- Cặp đôi kết hôn 13 tháng chưa có con nên quyết định đi khám chữa sinh sản, làm IVF.
- Hành trình 5 năm đầy nước mắt của 2 vợ chồng được được bù đắp bằng cặp song sinh nữ.
Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1992, sinh sống và làm việc tại Hà Nội) kể, sau khi cưới nhau được 13 tháng, 2 vợ chồng cô vẫn chưa có tin vui nên quyết định đi thăm khám sức khỏe sinh sản. Đó là một ngày tháng 4 năm 2019, bác sĩ chẩn đoán hiếm muộn. Kết quả thăm khám hiện rõ mồn một điều ấy: Chồng tinh trùng ít, dị dạng nhiều.
Kể từ ngày biết tin chuyện con cái không suôn sẻ như bao người, 2 vợ chồng Thảo càng áp lực tâm lý kéo dài theo thời gian. 2 vợ chồng vẫn cố gắng cải thiện sức khỏe sinh sản theo cách tự nhiên nhưng không hiệu quả. Lần khám sau đó, Thảo được chẩn đoán suy buồng trứng. Hành trình tìm con bắt đâu gian nan hơn khi cả 2 vợ chồng đều có vấn đề sức khỏe.
Kể lại hành trình tìm con vất vả, Thảo cho biết, vợ chồng cô đã trải qua 1 lần làm IUI vào tháng 6/2019, 4 lần kích chọc trứng làm IVF vào năm 2020, 2022, 2023.
Trong đó, 2 lần cô tiến hành làm IVF ở một bệnh viện công. Lần 1 làm IVF vào năm 2020, cô tạo được 5 phôi, chuyển 2 lần vào tháng 11/2020 và tháng 3/2021. Lần đầu chuyển phôi, chưa kịp mừng vui vì lần đầu tiên nhìn thấy que thử thai hiện 2 vạch, Thảo thấy cả thế giới như sụp đổ sau ít ngày phôi thai bị sinh hóa.
Cuối tháng 2/2023, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, Thảo cùng cồng tìm đến ThS.BS Nguyễn Ngọc Chiến (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec).
Tháng 12/2023, một lần nữa trong đời, Thảo được nhìn thấy que thử thai hiện 2 vạch. Mầm sống ươm trong người và lớn lên như mong đợi của cô.
Hành trình của vợ chồng Thảo tuy tóm tắt ngắn gọn nhưng muôn trùng gian khó đúng nghĩa...
Thảo thú thật, trong 5 năm tìm con "nhà em đã dần cạn nước mắt". 2 vợ chồng nhiều lúc ôm nhau khóc, có lúc người này khóc không để người kia biết.
May mắn là họ luôn thấu hiểu, động viên nhau vượt qua những áp lực vô hình từ gia đình và mọi người xung quanh. "Nói đến việc có lúc nào muốn bỏ cuộc không thì nhà e phải thừa nhận là có. Chứng kiến cảnh vợ hàng ngày phải tiêm cả 2 mũi vào người, lại thêm ban đầu là vấn đề từ mình nên chồng em càng thêm đau đớn. Vì thương vợ, sau 2 lần IVF đầu tiên thất bại, tinh thần vợ chồng đều đi xuống, cứ hi vọng rồi lại thất vọng. Chồng em đã có lúc bàn với vợ hay xin tinh trùng. Nghe câu nói đó, em biết chồng mình đã rất đau khổ để ra quyết định ấy nhưng rồi em động viên chồng "còn tinh trùng là còn hi vọng". Cùng lắm, vợ chồng đi xin con nuôi, hoặc cứ thế ở với nhau miễn là mình hạnh phúc", Thảo nhớ lại.
Động viên chồng là thế nhưng là người trong cuộc, vợ chồng Thảo hiểu không có con cái sau kết hôn có vô vàn áp lực đè lên. Việc có đủ thấu hiểu để vượt qua tất cả không thực sự rất khó.
