"20 năm làm dâu, con dâu chưa một lần gọi tôi là 'mẹ'. Đến tuổi xế chiều, trong bữa tiệc sinh nhật, tôi quyết định công bố di chúc khiến tất cả mọi người đều bàng hoàng", đó là lời tâm sự của 1 bà mẹ chồng ở Trung Quốc được đăng tải trên trang 163.
Bà vẫn nhớ như in cái ngày con trai dẫn bạn gái về nhà ra mắt. Cô gái ấy ăn mặc chỉnh tề, ưa nhìn và cũng khá lễ phép. Thế nhưng, bữa cơm hôm ấy lại khiến bà cảm thấy không thoải mái chút nào.
"Lúc đó, con trai tôi mới chỉ đang tìm hiểu. Vì muốn gặp mặt con dâu tương lai nên tôi đã chuẩn bị rất nhiều món ngon. Ai ngờ đâu, vừa ngồi vào bàn ăn, cô gái ấy đã nói thẳng: 'Dì ơi, con có ý kiến riêng về cuộc hôn nhân này. Nếu sau này kết hôn, con hy vọng sẽ có không gian riêng và không muốn sống chung'
Câu nói của cô ấy khiến tôi đứng hình. Trong lòng tôi lúc ấy trào dâng một luồng giận dữ, muốn nói vài lời cứng rắn. Nhưng rồi tôi nghĩ đến con trai, sợ rằng nếu tôi làm căng thì con trai sẽ khó xử. Cuối cùng, tôi đành nhịn xuống, mỉm cười đáp: 'Chúng ta cứ tìm hiểu nhau trước đã, tình cảm tốt đẹp thì mọi chuyện đều có thể bàn bạc'", bà mẹ chồng nhớ lại.
Tuy ngoài mặt vẫn vui vẻ nhưng trong lòng bà lúc ấy đã có một nút thắt. Cô gái thì vẫn thoải mái, gặp mặt vẫn chào hỏi nhưng rõ ràng là không xem bà mẹ chồng tương lai ra gì. Con trai bà khi ấy còn trẻ, bị tình yêu làm cho mờ mắt, răm rắp nghe theo lời bạn gái, thậm chí còn đồng ý cả việc cô ấy không muốn sống chung với mẹ. "Dù trong lòng không vui nhưng tôi cũng không ngăn cản, chỉ mong con trai được hạnh phúc", mẹ chồng tâm sự.
Rồi họ cũng kết hôn. Bà tự nhủ, vợ chồng son, có lẽ dần dần cô ấy sẽ thay đổi, việc gọi một tiếng "mẹ" cũng không có gì khó khăn.
"Vậy mà chờ đợi mãi 20 năm, cô ấy chưa một lần gọi tôi là mẹ. Con trai tôi còn giải thích thay cho cô ấy: 'Vợ con ngại ngùng, không dám mở lời, mẹ đừng để bụng'.
Ngại ngùng ư? 20 năm rồi, con cái đã lớn cả rồi mà vẫn còn ngại ngùng không dám gọi một tiếng 'mẹ' sao? Lời này mà cũng nói được hay sao? Tôi biết rõ, trong lòng cô ấy chưa bao giờ coi tôi là người nhà.
Trước khi kết hôn đã có khoảng cách, sau khi kết hôn cũng không chịu thay đổi, ngần ấy năm trôi qua, tôi luôn cảm thấy bức bối trong lòng".
Bà cho biết, thực ra, việc con dâu không gọi bà là "mẹ" cũng không sao. Điều khiến bà buồn lòng là trong cách cư xử hàng ngày, bà luôn cảm thấy có một bức tường ngăn cách giữa 2 người họ. Ví dụ như mỗi dịp lễ Tết, trong khi các nàng dâu khác đều tất bật chuẩn bị quà cáp, hỏi han sức khỏe mẹ chồng thì con dâu chỉ qua loa cho có lệ.
Bà nói: "Tôi biết, trong lòng cô ấy vẫn luôn có sự đề phòng. Những lời cô ấy nói trước khi kết hôn vẫn còn in sâu trong tâm trí cô ấy".
Mối quan hệ giữa bà và con trai cũng ngày càng xa cách. Ban đầu, con trai vẫn thường xuyên về nhà trò chuyện và hỏi han sức khỏe mẹ. Nhưng kể từ khi con dâu bước chân vào nhà, đặc biệt là sau khi có con, con trai bà càng ngày càng ít về, mỗi lần gặp mẹ cũng chỉ là vội vàng chóng vánh. Dần dần, ngay cả cách nói chuyện với mẹ, con trai cũng trở nên xa cách.
