Bố mẹ có con đến tuổi dựng vợ gả chồng đều ít nhiều gặp khoảnh khắc thế này: Họ hàng tụ tập và bàn tán về việc con của ai đã lấy chồng/lấy vợ, ai đã có cháu, ai đã có cả cháu nội cháu ngoại,... Cuối cùng ánh mắt của mọi người đổ dồn về phía người phụ huynh đó, khiến họ cười ngượng ngùng rồi quay lại cằn nhằn đứa con vẫn còn ế chỏng chơ: “Sao vẫn chưa chịu kết hôn? Định làm bố mẹ xấu hổ mãi hay sao?”.
Nhưng những câu cằn nhằn này có thực sự hữu ích không?
Bố mẹ có bao giờ nghĩ đôi khi không phải con cái không chịu khó hẹn hò, yêu đương mà là do một số thói quen của mình đang vô tình trở thành vật cản, khiến con cái không thể thoát ế?
Khi đã ngoài 50 tuổi, nếu muốn con cái sớm được đối tượng hẹn hò, xin bố mẹ hãy chủ động từ bỏ vài thói quen. Đừng để ý tốt, nỗi lo lắng của chúng ta trở thành áp lực. gánh nặng cho con cái trong chuyện kết hôn.
Một số bố mẹ thường có thói quen “cái nhà này chuyện gì cũng đến tay tôi”, bao gồm cả hôn nhân của con cái. Từ ngoại hình, trình độ học vấn, gia cảnh, thu nhập, thậm chí là cả tính cách của người yêu con cũng được họ liệt kê một danh sách dài dằng dặc. “Bố mẹ làm điều này cũng chỉ vì muốn tốt cho con, không thể tìm người thấp kém hơn được!” . Nhưng bố mẹ có bao giờ nghĩ xem thứ mà họ cho là tốt có thật sự phù hợp với con mình không?
Bạn tôi, Tiểu Lý, có một người mẹ như vậy. Bà luôn cảm thấy con trai mình nên tìm một người vợ hiền lành và đảm đang nhưng Tiểu Lý lại thích những cô gái năng động, cá tính.
Mỗi lần anh đưa ai đó về ra mắt, mẹ anh luôn tìm cách bắt lỗi: “Người này nói chuyện quá to, không đủ điểm tĩnh”, “Người kia trang điểm đậm quá, ăn mặc không phù hợp”,... Và kết quả là Tiểu Lý lần lượt từ bỏ đối tượng vì ý kiến của mẹ.
Đến khi đã ngoài 30 tuổi, bạn bè đều đã kết hôn nhưng anh chàng vẫn độc thân. Tiểu Lý bất lực nói: “Không phải là tôi không muốn kết hôn, mà mẹ tôi cảm thấy không có ai phù hợp với tôi cả”.
Thực tế hôn nhân là việc riêng của cái, điều họ cần là ý kiến tư vấn hoặc sự ủng hộ từ bố mẹ, không phải sự đánh giá và phủ nhận.
Nhà văn kiêm bác sĩ tâm thần Bi Shumin từng nói: “Hạnh phúc không phải do bố mẹ ban tặng, mà do con cái tự chọn lựa” . Những gì bố mẹ cần làm là tôn trọng sự lựa chọn của con, thay vì áp đặt tiêu chuẩn của mình lên đó. Đừng quên rằng người thực sự đồng hành cùng con là bạn đời của con, không phải bố mẹ.
“Sao vẫn chưa chịu lấy chồng? Nhìn con bé nhà hàng xóm đã sinh đến đứa thứ 2 mà con đến người yêu cũng không có! Sau này định ở một mình đến hết đời à?”.
Hẳn đây là điệp khúc quen thuộc trong gia đình nhiều người. Một số phụ huynh giục giã con cái kết hôn mỗi ngày hay trong mỗi cuộc điện thoại, thậm chí còn nhắc một cách công khai trước mặt người thân bạn bè, khiến con vô cùng khó xử. Liệu sự thúc giục này có hiệu quả không?
Thật ra, áp lực càng mạnh thì con cái sẽ càng chán nản, đôi khi còn hình thành tâm lý chống đối. Con trai bà Vương - hàng xóm của tôi là ví dụ.
Bà Vương luôn cảm thấy con trai đã lớn, nếu không kết hôn sớm thì sẽ không ai thèm lấy nữa. Mỗi bữa ăn, bà đều phàn nàn: “Nhìn con xem, đã gần 30 tuổi đầu rồi mà sao không chịu dẫn cô gái về nhà vậy?” . Vào mỗi dịp lễ Tết hay gặp mặt họ hàng, bà Vương càng tận dụng triệt để cô dì chú bác trong nhà để nhờ họ mai mối.
