Số phận đặc biệt của cô gái "vô danh" giữa Sài Gòn và hành trình 6 năm tìm lại cuộc đời

Minh Nhân, Theo Thời Đại 23:55 26/08/2017

Đâu ai biết được, giữa Sài Gòn hoa lệ lại có một gia đình 3 thế hệ hơn 20 năm qua cắn răng chịu cảnh bị cuộc đời gần như chối bỏ hoàn toàn. Trong số họ, cô gái bé nhỏ tên Phượng suốt 6 năm ròng rã đã kiên cường trên hành trình tìm lại chính mình.

Giữa Sài Gòn hoa lệ, có một gia đình 3 thế hệ sống cuộc đời "vô danh" 20 năm qua

Không phải đâu đó xa xôi, giữa chính trung tâm quận 1 xô bồ của Sài Gòn, bên trong căn nhà ổ chuột rộng chưa đầy 10m2 là nơi cư ngụ của một gia đình 7 thành viên. 3 thế hệ sống cùng nhau, mỗi ngày họ đều tự mình lang thang mưu sinh nay đây mai đó. Mặc cảm sâu nhất trong suy nghĩ của họ, chính là gánh nặng mang tên những con người "vô danh" giữa đời.

Clip: Câu chuyện về số phận đặc biệt của cô gái "vô danh" trong Điều ước thứ 7. Nguồn: VTV3.

Không có giấy tờ tùy thân đồng nghĩa với việc mất đi những quyền lợi chính đáng mà một công dân bình thường xứng đáng được hưởng. Phượng (23 tuổi) cùng anh chị em của mình đã phải cắn răng chịu đựng cảnh bị cuộc đời này gần như... chối bỏ hoàn toàn như thế, không trường học, không công ăn việc làm ổn định,... không danh phận!

Cách đây 20 năm, căn nhà bất ngờ bốc cháy đã thiêu rụi hết giấy tờ của bà Nguyễn Thị Kim Hương (mẹ Phượng), biến cuộc đời những đứa con bà sinh ra trở nên vô định, không chốn dung thân. Bà Hương sinh 4 người con nhưng cả 4 lần bà đều trốn viện về nhà vì không có điều kiện làm giấy khai sinh cho các con. Cứ thế ngày qua ngày, những đứa trẻ cùng mẹ mưu sinh giữa chợ, thay nhau đi xin tiền phụ giúp, đỡ đần mẹ cha suốt cả thời thơ ấu. Lúc bấy giờ đối với chị em Phượng, chợ là nhà, những tấm phản là giường, thương nhân buôn bán là những người hàng xóm,...

Số phận đặc biệt của cô gái vô danh giữa Sài Gòn và hành trình 6 năm tìm lại cuộc đời - Ảnh 2.

Căn nhà 10m2 của gia đình Phượng. Nguồn: Điều ước thứ 7

Năm Phượng 14 tuổi, một biến cố bất ngờ ập đến đè nặng hơn nỗi đau, đấy là lúc người cha - trụ cột gia đình mất vì lao lực. Ai cũng biết họ nghèo, nhưng khổ cực đến nỗi không thể gom đủ tiền mua nổi một chiếc quan tài cho người quá cố thì quả thực khiến nhiều người xót xa. Chua chát hơn, chẳng ai có giấy tờ để chứng tử, làm cho cha một đám tang đàng hoàng.

Hành trình 6 năm chông gai chàng thư sinh đồng hành cùng cô gái "vô danh" tìm lại cuộc đời

Giữa lúc mọi thứ tưởng chừng như đen tối nhất, một tia sáng, điều tốt đẹp giữa vô vàn những điều đẹp đẽ khác đến với Phượng, chính là sự xuất hiện của Hưng. Chàng thư sinh đem lòng yêu cô gái rửa bát ở quán cơm mà có lần anh vô tình ghé qua. Anh bỏ ngoài tai tất cả mọi điều tiếng, rằng hai bên không môn đăng hộ đối, rằng sự khác biệt trong hoàn cảnh. Với Hưng, chẳng có gì là sai khác trong lúc này, anh chỉ biết, anh yêu và thương Phượng thật lòng.

Giữa căn nhà thuê tạm bợ 10m2 nay bữa cơm có thêm thành viên mới, chẳng nhớ đã có bao nhiêu bữa cơm vui vẻ quây quần cùng nhau như thế trong suốt 6 năm Hưng và Phượng quyết định đến với nhau. Nhưng nỗi trăn trở vẫn luôn thường trực trong suy nghĩ của 2 con người, là làm thế nào Phượng được pháp luật công nhận và có thể trở thành vợ của Hưng. Và kể từ đó, cuộc hành trình đầy chông gai của cặp đôi chính thức bắt đầu.

Số phận đặc biệt của cô gái vô danh giữa Sài Gòn và hành trình 6 năm tìm lại cuộc đời - Ảnh 3.

Phượng bật khóc khi nhìn lại hành trình gian khó cùng Hưng. Nguồn: Điều ước thứ 7

Hưng và Phượng cùng đi đến nhiều văn phòng luật, bệnh viện, trụ sở công an phường,... cố gắng xin sự trợ giúp nhưng cứ tháng này qua năm nọ, mọi thứ đều không thể được trọn vẹn. Đã có những lúc trong vòng 6 năm rong ruổi tìm lại bản thân, Phượng đã khóc và muốn từ bỏ. Còn Hưng, cậu chưa từng như thế! Cậu biết mình là chỗ dựa duy nhất với Phượng, nếu có lúc mệt mỏi, cậu sẽ chẳng được thể hiện trước mặt người con gái mình thương yêu, mọi thứ cậu âm thầm ôm vào lòng và tự giải quyết.

Khát khao được danh chính ngôn thuận cưới Phượng làm vợ, được mang lại hạnh phúc cho cô gái ấy chính là động lực để Hưng nắm chặt tay Phượng đi qua mọi quãng đường trong hành trình đằng đẵng đó. Một điều gì đó tạm gọi là "cổ tích" giữa đời thường đáp lại nỗ lực của 2 con người mải miết, không chỉ Phượng mà các thành viên còn lại trong gia đình đều được cầm trên tay giấy khai sinh - giấy tờ tùy thân đầu tiên của cuộc đời họ. Có lẽ chẳng quá đâu khi nói, đó là ngày họ được sinh ra lần thứ 2.

Số phận đặc biệt của cô gái vô danh giữa Sài Gòn và hành trình 6 năm tìm lại cuộc đời - Ảnh 4.

Cặp đôi hạnh phúc trong ngày đại hỉ của mình. Nguồn: Facebook Nguyễn Diệp Chi.

Giây phút cầm trên tay thẻ căn cước, Phượng đã bật khóc! Vậy là từ nay cô có thể được đến trường, được đi làm với tư cách là một công dân hợp pháp. Trái ngọt cuối chặng bao giờ cũng chất chứa những điều tinh túy nhất của cuộc đời, khép lại 23 năm không danh phận, nay Phượng có thể tự tin là chính mình. Hạnh phúc xiết bao khi cô gái bé nhỏ được nắm chặt tay người đàn ông yêu thương cùng về chung một nhà!

Cuộc sống này sở dĩ không có thứ gì gọi là cổ tích, nhiệm màu, chính chúng ta mới là người biến những điều nhỏ bé nhất thành sức mạnh đạp đổ khổ đau, đứng lên tạo dựng cổ tích của riêng mình. Câu chuyện hôm nay của Hưng và Phượng chính là minh chứng cho điều này, cho một tình yêu bền đẹp và vững chãi đưa con người vượt qua mọi chông gai trong cuộc đời.