Bà mẹ chồng luôn tin rằng chính cô con dâu là người tạo ra khoảng cách giữa những người thân trong gia đình.
Điều khiến bà đau lòng nhất là có lần bị ốm phải nhập viện, bà gọi điện cho con trai đến chăm sóc. Đầu dây bên kia, con trai bà ấp úng nói: "Mẹ, bên con đang bận, vợ con cũng phải chăm con, khi nào rảnh con sẽ qua". Kết quả là bà nằm viện 5 ngày, con trai bà một lần cũng không đến thăm.
"Lúc đó, tôi cảm thấy thật sự tuyệt vọng. Con trai tôi đã hoàn toàn đứng về phía vợ nó, không còn là cậu bé ngày nào luôn quan tâm đến mẹ. Tất cả những điều này khiến tôi quyết tâm. Nếu trong lòng chúng, tôi là người có cũng được, không có cũng chẳng sao thì tài sản của tôi cũng không cần thiết phải để lại cho chúng", bà đưa ra quyết định.
Ngày sinh nhật hôm ấy, họ hàng, bạn bè đến rất đông, không khí vô cùng náo nhiệt. Con trai và con dâu tất bật tiếp khách, giả vờ hiếu thuận. Đặc biệt là con dâu, ngoài mặt tươi cười niềm nở với mẹ chồng nhưng thực ra chỉ là diễn cho mọi người xem. Bà ngồi ở bàn chính, nhìn khung cảnh trước mắt, trong lòng đã có dự tính.
Đợi mọi người yên vị, món ăn đã được bày biện đầy đủ, mẹ chồng bưng ly rượu lên, đưa mắt nhìn khắp lượt rồi mỉm cười nói: "Hôm nay, tôi rất cảm ơn mọi người đã đến dự sinh nhật của tôi. 65 tuổi rồi, cuộc đời này coi như cũng viên mãn. Những ngày tháng sau này cũng không còn nhiều nữa nên có một số việc tôi muốn nói rõ ràng với mọi người.
Hôm nay có đông đủ mọi người ở đây, tôi cũng không giấu giếm nữa. Tôi đã quyết định, căn nhà và số tiền tiết kiệm của tôi, sau này sẽ không để lại cho người nhà nữa, dù sao cũng không ai cần đến. Tôi dự định sẽ đem tất cả đi quyên góp, cho những đứa trẻ khó khăn thực sự cần được giúp đỡ".
Vừa dứt lời, cả bàn ăn im phăng phắc, đến cả tiếng động của bát đũa cũng không còn. Sắc mặt con dâu bà sa sầm, suýt chút nữa thì đánh rơi cả đôi đũa, vội vàng quay sang nhìn chồng.
Con trai bà ngẩn người, cau mày hỏi: "Mẹ, mẹ không phải đang nói đùa đấy chứ?".
Bà mỉm cười đáp: "Số tiền này tôi giữ cũng chẳng để làm gì, chi bằng đem đi quyên góp, làm việc thiện. Sau này, hai đứa tự dựa vào bản thân cũng có thể sống tốt, đừng có lúc nào cũng nghĩ đến chút tài sản của mẹ".
Nói xong, bà bưng ly rượu lên uống cạn, trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Bao nhiêu năm qua, những uất ức chất chứa hôm nay cuối cùng cũng được giải tỏa.
Khi con dâu hỏi lại trong uất ức, mẹ chồng cũng đáp thẳng: "Tôi tự biết phải làm gì. Cô cũng đừng nghĩ tôi làm vậy là thiệt thòi cho ai, 20 năm qua, chúng ta sống với nhau như thế nào, tự trong lòng mỗi người đều rõ".
2 đứa con bất hiếu liên tục xin lỗi mẹ, bà nói lên tâm sự của mình: "Mẹ không trách con. Con có gia đình riêng, có cuộc sống riêng, mẹ cũng không mong con lúc nào cũng phải ở bên cạnh mẹ. Chỉ là mẹ nghĩ, căn nhà, số tiền này, hãy để nó phát huy tác dụng ở nơi khác có ích hơn. Hai đứa cũng đừng suy nghĩ nhiều nữa, mẹ cũng đã già rồi, mọi chuyện nên nhìn thoáng một chút".
Cuối cùng bà mẹ chồng đáng thương đã buông bỏ chấp niệm, không còn chờ đợi con dâu gọi 1 tiếng "mẹ" nữa!