Tôi là Vương Mai, một người nội trợ 56 tuổi, sống ở một thành phố nhỏ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Gia đình chúng tôi có một đứa con gái năm nay đã 28 tuổi đi làm ở xa, chỉ quay về vào các dịp lễ Tết, nhà chỉ còn hai vợ chồng già sống cùng nhau.
Tuy nhiên, cuộc sống bình yên mấy chục năm trời của gia đình tôi bất ngờ bị phá vỡ vào ngày chồng tôi - Lý Cương chuẩn bị thực hiện một cuộc phẫu thuật. Do ca phẫu thuật có rủi ro cao, chồng tôi quyết định công khai bản di chúc mà mình đã viết từ lâu, và nội dung của nó khiến tôi vô cùng sửng sốt.
Trong bản di chúc, tài sản của chồng tôi được chia thành nhiều phần cho từng người anh chị em trong nhà, trả nợ cho bạn bè và thậm chí còn có cả tiền chi phí chăm sóc cho chú chó cưng. Nhưng tuyệt nhiên, không hề có dòng nào nhắc đến tôi và con gái.
Khi tôi tức giận hỏi lý do, chồng tôi liền cau mày giải thích: "Tôi cũng chỉ muốn tốt cho mọi người thôi. Bà và con gái đều có khả năng tự lập, không cần đến tiền của tôi. Nhưng còn những người họ hàng và bạn bè họ đều có cuộc sống khó khăn, nếu tôi không sắp xếp ổn thỏa, họ sẽ đến làm phiền hai mẹ con".
Sau khi biết được sự việc, con gái tôi - Hiểu Lâm cũng phản ứng cực kỳ gay gắt. Cả hai mẹ con tôi đều không thể nào lý giải và thông cảm được cho Lý Cương trong chuyện này.
Ca phẫu thuật của chồng tôi sau đó đã diễn ra suôn sẻ và thành công. Nhưng niềm vui ấy cũng không còn có thể hàn gắn được rạn nứt trong gia đình tôi hiện tại.
Những ngày sau đó, không khí gia đình lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Dù tôi và con gái có nói thế nào, chồng tôi vẫn không thay đổi quyết định mà vẫn nhất quyết để lại tài sản cho những người họ hàng kia.
Cuối cùng, khi thấy sự việc không thể thay đổi được nữa, tôi quyết định đệ đơn ly hôn với chồng. Hành động của ông ấy cũng khiến con gái chúng tôi thấy cực kỳ thất vọng, nên Hiểu Lâm rất đồng tình với quyết định của tôi.
Trong sự việc này, hai mẹ con tôi không phải thất vọng vì không có được tài sản thừa kế, mà vì chúng tôi cảm thấy không hề nhận được sự coi trọng từ Lý Cương. Sự ưu tiên trong cuộc sống của chồng tôi đã thể hiện rõ ràng qua bản di chúc đó. Đối với ông ấy, những người anh em và họ hàng đều quan trọng hơn vợ và con gái.
Sau khi tôi chuyển ra khỏi nhà, con gái cũng đổi công việc về quê sống cùng mẹ. Vì nhiều năm ở nhà làm nội trợ, sống dựa vào chu cấp từ chồng, cuộc sống mới không hề dễ dàng với tôi, nhưng hai mẹ con luôn hỗ trợ lẫn nhau và dần thích nghi với môi trường mới.
Mặc dù chồng cũ nhiều lần gọi điện xin lỗi và muốn hàn gắn, nhưng tôi đã quyết định sẽ không bao giờ trở lại căn nhà đó nữa. Ở tuổi xế chiều, tôi chỉ muốn sống yên bình cùng con gái, thay vì ở bên cạnh một người không coi trọng tôi.
(Theo Baijiahao)