Hành trình 15 năm của người đàn ông Úc đi tìm “danh phận” cho con

Tiến An, Theo Công lý 15:32 30/10/2017
Chia sẻ

Trong một lần đến thăm Vũng Tàu, ông John Pallis, quốc tịch Úc, vô tình chứng kiến một bé gái bị bỏ rơi nên đã tìm cách xin nhận về làm con nuôi. Suốt 15 năm sau đó, ông cố gắng chăm sóc, bầu bạn và làm mọi thứ nhằm bù đắp những thiệt thòi cho con gái.

Giờ cô bé ấy sắp trở thành thiếu nữ, nhưng mối quan hệ cha - con của họ vẫn chưa hề được pháp luật công nhận. Tất cả bắt nguồn từ những thủ tục pháp lý về điều kiện cho phép nhận con nuôi.

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày cuối tháng 8/2002, khi vợ chồng ông John Pallis tới thăm Vũng Tàu và vô tình gặp một cặp vợ chồng lớn tuổi đang bế đứa trẻ sơ sinh. Thấy đứa trẻ khóc dữ quá, John nhờ người bạn Việt Nam tìm hiểu nguyên do. Sau khi trò chuyện, người bạn nói với John rằng đứa trẻ đó mới bị mẹ đẻ bỏ rơi. Vốn yêu trẻ, lại biết cặp vợ chồng già kia cũng không có điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng đứa bé nên vợ chồng ông John đã ngỏ ý muốn nhận bé làm con nuôi.

Hành trình 15 năm của người đàn ông Úc đi tìm “danh phận” cho con - Ảnh 1.

Hai vợ chồng hạnh phúc bên con khi cháu còn nhỏ

Sau một thời gian tìm kiếm, ông John Pallis đã gặp được người sinh ra L.H. (tên con gái nuôi của vợ chồng ông John Pallis-PV), lúc đó đang làm việc cho một doanh nghiệp ở Vũng Tàu. Sau khi biết ý định của cặp vợ chồng người Úc, chị này đã đồng ý ký giấy cam kết cho con với một yêu cầu duy nhất là sau này, vợ chồng ông John Pallis không được phép liên hệ với chị nữa.

Từ khi nhận nuôi bé H., vợ chồng ông John Pallis yêu thương cô bé như con đẻ. Thậm chí, để tiện chăm sóc con, ngày 1/8/2006, họ quyết định chuyển sang Việt Nam sinh sống. Bên cạnh đó, vợ chồng ông John Pallis cũng dành nhiều thời gian, tiền bạc, gõ cửa nhiều cơ quan ban ngành của cả hai quốc gia, Việt Nam và Úc, để làm thủ tục nhận con nuôi nhưng không thành.

Mong muốn được pháp luật thừa nhận mối quan hệ cha – con càng thôi thúc ông John khi L.H. đến tuổi làm thẻ căn cước công dân. Vì chưa được công nhận là cha mẹ nuôi hợp pháp của L.H. nên vợ chồng ông John Pallis không thể đăng ký cho con gái vào sổ hộ khẩu của gia đình. Đây là nỗi khổ tâm lớn nhất của cặp vợ chồng người Úc tốt bụng này.

Sau khi nhận được đơn của ông John Pallis về việc xin nhận cháu L.H. làm con nuôi, ngày 16/1/2017, Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) đã có văn bản hồi đáp với nội dung: Trên cơ sở thông tin có trong đơn trình bày, ông đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam và trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu L.H. hơn 10 năm qua. Theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 28, Luật Nuôi con nuôi, ông được xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi (là người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 1 năm).

Tuy nhiên, do Việt Nam và Úc chưa có thỏa thuận chính thức về vấn đề con nuôi nên Cục Con nuôi yêu cầu trong hồ sơ của vợ chồng ông John Pallis phải có văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Úc cấp. Trong khi đó, phía Úc lại cho rằng, nếu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có văn bản đồng ý cho John Pallis nhận con nuôi thì phía Úc sẽ ra văn bản chấp thuận (?!).

Hành trình 15 năm của người đàn ông Úc đi tìm “danh phận” cho con - Ảnh 2.

Tình cảm của hai cha con luôn gắn bó với nhau

Một số chuyên gia về pháp luật cho rằng, cháu L.H. không đủ điều kiện để được nhận làm con nuôi vì khoản 1, Điều 68, luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, quy định: “Người được nhận làm con nuôi phải là người từ mười lăm tuổi trở xuống. Người trên mười lăm tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn”. Và Cục Con nuôi cũng khẳng định: “Ông John đáp ứng đủ các điều kiện để nhận con nuôi, nhưng cháu L.H. thì lại không đáp ứng đủ các điều kiện để được nhận làm con nuôi”. Lý giải về nguyên nhân L.H. không đáp ứng được các điều kiện để được nhận làm con nuôi vì khi nhận nuôi bé, vợ chồng ông John Pallis không được ai tư vấn pháp lý.

Bên cạnh đó, các chuyên gia về pháp luật còn phân tích, việc Cục Con nuôi áp dụng Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đối với trường hợp của cháu L.H. (SN 2002, được vợ chồng ông John Pallis nhận nuôi từ 15 năm trước) là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Bởi lý do khiến cháu H. chưa được thừa nhận là con nuôi hợp pháp của vợ chồng ông John Pallis chính là điều kiện (về độ tuổi) để được nhận nuôi của cháu H...

Những ngày này, ông John Pallis vẫn đang đi gõ cửa khắp các cơ quan. Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, tháo gỡ những vướng mắc pháp lý để vào một ngày không xa, ông và cô con gái L.H. sẽ đường đường chính chính được pháp luật công nhận cha – con, để câu chuyện này có một cái kết tốt đẹp hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày