Nếu năm nay bạn 29 tuổi, và đã 4 năm rồi bạn không đi làm, bạn có lo lắng hay mệt mỏi hay không?
Nếu bạn đã kết hôn được 1 tháng và chi phí sinh hoạt hàng tháng của hai vợ chồng chỉ hết đúng 5 triệu đồng, bạn có "phát điên" lên không?
Nếu bạn chỉ chọn ăn những mớ rau có giá vài ngàn đồng, mặc một chiếc áo có giá khoảng 35 ngàn đồng mua ở chợ, bạn có cảm thấy cuộc sống rất bí bách không?
Nếu bạn thường xuyên tới siêu thị mua những món đồ gần tới ngày hết hạn, tới những khu phố nhỏ nhặt đồ đạc mà người khác không cần nữa về, bạn có cảm thấy xấu hổ hay không?
Những cái "nếu" đó nghe có vẻ không thực tế lắm, nhưng đó thực sự lại là cách sống của Lý Hải Sâm, một cô gái sinh năm 1993 tới từ Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn, Lý Hải Sâm chia sẻ:
"Hiện tại với tôi, 'sống' rất đơn giản, chỉ cần có ăn có uống, có chỗ để ngủ là đủ rồi.
Nếu rõ ràng là bạn đã kiệt sức, nó thậm chí còn ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý của bạn, nhưng bạn vẫn không muốn buông bỏ, vậy thì tôi nghĩ bạn có thể đang suy nghĩ quá phức tạp về cuộc sống.
Hãy 'sống sót' trước đã, đừng 'sinh tồn' một cách quá đau đớn.
Sau nửa năm nghỉ việc, chúng tôi kết hôn, không hôn lễ, không nhẫn cưới, mà cùng nhau sống trong căn nhà tái định cư sau khi nhà cũ bị phá dỡ.
Cuối tuần, chúng tôi đi chợ rau buổi sáng để mua rau mà mình muốn ăn trong tuần tiếp theo, nếu chúng tôi đến trước 7 giờ, ngay lối vào chợ sẽ có một quầy hàng rong, bạn có thể mua cải ngọt và củ cải với giá chỉ vài đồng. Chúng tôi cũng sử dụng một thương hiệu bột giặt cũ trong nước, giá thành rất rẻ.
Hiện tại, rất nhiều quần áo của tôi đều là mua trong chợ. Một đống quần áo đồng giá 10 tệ một chiếc (khoảng 35 ngàn đồng), tôi có thể chọn bất kỳ chiếc nào, tất nhiên sẽ không được hợp mốt cho lắm, nhưng mặc lên rất thoải mái, tôi thường chọn những chiếc chất liệu cotton 60-70%.
Tôi thường ngủ cho đến khi tự nhiên thức dậy, đôi khi tôi bị bé mèo đánh thức. Buổi sáng, tôi sẽ làm công việc nhà, giặt quần áo, phơi quần áo, cho mèo ăn, rửa bát từ tối qua, dọn dẹp một chút nếu có chỗ nào bẩn.
So với cơm ăn áo mặc, có lẽ bạn cần cảm giác 'được chạm vào' hơn, cảm giác rằng ai đó yêu bạn và khiến bạn cảm thấy an toàn giữa thế giới này.
Nếu ngày mai là ngày cuối cùng của cuộc đời, tôi nhất định vẫn sẽ sống như ngày hôm nay".
Đọc xong những lời chia sẻ của Lý Hải Sâm, tôi bỗng cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.
Như thể bạn cảm giác được một sự bình yên gần gũi, dù thế giới bên ngoài có ồn ào đến đâu, những cơn sóng cảm xúc, dù là nhỏ nhất, cũng sẽ không ập tới được nữa, đây chính là cảm giác được thực sự là chính mình…
Bạn có phát hiện ra điều này không?
Dù thế giới này không quy định bạn trở thành người như thế nào, nhưng hầu hết chúng ta từ lâu đều tuân theo một quy tắc: tậu nhà, tậu xe hơi, sắm quần áo hàng hiệu, cho con đi học lớp năng khiếu, đưa con cái đi du học...
Chúng ta đang làm mọi thứ có thể để trở thành những "nhà người ta" được "quy định", chúng ta không có thời gian để nghĩ về những gì mình thực sự cần!
Chúng ta tự áp đặt mình với ước mơ của người khác, rồi đâm đầu đi theo nó, chúng ta cho rằng đó là điều mình muốn, vì xung quanh chúng ta ai cũng như vậy.
Thấy người khác học thạc sĩ, tôi cũng học thạc sĩ.
