Trong khi các cơ quan chức năng Hàn Quốc vẫn đang điều tra nguyên nhân khiến máy bay mang số hiệu chuyến bay 7C2216 của Jeju Air bị rơi - bao gồm cả các vụ va chạm với chim được báo cáo, các chuyên gia cho biết bờ kè lớn bằng bê tông hỗ trợ ăng-ten dẫn đường ở cuối đường băng có khả năng khiến thảm họa trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong một số cải cách rộng rãi đầu tiên được công bố kể từ vụ tai nạn, giới chức Hàn Quốc cho biết họ sẽ xây dựng các kết cấu mới hoặc có điều chỉnh khác cho những ăng-ten tương tự tại 7 sân bay, bao gồm Muan và sân bay quốc tế Jeju - một trong những sân bay bận rộn nhất của Hàn Quốc.
Quyết định được đưa ra sau khi các kết cấu bê tông gắn ăng-ten hướng dẫn hạ cánh tại các sân bay trên toàn Hàn Quốc (được gọi là Hệ thống hạ cánh bằng thiết bị ILS hoặc thiết bị định vị) được rà soát.
Ăng-ten hỗ trợ tiếp cận đường băng gắn trên một kết cấu bê tông ị hư hỏng sau vụ tai nạn máy bay (Ảnh: Yonhap)
"Sân bay quốc tế Muan có kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn các kết cấu bê tông hiện có và lắp đặt lại hệ thống định vị trong một kết cấu dễ vỡ hơn" - Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Vụ tai nạn máy bay Jeju Air xảy ra ngày 29/12/2024, khiến 179 người tử nạn, chỉ có 2 thành viên phi hành đoàn ngồi gần phía sau máy bay Boeing 737-800 sống sót.
Đoạn video cho thấy máy bay chở khách đã hạ cánh bằng bụng ở tốc độ cao do bánh đáp máy bay không mở ra, trượt khỏi đường băng, đâm vào kết cấu bê tông ở cuối đường băng, phát nổ và bốc cháy.
Thiết kế đường băng cũng bị chỉ trích là không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, khiến các nhà chức trách phải mở rộng những khu vực an toàn cuối đường băng, theo đó sẽ không có chướng ngại vật lớn.
Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc xác nhận sẽ đảm bảo khu vực an toàn đường băng dài 240 mét tại tất cả các sân bay để đáp ứng những quy định liên quan. Khu vực an toàn đường băng tại sân bay Muan chỉ dài khoảng 200 mét trước khi xảy ra vụ tai nạn máy bay.
Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc thông báo hôm 18/1 rằng lệnh đóng cửa sân bay Muan đã được gia hạn đến ngày 18/4.