Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người

Dink, Theo Trí Thức Trẻ 01:03 07/01/2020
Chia sẻ

Để tôi kể cho bạn nghe một loạt câu chuyện liên quan tới lỗi chính tả/lỗi đánh máy và những trò đùa trớ trêu/ấm lòng người của số phận.

Tháng Năm, vào một ngày thời tiết Châu Âu đôi phần dễ chịu, ông Luigi Rimonti di chuyển từ nhà mình ở Gateshead để bắt con phà chuẩn bị rời bến North Shields; đây mới chỉ là phần đầu của chuyến hành trình 1.600 km tới Ý của ông. Những bó cơ già nua trên cơ thể 81 năm tuổi trông vẫn cứ sung sức lắm, liên tục chúng đòi về quê, về vùng ngoại ô thành phố Rome nơi ông Rimonti lớn lên. Ông gạt đi suy nghĩ lo lắng của hai người con trai là Gino và Valter, rằng mình hoàn toàn đủ sức khỏe để lái xe hết chặng đường dài. Năm nay, chuyến hồi hương của Luigi Rimonti có một điểm khác biệt: hai anh con trai đã thuyết phục được ông lắp thiết bị định vị vệ tinh lên xe.

Rời phà tới Amsterdam trên chiếc xế hộp tin cẩn, ông Rimonti bắt đầu gặp rắc rối với “món đồ chơi” mới được lắp trên xe. Ông dừng tại một trạm xăng, hòng kiếm tìm ai đó rành công nghệ có thể điền lại địa điểm ông cần tới vào thiết bị định vị. Một người lạ tới gần, đồng ý giúp đỡ và chỉ với vài cái chạm tay trên màn hình cảm ứng, ông Rimonti đã lại có thể an tâm lên đường. Ông tự tin hướng về phía Nam theo đường chạy hiển thị thiết bị chỉ đường, hướng về Rome - nơi chôn rau cắt rốn.

Sau một ngày di chuyển, ông Rimonti tìm chỗ ngả lưng qua đêm. Thiết bị định vị không dẫn Rimonti qua lối ông vẫn quen thuộc nhưng ông vẫn cảm thấy mình đã đi được một quãng đường khá xa, Rome sẽ chẳng cách mình mấy nữa. Thế rồi Rimonti ngạc nhiên khi thấy giọng nói nhỏ nhẹ phát ra từ thiết bị định vị vệ tinh: “sắp tới điểm đến”. Đúng là ông đã đi được vài trăm kilomet, nhưng đâu đã tới cái mốc ngàn cây số mà năm nào ông cũng đi?

Anh Gino, con trai ông Rimonti kể lại với nhà chức trách: “Chắc bố tôi đã nghĩ rằng ‘Đây có phải Ý đâu’, rồi ra khỏi xe để xem mình đang ở đâu. Chắc ông đã không kéo phanh tay cẩn thận”.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 1.

Sự việc đã diễn ra đúng như thế. Ông Rimonti dừng xe trên một con dốc, trèo ra để tìm một biển chỉ đường. Chiếc xe không được đỗ đúng cách đã “bị Newton” kéo xuống chân dốc, và phút bất cẩn không đóng cửa xe đã khiến ông Rimonti bị thương nặng: chiếc xe kéo lê ông trên đường, chỉ dừng lại khi tông vào cái biển chỉ dẫn mà ông Rimonti đang định đọc. Khi chiếc xe chạy chậm lại vì va chạm, ông Rimonti mới lăn được ra khỏi tầm ảnh hưởng của cái cửa xe.

Chiếc xe nằm im lìm bên vệ đường, cốp sau đã bị kẹt chặt do va chạm mạnh, và người chủ của nó đang nằm im trong đau đớn, quá đau để có thể ngay lập tức đứng lên gọi người tới giúp. “Pensavi di essere morto”, ông đã nói vậy với con trai mình ít lâu sau tai nạn hi hữu, ông đã tưởng mình phải bỏ mạng trên nền nhựa đường lạnh lẽo.

Cái biển chỉ đường mà ông Rimonti định đọc đang nằm dưới gầm xe, trên đó là từ “Rom”, một ngôi làng nhỏ nằm trên những con đồi của Mecklenburg-Western Pomerania, nước Đức, cách biên giới Ý phải gần ngàn cây số. Ông cụ 81 tuổi bất đắc dĩ phải nằm giường bệnh gần Rom, chờ người nhà tới thăm thay vì tự mình đi thăm Rome.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 2.

Rome ≠ Rom - Chữ "e" định mệnh đã khiến ông Rimonti gặp tai nạn có một không hai.

Nhân loại đang sống trong thời kỳ đáng sống mà lại khó hiểu nhất lịch sử: công nghệ đang hòa vào với hoạt động hàng ngày, cuộc sống biến thành một dạng “cyborg” với nửa người - những việc vẫn phải làm thủ công và nửa máy - những thứ đã có thể chạy tự động. Ta đang dựa vào thuật toán/code để vận hành nhiều thứ, rồi vẫn phải dùng tay để điều chỉnh nó sao cho đúng. Và đi kèm sự tiện lợi đó, sai lầm chỉ cách đầu ngón tay ta một cú chạm.