"Sau đó, vợ chồng em quyết định đổi bác sĩ, đổi bệnh viện vì mình có thể chưa có duyên với bác sĩ ấy", Thảo nhớ lại. Sau khi lang thang các hội nhóm hiếm muộn, được người bạn từng làm IVF ở Vinmec giới thiệu, vợ chồng Thảo quyết định tìm đến BS Chiến nhờ giúp đỡ, như một điểm đến cuối cùng trong hành trình tìm con.
Sau khi được BS Chiến thăm khám, anh đã tư vấn cho vợ chồng Thảo nên điều trị vấn đề từ phía chồng mình đầu tiên. Điều này khác hẳn các phác đồ trước đó thường mặc định chất lượng tinh trùng như vậy thì làm IVF là tối ưu, cho tiến hành kiểm tra xem có kích trứng được luôn hay không.
Sau đó, chồng cô được chuyển sang BS Nguyễn Bá Hưng (chuyên Nam khoa của bệnh viện) để kiểm tra, tìm nguyên nhân và hướng điều trị. Thảo được BS Chiến cho làm siêu âm kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe. Cô đề nghị bác sĩ cho làm xét nghiệm gửi đi Pháp xem có phải soi tử cung không. Với kinh nghiệm bao năm trong nghề, BS Chiến khẳng định kết quả ban đầu cho thấy không cần phải tốn thời gian, tiền bạc đến vậy.
Anh khuyên cặp đôi chú ý cải thiện sức khỏe tinh thần, thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn ngủ nghỉ khoa học hơn. Còn lại tiếp tục chờ điều trị cho chồng trước.
Sau 3 tháng điều trị, BS Chiến kiểm tra lại cho Thảo để đánh giá, tiến hành các bước tiếp theo của IVF. Tuy nhiên lúc này, Thảo xuất hiện nang tồn dư, chỉ số nội tiết cao nên lại phải dùng thuốc. Đến cuối tháng 7/2023, kiểm tra thấy mọi thứ đã ổn, BS Chiến cho bệnh nhân kích trứng.
Sau khi chọc được 3 quả trứng, Thảo lại từ hi vọng sang thất vọng. "Em đã cố gắng thay đổi tất cả mà sao lại vẫn ít trứng thế? Buồn hơn nữa là bác sĩ nói chỉ tạo ra được 1 phôi loại trung bình", Thảo kể.
Chồng cô từ 90kg, cố gắng tập luyện để giảm xuống 75kg. Cô thì tập yoga, đi bộ hàng ngày. Kiểm tra trước chọc trứng đều ổn, chọc xong lại bất thường nhiều. Ai thấu nỗi buồn này?
Ngay thời điểm hoang mang ấy, các bác sĩ của trung tâm động viên vợ chồng Thảo. Có phôi là có hi vọng. So với tỷ lệ những lần chọc trứng trước đó cũng đã cao hơn vì phôi nuôi được lên ngày 5 (trước đó phôi chỉ nuối đến ngày 3). Tháng 9, Thảo được tiến hành đặt phôi. May mắn chưa mỉm cười với cặp đôi.
Lại một lần nữa họ thất bại trong hành trình tìm con. "Em bảo với chồng cho em khóc một ngày hôm ấy thôi". Đến tháng 11/2023, Thảo bắt đầu kích trứng tiếp. Lần này cũng chỉ được 3 trứng, tạo được 1 phôi duy nhất ngày 4 loại tốt - từ 1 quả trứng bất thường.
Đến 24/11/2023, Thảo được BS Chiến chuyển phôi tươi. Ở lần này, BS Chiến thay đổi phác đồ vì đánh giá lần trước cơ thể không đáp ứng với thuốc kích trứng. May mắn đã mỉm cười với vợ chồng Thảo.
Sáng 4/12/2023, một lần nữa tim Thảo rung lên vì được nhìn thấy que thử thai hiện 2 vạch. BS Chiến chỉ định làm xét nghiệm luôn. Thật may mắn, các chỉ số nội tiết của cô hiện rất tốt.