Người khác cho con học trường quốc tế, tôi cũng phải cho con tôi học, tôi không muốn con tôi thua ở vạch xuất phát.
Người khác mua nhà mua xe, tôi cũng ước mơ mua nhà mua xe cho bằng bạn bằng bè…
Chúng ta đều sống quá vội, nên dễ bị "dòng nước cuốn đi".
Có lẽ, giữa thời đại hối hả như hiện nay, thứ chúng ta thực sự cần là một khoảng thời gian để tĩnh lại, để ngẫm xem thứ chúng ta thực sự muốn trong cuộc sống này là gì.
Dưới bài viết phỏng vấn của Lý Hải Sâm, cư dân mạng có tên Lâm Mạc Ca đã bình luận như này:
"Tôi có khá nhiều điểm chung với cô gái ấy, và tôi tìm thấy hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Trời xanh mây trắng, ánh nắng xuyên qua từng kẽ lá, làn gió xuân nhẹ nhàng thổi bên ngoài cửa sổ, tiếng ve kêu đặc trưng của mùa hạ, những làn gió mát buổi tối hè, hương thơm của cây Dành Dành tháng sáu…
Tôi thích nấu ăn, và thích ăn tất cả các loại trái cây ngon, những loại quả thơm ngon nhiều màu sắc được bày biện trên một chiếc đĩa sứ cổ điển, với tôi, đó chính là cảnh đẹp.
Đồ ăn luôn có tác dụng chữa lành, tôi cảm thấy hạnh phúc khi ngửi mùi thơm của dưa hấu, đào, khoai lang, ngô… Thật dễ dàng để cảm nhận hạnh phúc và vẻ đẹp từ những thứ rất nhỏ nhặt như vậy trong cuộc sống".
Lý Mẫn, một cư dân mạng đến từ Quảng Đông cũng bày tỏ quan điểm của mình:
"Một cuộc sống giản dị, nội tâm phong phú và bình yên là mục tiêu ban đầu mà tôi đặt ra sau 30 tuổi, khi con tròn 2 tuổi.
Tôi đã từng dành nửa năm để đọc rất nhiều sách về tâm linh và triết học, tìm kiếm cái gọi là cách lý giải cái gọi là 'sống' ở hiện tại.
Tôi cẩn thận liệt kê vào sổ tay của mình những khoảnh khắc và những điều hạnh phúc sau kể từ khi còn tiểu học, trung học và đại học.
Trong số hàng trăm điều mình liệt kê, tôi nhận ra rằng chỉ có chưa tới 10 điều là liên quan đến tiền bạc, hầu hết trong số đó liên quan đến đọc sách, ẩm thực, đi bộ và dạo phố trong khu phố quanh nhà.
Tôi cũng đã thản nhiên hơn rất nhiều và hiểu rằng có lẽ tâm thái bình yên là điều quan trọng hơn tất cả, sống giản dị có lẽ mới là chủ đạo của cuộc sống. Hai năm sau đại dịch, tôi nghĩ có lẽ con người ta đã dần hiểu được ra ý nghĩa của một cuộc sống giản dị".
Cư dân mạng có tên Hy Hy tới từ Bắc Kinh cũng có những suy nghĩ của riêng mình:
"Tôi thì không được, không có công việc tôi sẽ rất lo lắng.
Tôi thích cái cảm giác an toàn và hạnh phúc mà công việc mang lại, với tôi mà nói, làm cho tốt công việc, nó rất quan trọng, tham vọng của tôi khá lớn, tôi thích Mercedes và biệt thự.
Thực ra, thứ mà người khác ngưỡng mộ ở cô ấy không phải nằm ở chỗ cô ấy tiêu ít tiền, mà là cô ấy biết mình muốn gì, đó chính là hạnh phúc.
Nếu sống như cô ấy mà tôi không vui, tôi cũng sẽ rất đau khổ, với tôi, sống là phải nhiệt huyết, phải rực cháy, phải để lại cho cuộc đời điều gì đó, phải kiếm nhiều tiền, phải mới mẻ mỗi ngày.
Nếu ngày mai là ngày cuối cùng trong cuộc đời, tôi sẽ muốn đi khinh khí cầu, đi lặn, leo Everest, hôn mối tình đầu, đi tình nguyện, uống nước sông Hằng, leo mọi ngọn núi, và gặp được tình yêu trên con đường chinh phục thế giới, rồi tạm biệt thế giới này trên cung đường đó, đó là cuộc sống mà tôi muốn".
Câu chuyện của Lâm Mạc Ca, Lý Mẫn và cả Hy Hy nói cho chúng ta biết một điều rằng hạnh phúc là đa dạng, và hạnh phúc của mỗi người là không giống nhau.
