Thuở sơ khai, tổ tiên của người Trung Quốc chủ yếu sinh sống ở lưu vực sông Hoàng Hà. Nhờ phù sa sông bồi đắp, họ thuận lợi phát triển nông nghiệp. Mà chuyện trồng trọt thì vốn phụ thuộc vào thời tiết. Thế nên họ cũng sớm dựa vào kinh nghiệm làm nông mà tính toán, vạch ra chu kỳ thời gian.
Kể từ thời nhà Thương (1766-1122 TCN), lịch âm ra đời, kéo theo một vài hình thức thờ cúng. Mọi người thường tập trung thức ăn, vải vóc và hoa trái mới thu hoạch được để tế thiên địa, tổ tông, khẩn cầu được yên vui, lắm phước nhiều lộc vào mỗi cuối năm, cụ thể là vào ngày mùng 1/12. Và đây chính là tiền thân của Tết Nguyên Đán truyền thống sau này.
Bước sang thời nhà Chu (1046– 56 TCN), tục cúng tế cuối năm đầu xuân đã phổ biến khắp nơi, thậm chí còn trở thành một thông lệ. Chỉ có điều, thời gian tổ chức lại có chút "lùi xa", xuống ngày mùng 1/11 hàng năm.
Cũng ở thời đại này, người Hán không chỉ tế trời đất, tổ tiên mà còn bắt đầu thờ nhiều thần khác, ví dụ như Phúc thần, Hỷ thần chẳng hạn.
Càng về sau càng thế tục hơn
Phải bước sang thời nhà Hán (202TCN-220), ngày mùng 1/1 âm lịch hàng năm mới được cố định là Tết Nguyên Đán. Người có công chọn ra ngày cực kỳ ý nghĩa này là Hán Vũ Đế (30/6/156-29/3/87 TCN), vị vua thứ 7 của nhà Hán. Sau khi xét lại tục lệ thờ cúng cuối năm, ông đã quyết định rời dịp lễ trọng đại này sang ngày đầu tiên của năm sau, để vừa tiện bề tiễn năm cũ đi lại vừa thuận lợi đón năm mới tới.
Kể từ lúc này, Tết Nguyên Đán luôn được tổ chức vào ngày mùng 1/1 hàng năm. Người ta cũng phát sinh ra thêm vài nghi thức đón mừng khác, ví dụ như thức thâu đêm và đốt tre. Bước sang thời nhà Ngụy – Tấn (220 – 439), người Trung Quốc còn dùng tiếng tre vỡ để xua ma đuổi quỷ đầu năm nữa.
Song suốt từ trước CN cho đến tận thời điểm này, Tết Nguyên Đán vẫn là một hoạt động tế lễ vô cùng long trọng. Những ngày đầu xuân, mọi người còn phải ăn mặc gọn gàng, kính cẩn quỳ gối trước các lão niên trong nhà.
Chỉ khi sang thời nhà Đường (618-907), tục thờ cúng đầu xuân trang nghiêm mới bắt đầu bước chân xuống "bình dân", phần nào trở thành một cách giải trí. Qua thời nhà Tống (960 – 1279), khi thuốc nổ được phát minh, Tết mới thật sự rộn ràng. Đến thời nhà Thanh (1644-1911), nó chính xác là "vui như tết" nhờ đủ các loại hình vui chơi cuốn hút như múa lân, múa rồng, đi cà kheo... Người ta thi nhau đốt pháo, du xuân, gặp gỡ anh em, bạn bè, chúc tết, thiết đãi, tặng quà... biến Tết thành những ngày hoan hỉ nhất.
Vậy mà suýt chút nữa đã bị khai tử
Năm 1912, Trung Quốc đột ngột quyết định bãi bỏ lịch âm, đổi sang Tây lịch (còn gọi là lịch Gregorius hay Công lịch).
Sau sự sụp đổ của nhà Thanh, Trung Quốc chuyển sang thời kỳ Trung Hoa Dân quốc. Tổng thống lâm thời Tôn Trung Sơn lên nắm quyền, quyết định lấy ngày 1/1/1912 làm thời điểm bắt đầu của năm Dân quốc thứ nhất, đồng thời lấy Tây lịch làm lịch Dân quốc.
Tuy nhiên, bất chấp quyết định của chính quyền mới, người dân vẫn nhẩm ngày tính tháng theo lịch âm. Và dù đã được Trung Hoa Dân quốc nỗ lực duy trì suốt 37 năm, trải qua thời kỳ hỗn loạn, lắm xu hướng nhận thức nhất Trung Quốc, Tây lịch vẫn không cách nào bắt rễ vào đời sống văn hóa Hán. Người Trung Hoa vẫn cứ "bơ" Tết dương mà tận tình nghĩa với Tết âm.
Tới năm 1949, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khai sinh, Tết Nguyên Đán lại được khôi phục, chính thức trở thành ngày lễ toàn dân quan trọng nhất. Tân chính phủ còn cho phép công dân trên toàn quốc được tạm nghỉ làm, nghỉ học để cùng gia đình, đất nước tiễn đông nghênh xuân.
Tham khảo: Travel China Guide