Vào đêm 27, rạng sáng ngày 28/7/2018 sắp tới, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn độc đáo 100 năm mới có 1 lần: Trăng máu - nguyệt thực toàn phần. Sở dĩ lần nguyệt thực này được xếp vào dạng “cực phẩm” là bởi sẽ diễn ra liên tục trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Trong đó khoảng thời gian mặt trăng bị che khuất hoàn toàn sẽ kéo dài đến gần 2 tiếng, và rất có thể tạo nên kỷ lục không thể phá vỡ trong thế kỷ 21 này.
Như đã đưa tin trước đó, nguyệt thực sẽ bắt đầu diễn ra từ 0h14 phút rạng sáng ngày 28/7 và kéo dài cho đến khoảng 6h28 phút. Thời điểm mặt trăng bị “nuốt trọn” sẽ rơi vào khoảng 2h30 phút đến 4h13 phút sáng. Hầu hết tất cả mọi khu vực trên thế giới, bao gồm Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Âu, Châu Úc đều sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng thời khắc lịch sử này.
Tuy nhiên, ngay từ khoảng 10 giờ tối 27/7, tức phải còn khoảng 2 tiếng nữa mới bắt đầu diễn ra trăng máu, rất nhiều fanpage Facebook tại Việt Nam đã tổ chức livestream hiện tượng được cho là lần nguyệt thực này. Trong khi đó, thực chất đoạn video mà họ đăng tải chỉ là một lần nguyệt thực diễn ra vào năm ngoái với thời lượng diễn ra ngắn hơn rất nhiều.
Một fanpage livestream cảnh nguyệt thực từ năm ngoái với lời khẳng định chắc nịch đây chính là hiện tượng trăng máu sẽ diễn ra vào đêm nay, thế mà vẫn thu hút gần 12,000 lượt xem.
Chưa dừng lại ở đó, một số fanpage thậm chí còn “ké fame” bằng cách livestream lại video đang livestream trên những fanpage khác. Tuy nhiên, đáng buồn là những đoạn phim giả mạo này lại đang thu hút được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng, với lượt xem có thời điểm lên đến hơn 11,000 người. Rõ ràng là không ai muốn bỏ lỡ hiện tượng thiên văn có 1 không 2 này, và chính sự háo hức đó đã khiến họ “sập bẫy” mà không hề hay biết.
Fanpage này còn tệ hơn nữa, livestream lại video đang livestream trên page khác.
Các fanpage chia sẻ video giả mạo với tốc độ chóng mặt.
Xin được đính chính lại một lần nữa: Hiện tượng trăng máu sẽ bắt đầu diễn ra từ 0h14 phút sáng 28/7 và kết thúc vào khoảng 6h28 phút sáng cùng ngày. Toàn bộ những đoạn video, livestream đăng tải trước khoảng thời gian trên và khẳng định là hiện tượng này đều là giả mạo!
Dù livestream trước nhưng fanpage này rất có tâm, đã đưa thông tin chính xác về thời gian xảy ra trăng máu.