Có một thứ hạnh phúc kiểu "tự nhiên" như Lâm Mạc Ca, người thích khám phá những mảnh ghép tươi đẹp xung quanh mình, chầm chậm tận hưởng cuộc sống, mỉm cười khi một bông hoa nở, và hạnh phúc khi cơn gió thoảng qua.
Có một thứ hạnh phúc kiểu "thực tế" như Lý Mẫn, người luôn chủ động nghĩ xem hạnh phúc là gì, và dùng những dữ kiện thực tế để chứng minh điều mình thực sự cần.
Cũng có một thứ hạnh phúc kiểu "rõ ràng" như Hy Hy, ngay từ đầu đã biết mình muốn gì, sau đó không tiếc sức chiến đấu, máu lửa và nhiệt huyết, cuồng nhiệt và tràn đầy năng lượng.
Xã hội hiện đại là một xã hội đa dạng, nếu không ai có thể giống ai, vậy thì cảm giác hạnh phúc tự nhiên cũng sẽ khác nhau, hạnh phúc là thứ đến từ trái tim của chính mình.
Và những lời nói của Hy Hy rất đáng để chúng ta suy ngẫm: "Thực ra, thứ mà người khác ngưỡng mộ ở cô ấy không phải nằm ở chỗ cô ấy tiêu ít tiền, mà là cô ấy biết mình muốn gì, đó chính là hạnh phúc".
Tôi đồng ý vô điều kiện với câu nói này.
Đức Phật nói rằng đời người có bảy nỗi khổ: tham, sân, si, oán tăng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc, thất vinh lạc.
Nếu bạn nghiên cứu kỹ, bạn sẽ thấy rằng tất cả thực ra đều là ''cầu bất đắc'' - muốn nhưng lại không có được.
Vì vậy, "muốn" và "có được" phải bổ sung cho nhau, đây là mấu chốt của hạnh phúc.
Mấu chốt của hạnh phúc suy cho cùng là "muốn" và "có được", vậy câu hỏi đặt ra là, bạn có từng suy ngẫm về thực tế và ước mơ hay không?
Tôi cũng từng là một người trẻ khá "ngông cuồng", những câu nói hùng hồn mình đọc được khiến tôi cảm thấy như mình được chắp thêm cánh.
Nhưng tôi cũng chợt nhận ra con người, thực ra rất mong manh, một lần thất bại có thể khiến chúng ta cả đời không thể ngẩng đầu lên được nữa; một lần sai lầm có thể khiến ta tiếc nuối cả đời; một lần bốc đồng có thể khiến ta mất tự do cả chục năm.
Cuộc đời con người quả thật không thể gánh được những sai lầm quá lớn, tôi đã từng rất ngưỡng mộ những người tự mình khởi nghiệp, tại sao họ có thể tài giỏi, có thể độc lập tới như vậy! Làm ông chủ của chính mình thật tuyệt làm sao!
Sau này, khi tự mình trở thành ông chủ của một nhà hàng Tây rồi tôi mới nhận ra, thì ra, đằng sau ánh hào quang ấy, còn là những túng quẫn, áp lực, rồi cả những lúc không một xu dính túi…
Đối mặt với thực tế và khát khao, việc một người bình thường như chúng ta biết tự lượng sức mình là quá quan trọng. Đừng mù quáng chạy theo xu thế, cái giá phải trả quá cao, những áp lực nợ nần, vay mượn đôi khi thực sự khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng trong cuộc sống.
Trong Đông Tà Tây Độc có một câu nói như này:
"Mỗi người đều trải qua giai đoạn như này, khi hắn nhìn thấy một ngọn núi, hắn muốn biết có những gì đằng sau ngọn núi ấy. Ta thực sự muốn nói với hắn rằng khi đến được đó, hắn sẽ thấy rằng nó không có gì đặc biệt cả. Ngoảnh đầu nhìn lại, có thể hắn sẽ nhận ra rằng bên này thực ra mới là tốt hơn, nhưng ta biết, hắn sẽ không tin điều đó".
Nói một cách ngắn gọn: Nếu bạn có một triệu đô la, hãy dành 40% để nuôi dưỡng ước mơ của bạn. Nếu thất bại, hãy từ bỏ nó một cách dứt khoát. Việc đưa ra quyết định kịp thời không những tiết kiệm được tiền của bạn, mà còn giúp bạn tới với những cơ hội mới khả thi hơn.
Khát vọng và hiện thực là hai ngọn núi lớn, hãy chọn ngọn núi mà bạn cảm thấy mình có thể leo lên!
Nguồn: 163