Nhận được kết quả, 2 vợ chồng ôm nhau khóc - những giọt nước mắt hạnh phúc. BS Chiến hẹn 4 ngày sau mới xét nghiệm lại. Đến 8/12/2023, kết quả xét nghiệm vẫn tốt. 10 ngày sau cô được hẹn kiểm tra. Lúc này, Thảo mới biết phôi của mình tách làm 2.
Thảo mừng lắm nhưng BS Chiến thì khá lo vì "sẽ vất vả hơn đó". Trái tim người phụ nữ khát khao làm mẹ chưa hiểu được vì vẫn chưa biết những nguy cơ của song thai cùng trứng. Về nhà, họ cứ ngắm kết quả siêu âm mãi.
Đến mốc khám thai 7 tuần, các bé đã có tim thai nhưng chưa thấy vách ngăn buồng ối. Lúc này, vợ chồng Thảo mới bắt đầu lo lắng khi biết đến nguy cơ truyền máu song thai.
Các bác sĩ động viên "chưa thấy chứ không hẳn là không có nên bố mẹ cứ vui vẻ, chờ 2 tuần sau kiểm tra lại". Về tới nhà, việc đầu tiên là Thảo vội vàng lên mạng tìm hiểu về song thai chung buồng ối. Lo lắng bắt đầu lớn dần thêm.
Được chồng động viên, trấn an tinh thần, Thảo thêm mạnh mẽ. May mắn, khám thai ở mốc 9 tuần đã rõ vách ngăn. Lúc này, cả 2 vợ chồng và BS Chiến mới thở phào nhẹ nhõm. Hôm ấy, BS Chiến mới chính thức chúc mừng 2 vợ chồng vì thật sự rất lo, không dám nói sợ ảnh hưởng tâm lý 2 vợ chồng.
Mốc 12 tuần, 16 tuần, 22 tuần rồi 32 tuần... Trong suốt thai kỳ, Thảo kể mình được BS Chiến theo dõi rất sát, cứ 2 tuần là thăm khám 1 lần. Trong quãng thời gian đó, có vài lần kiểm tra các con bị chênh lệch cân nặng và nước ối - biểu hiện của truyền máu song thai. Vị bác sĩ càng sát sao hơn, kiểm tra đều 1 tuần mỗi lần, động viên kết quả cân nặng luôn có sai số nên "bố mẹ không phải lo lắng, mình cứ theo dõi sát là được".
"Và thật sự may mắn, các con cũng nghe được bố mẹ đông viên nên sau mỗi lần chênh lệch, lần sau kiểm tra, 2 bé lại có các chỉ số tương đương nhau", Thảo khoe.
Ở mốc 12 tuần, Thảo còn bị ra máu rất nhiều. Lúc đó cận Tết. Thảo gọi BS Chiến. Anh chỉ định vào viện ngay lập tức để nằm theo dõi và rồi cũng ổn. 28 Tết, vị bác sĩ không quên dặn dò bệnh nhân có vấn đề gì cứ gọi cho bác. "Nhận được tin nhắn dặn dò mà vợ chồng em thấy ấm lòng. Chắc bác lo Tết chẳng may em có chuyện mà không dám gọi bác", Thảo cười nói.
33 tuần, Thảo nhập viện vì cơn gò nhiều, cô không thở được. BS Chiến chỉ định nhập viện theo dõi và mọi chuyện cũng ổn cả. Đến tháng 7/2024, vợ chồng Thảo chào đón 2 cô công chúa trong niềm vui mừng của gia đình, người thân và cả BS Chiến cũng như các bác sĩ ở Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Vinmec.
"Gia đình em biết ơn BS Chiến và các bác các cô ở IVF Vinmec rất nhiều. Nhờ có các bác, vợ chồng em đã đón được 2 thiên thần sau hơn 5 năm đi tìm kiếm con. BS Chiến - bác sĩ có tâm nhất mà vợ chồng em được gặp vì luôn muốn những điều có lợi nhất cho bệnh nhân, tạo cảm giác yên tâm không áp lực tâm lý, hạn chế cho dùng thuốc, xét nghiệm nào cần thiết mới cho làm... Gặp bác là một may mắn lớn trong cuộc đời vợ chồng em", Thảo chia sẻ.