Kết quả là cậu con trai ngày càng ngại về nhà. Có lần cậu ấy còn nói thẳng với mẹ: “Mẹ ơi, không phải con không muốn lấy vợ mà mẹ làm con cảm thấy áp lực”.
Hôn nhân không phải là một cuộc chạy đua, không có vạch xuất phát hay đích đến nhất định. Mỗi người đều có nhịp điệu riêng, sớm hay muộn có thể khác nhau nhưng chắc chắn sẽ gặp được hạnh phúc của riêng mình.
Trên MXH từng có một câu rất viral: “Giục cưới là để con cái kết hôn, không phải để con cái hạnh phúc” . Thế thì thay vì ép buộc, bố mẹ nên cho con cái thêm chút thời gian và không gian để từ từ tìm được người phù hợp.
Nhiều bố mẹ cho rằng vì mình nhiều tuổi hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn nên khi nhắc đến hôn nhân, lời nói của mình chính là quy tắc vàng. Vì vậy mà khi con cái có ý kiến trái chiều, họ sẽ dùng những câu nói như: “Bố mẹ đã trải qua rất nhiều khổ cực, tất cả cũng chỉ muốn tốt cho con” . Tuy nhiên chính điều này lại khiến con cái cảm thấy không thoải mái.
Bố mẹ của Tiểu Mai là cũng như vậy. Cô thích một chàng trai có gia cảnh bình thường và bố mẹ cô ngay lập tức phản đối: “Con sắp tốt nghiệp đại học, làm sao có thể yêu một người công nhân được? Bố mẹ không đồng ý” . Dù Tiểu Mai giải thích thế nào họ cũng không nghe, thậm chí còn cắt đứt sự hỗ trợ tài chính.
Không còn cách nào khác, Tiểu Mai phải chia tay bạn trai và kể từ đó, cô luôn có cảm giác không thoải mái với chuyện yêu đương, kết hôn. “Con không muốn có bạn trai nữa. Con quá mệt mỏi rồi” - cô nói.
Bố mẹ và con cái nên có giao tiếp thẳng thắn và bình đẳng trong chuyện hôn nhân, không phải chỉ là một bên dạy bảo và một bên nghe lời. Giao tiếp thực sự có nghĩa là đứng trên góc nhìn của đối phương để thấu hiểu và thông cảm, không phải đứng từ quan điểm của mình để phán xét.
Một bộ phận phụ huynh lại lo lắng con mình sẽ không bao giờ tìm được nửa kia, cho rằng “độc thân tức là thất bại”. Vậy nên họ liên tục sắp xếp mai mối cho con, đôi khi còn giám sát những màn hẹn hò đó. Nhưng bố mẹ thực sự nghĩ con cái độc thân là do không đủ năng lực sao?
Tiểu Hoàng là một lập trình viên, công việc cực kỳ bận rộn nhưng anh ấy có kế hoạch rõ ràng cho chuyện hôn nhân đại sự của mình. Tuy nhiên mẹ anh luôn cảm thấy con trai không có năng lực tán tỉnh nên đã bí mật sắp đặt những cuộc hẹn hò cho anh chàng.
Đến một ngày nọ, Tiểu Hoàng không nhịn nổi mà phải vùng lên: “Mẹ! Không phải con không muốn kết hôn mà là con không muốn lấy người mà con không thích!” . Mẹ anh đáp lại: “Cứ tìm hiểu và cưới nhau về rồi sẽ thích” . Mối quan hệ mẹ con cũng vì vậy mà rất căng thẳng.
Sự lo lắng quá mức của bố mẹ thường khiến con cái cảm thấy không được tin tưởng, 2 bên không thấu hiểu lẫn nhau. Và thực tế là những gì bố mẹ thấy đáng báo động chưa chắc đã là tình huống khẩn cấp trong mắt con cái. Vì vậy bố mẹ phải học cách tôn trọng nhịp độ cuộc đời riêng của con, tin rằng chúng có khả năng tìm thấy hạnh phúc của riêng mình.
Lời cuối cùng, hôn nhân là sự lựa chọn quan trọng của cuộc đời con cái, không phải là “nhiệm vụ” của phụ huynh. Việc đúng đắn của bố mẹ không phải là giúp con sắp xếp mọi việc mà là cho con thêm can đảm đi theo con đường riêng của mình.
Bố mẹ nên bỏ những thói quen và ám ảnh không cần thiết đó đi, cho con thêm niềm tin. Hãy nhớ rằng: tình yêu không phải là kiểm soát mà là hỗ trợ, không phải là thúc giục mà là đồng hành. Thay vì lo lắng thì hãy chờ đợi, thay vì thúc giục thì hãy thấu hiểu. Hạnh phúc không bao giờ vội vã, nó sẽ lặng lẽ đến đúng thời điểm.
(Nguồn: Baidu)