Hành trình cuộc đời xúc động của chàng trai mù bị xã hội ruồng bỏ lập nên cơ nghiệp triệu đô ở tuổi 23

Skye, Theo Thời Đại 19:40 17/08/2017

Đó là câu chuyện của Srikanth Bolla, một chàng trai đến từ Ấn Độ sở hữu cơ nghiệp triệu đô mà nhiều người luôn mơ ước. Tuy nhiên, không ai biết anh đã phải trải qua những gì với tuổi thơ đầy khó nhọc.

Khi chào đời, những người hàng xóm tại ngôi làng của Srikanth Bolla khuyên cha mẹ nên kết liễu đời con trai mình, còn hơn là phải chịu đựng nỗi đau dai dẳng suốt cuộc đời. Người ta nói rằng, anh là một đứa bé "vô dụng" không có mắt. Có những kẻ ác miệng nói: "Sinh ra bị mù là một tội ác".

25 năm sau, Srikanth Bolla, chàng trai năm nào đã trưởng thành và nắm giữ trong tay công ty có giá trị hàng triệu đô tại Ấn Độ mang tên Bollant Industries - một công ty chuyên tuyển dụng nhân viên là những người khuyết tật với sản phẩm chính là các giải pháp đóng gói thân thiện với môi trường. Srikanth đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng: "Khi cả thế giới nhìn tôi và nói "Srikanth, cậu chẳng làm được gì cả", tôi sẽ nhìn lại và cho họ biết tôi có thể làm bất cứ điều gì".

Srikanth luôn nghĩ rằng mình là một người đàn ông may mắn nhất hành tinh, không phải bởi vì anh trở thành triệu phú mà vì cha mẹ anh đã không nghe theo bất cứ lời khuyên nào của hàng xóm mà nuôi dưỡng anh với tình yêu thương. "Họ là những người giàu nhất mà tôi biết", Srikanth cho biết. 

Hành trình cuộc đời xúc động của chàng trai mù bị xã hội ruồng bỏ lập nên cơ nghiệp triệu đô ở tuổi 23 - Ảnh 1.

Xuất thân nghèo khó, bị xã hội ruồng bỏ

Người ta nhìn vào câu chuyện của Srikanth với niềm cảm thông, xót thương vô hạn. Sinh ra bị mù đã là một thiệt thòi, gia đình anh còn vô cùng nghèo khổ. Tuổi thơ của Srikanth là những ngày tháng cơ hàn và bị bạn bè, thầy cô xa lánh. 

Ở trường học, anh bị nhét xuống ngồi cuối lớp ngồi và chẳng ai cho chơi cùng. Ngôi trường làng đơn sơ cũng không biết sẽ phải dạy một cậu học sinh mù ra sao cả. Khi Srikanth Bolla muốn đăng ký học lớp khoa học, anh đã bị từ chối vì lý do anh bị mù. 

Lửa thử vàng, gian nan tôi luyện nên những con người giỏi giang kiệt xuất. Dẫu xuất thân nghèo khổ, Srikanth Bolla vẫn luôn nỗ lực trong việc học hành và đến năm 18 tuổi, anh trở thành sinh viên mù quốc tế đầu tiên được nhận vào học viện công nghệ Massachusetts (MIT) tại Hoa Kỳ.

Giờ đây, Srikanth có trong tay 4 nhà máy sản xuất, 1 ở Hubli (Karnataka), 1 ở Nizamabad (Telangana) và 2 ở Hyderabad (Telangana). Trước đó 2 năm, mọi thứ gần như vô cùng mới mẻ với anh và nhờ có những khoản đầu tư, anh đã vươn lên và có được trong tay cơ nghiệp như ngày nay. Từ một xưởng sản xuất 8 nhân viên, giờ đây công ty của anh đã có đến vài trăm nhân viên.

Hành trình cuộc đời xúc động của chàng trai mù bị xã hội ruồng bỏ lập nên cơ nghiệp triệu đô ở tuổi 23 - Ảnh 2.

Từ ngôi trường làng Ấn Độ đến học viện danh giá nước Mỹ

"Tình thương là cách bạn chỉ cho ai đó cách để sống, cho họ cơ hội để vươn lên làm giàu. Sự giàu có không chỉ đến từ tiền bạc, nó đến từ niềm hạnh phúc".

Khi Srikanth Bolla lớn, cha của anh - một người nông dân, thường đưa Srikanth Bolla ra ngoài cánh đồng, dù biết con trai mình không thể giúp gì nhiều được. Sau đó, cha anh nghĩ rằng con trai mình có thể học. 

"Trong mô hình kinh doanh của cha mẹ tôi, tôi là một kẻ thất bại. Trong kinh doanh, chúng tôi có một mô hình kinh doanh để đánh giá doanh nghiệp và quyết định xem bao lâu thì nó sẽ thất bại".

