ý và nhanh chóng đến làm các xét nghiệm cần thiết. Sau khi có kết quả trùng khớp, anh tiếp tục được kiểm tra sức khỏe tổng quát, bao gồm xét nghiệm máu, điện tâm đồ và chụp X-quang phổi. Tuy nhiên, anh gặp phải một thử thách nhỏ khi tĩnh mạch ở cánh tay không đủ tiêu chuẩn để tiến hành hiến tặng. Điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ phải tiến hành phẫu thuật để đặt ống dẫn vào tĩnh mạch ở cổ.
Dù bác sĩ thông báo về quyền được từ chối, anh Chutipong vẫn kiên quyết tiếp tục hành trình hiến tặng. Anh chia sẻ rằng, anh hiểu việc bỏ cuộc giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội sống của bệnh nhân. Trước khi phẫu thuật đặt ống dẫn, anh đã được tiêm thuốc kích thích tủy xương trong 3 ngày liên tiếp. May mắn là anh không gặp phải tác dụng phụ nào đáng kể.
Quá trình hiến tặng tế bào gốc diễn ra trong 2 ngày. Anh Chutipong được tiêm thuốc vào buổi sáng và sau đó nằm nghỉ trong khoảng 5 tiếng để máy móc tách chiết tế bào gốc từ máu. Anh cũng được theo dõi sát sao bởi các y tá và bổ sung canxi để tránh tình trạng bị chuột rút hay tê bì. Rất may, lượng tế bào gốc thu được đã đạt yêu cầu ngay trong ngày đầu tiên. Anh cũng tiết lộ, việc tháo ống dẫn không hề đau đớn như anh tưởng tượng.
Anh Chutipong hy vọng rằng người nhận được món quà này sẽ sớm bình phục và có một cuộc sống khỏe mạnh. Anh cũng mong muốn câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người đăng ký hiến tặng tế bào gốc, mang đến hy vọng sống cho những bệnh nhân đang chờ đợi. Anh nhấn mạnh rằng ngay cả nếu không thể trực tiếp hiến tặng, việc chia sẻ thông tin này cũng là một hành động ý nghĩa.
Theo Mgronline, Dailynews