Vì trường học gần nhất cách nhà tới gần 5km, cậu bé Srikanth Bolla gần như phải đi bộ tới trường mỗi ngày. "Không ai biết tôi có mặt trong lớp, tôi ngồi ghế cuối, tôi không thể tham gia lớp học thể thao. Đó là khoảng thời gian tôi cảm thấy mình là đứa trẻ nghèo nhất trên thế giới, không phải vì tôi không có tiền mà vì tôi quá cô đơn".

Khi ông bố nhận ra rằng con trai mình không thể học được bất cứ điều gì, ông đã đưa Srikanth Bolla đến một trường học đặc biệt tại Hyderabad. Tại ngôi trường này, Srikanth Bolla đã học được rất nhiều điều; cậu chơi cờ vua và cricket rất giỏi. Từ một học sinh không biết gì, cậu vươn lên đứng đầu lớp và có cơ hội được làm việc với cựu Tổng thống Ấn Độ APJ Abdul Kalam trong một dự án.

Hành trình cuộc đời xúc động của chàng trai mù bị xã hội ruồng bỏ lập nên cơ nghiệp triệu đô ở tuổi 23 - Ảnh 3.

Đôi khi, cuộc sống giống như một trận đua ngựa. Bạn phải nỗ lực rất nhiều để có thể tới đích và vượt qua những đối thủ khác trên đường đua. Srikanth Bolla đã nộp đơn vào rất nhiều trường công nghệ hàng đầu tại Ấn Độ nhưng không được một ngôi trường nào đón nhận.

"Tôi nhận được một lá thư nói rằng: "Vì cậu mù nên chúng tôi không thể cho phép cậu thi được". Nếu IIT không muốn tôi, tôi cũng sẽ không thiết tha với ngôi trường này".

Srikanth Bolla không muốn mất thời gian với những ngôi trường không rộng cửa chào đón cậu. Chàng trai trẻ đã lên mạng tìm kiếm những chương trình đào tạo kỹ sư tốt nhất cho những người như cậu. Srikanth Bolla đã nộp đơn vào một số trường tại Mỹ và được 4 trường chấp nhận: MIT, Stanford, Berkeley và Carnegie Mellon. Cuối cùng, Srikanth Bolla đã chọn MIT với học bổng có giá trị và cậu trở thành sinh viên mù quốc tế đầu tiên trong lịch sử ngôi trường.

Sống biết cho đi sẽ nhận lại hạnh phúc

Mọi thứ không dễ dàng gì trong những ngày đầu tiên. Nhưng dần dần, cậu đã xoay xở thành công. Đến cuối khóa học, khi câu hỏi "làm gì tiếp theo" xuất hiện trong đầu cậu, nó đã đưa Srikanth Bolla trở lại điểm xuất phát của mình.

"Nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi. Tại sao một đứa trẻ tật nguyền lại bị đẩy xuống cuối lớp học? Tại sao 10% dân số Ấn Độ lại bị đẩy ra ngoài xã hội? Tại sao họ không thể kiếm sống như bất cứ ai khi mà họ cũng có phẩm chất và năng lực?

Srikanth Bolla đã quyết định bỏ lại cơ hội vàng làm việc tại một tập đoàn của Mỹ và trở về Ấn Độ để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi của mình. Cậu đã thành lập một trung tâm hỗ trợ những người khuyết tật và đưa họ hòa nhập hơn với cộng đồng. "Chúng tôi đã giúp khoảng 300 sinh viên tiếp tục việc học tại các trường dạy nghề. Tuy nhiên sau đó, vì muốn họ có cơ hội việc làm, tôi đã thành lập công ty này và tuyển khoảng 150 người khuyết tật".

Hành trình cuộc đời xúc động của chàng trai mù bị xã hội ruồng bỏ lập nên cơ nghiệp triệu đô ở tuổi 23 - Ảnh 4.

Những gì Srikanth Bolla có được một phần là nhờ sự nỗ lực của anh và những người tốt xung quanh. Swarnalatha là người đồng sáng lập công ty cùng với Srikanth. Cô ấy là một người hướng dẫn tuyệt vời và đã giúp đỡ anh trong suốt nhiều năm ròng. Cô ấy đã giúp đào tạo những công nhân khuyết tật tại Bollant và tạo nên một cộng đồng, nơi họ cảm thấy mình có giá trị. 

Cậu bé mù ngày nào giờ đây vẫn tiếp tục cho thế giới biết được con đường để vươn tới hạnh phúc thật sự. Anh chia sẻ 3 bài học cuộc đời quan trọng nhất.

"Cho đi yêu thương và giúp mọi người trở nên giàu có. Đừng bỏ mặc ai trong cuộc sống này và giúp mọi người không cảm thấy cô đơn. Và cuối cùng, hãy làm những điều tốt rồi hạnh phúc sẽ đến với bạn".