Tháng Ba năm 2015, một chữ số bị nhập sai - từ 15 độ 19,8 phút Đông thành 151 độ 9,8 phút Đông - khiến một chiếc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp ở Melbourne khi đang từ Sydney tới Kuala Lumpur.

Tháng Giêng năm 2018, sai lầm từ ban quản lý hệ thống nhắn tin cảnh báo khiến khoảng một triệu người dân Hawaii chìm trong sợ hãi, rằng đang có một quả tên lửa hạt nhân nhắm thẳng tới họ. Cả hòn đảo hỗn loạn, nhà nhà cầu nguyện mọi thánh thần họ biết tới, người người cố gắng làm nốt đủ thứ việc trước khi thần chết gõ cửa. “Ngay lập tức tìm nơi trú ẩn. Đây không phải diễn tập”, những dòng chữ lạnh sống lưng chỉ là một sai lầm ngớ ngẩn của một nhân viên duy nhất.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 3.

Sự cố tên lửa ở Hawaii đã khiến tôi … hứng thú với việc tìm kiếm thêm những vụ việc tương tự, những lỗi lầm nhỏ nhặt trên màn hình điện tử tạo ra hiệu ứng cánh bướm tàn khốc. Mỗi lần thấy một mẩu , tôi đều tỉ mẩn ghi lại chi tiết.

Nghe những câu chuyện này, ta chỉ biết cười vì sai lầm ngốc nghếch của người lãnh trách nhiệm đánh máy.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 4.

Hè vừa rồi, bài đăng Twitter của Tổng thống Trump đã gọi Hoàng tử Charles là “hoàng tử xứ Cá voi” (đúng ra phải là hoàng tử xứ Wales, nhưng ông Trump đã viết sai thành Whales - nghĩa là xứ Cá voi). Dân mạng được dịp cười no nê, chế meme với tốc độ chóng mặt.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 5.

Tại Úc, 46 triệu tiền mệnh giá địa phương đi vào sử dụng với một lỗi chính tả nằm chình ình trên mặt tiền: từ “Responsibilty - Trách nhệm” đã thiếu đi mất một chữ “i”.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 6.

Đào sâu tìm hiểu về các vụ án, tôi mới biết việc phạm nhân đang trong thời gian tạm giam, được “trả về địa phương” để điều tra thêm đã thường xuyên gửi nhầm tin nhắn “rủ chơi đồ” tới chính người đang điều tra mình.

Rồi cũng có những sự việc nghiêm trọng hơn: ví dụ như hồi tháng Ba, thành viên Nghị viện Châu Âu đã bấm nhầm nút trên màn hình cảm ứng để thông qua đạo luật liên quan tới bản quyền. Bầu xong, hỏi ra mới biết hơn chục người - đủ số người để tạo nên sự khác biệt trong sự kiện trưng cầu ý kiến - thừa nhận mình đã bấm nhấm.

Năm 2009, có một cú click chuột hại đời bao nhiêu người diễn ra. Một nhân viên thuộc tổ chức chính phủ Companies House tìm trong danh sách các công ty tại Anh, hòng lần ra doanh nghiệp Taylor & Son chuẩn bị phá sản. Thế rồi nhân viên này lại chọn nhầm doanh nghiệp Taylor & Sons (thêm chữ “s”) để tiến hành thanh lý. Taylor & Sons là một công ty kỹ thuật vẫn thịnh vượng từ những năm 1870, lợi nhuận đạt tới hơn 35 triệu bảng Anh/năm cho tới ... thời điểm định mệnh.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 7.

Thông báo nợ xấu xuất hiện, khách hàng hủy đơn trong sợ hãi, các đầu mối cung ứng hàng hóa xếp thành hàng chờ trước cửa công ty để đòi thanh toán. Và rồi Taylor & Sons phá sản thật, cả thế kỷ làm ăn ổn định bay hơi vì một chữ “s”. Người điều hành Taylor & Sons hồi 2009 là Philip Davison-Sebry khóc ròng: “Tìm việc làm ở tuổi 50 đâu có dễ, nhất là khi người ta tưởng một tay tôi kéo đổ đế chế kinh doanh tồn tại suốt trăm năm”.

Kết thúc có hậu không tự nhiên tới: sau nhiều năm vớt vát những gì còn sót lại nhưng bất thành, Philip Davison-Sebry kiện Companies House ra tòa, và đã nhận số tiền bồi thường 8 triệu bảng Anh. Davison-Sebry đã mở được một công ty mới.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 8.

Tôi đến Sheffield thăm anh hồi đầu năm nay, để nghe lại về biến cố khó tin của mùa hè năm 2011. Anh chàng nay đã ngoài tuổi ngũ tuần dẫn tôi thăm thú căn hộ nhỏ mà anh ở cùng vợ và con trai. Năm 2011, anh mới 44 tuổi, đang vui thú với công việc tư vấn thuốc cho hội đồng địa phương. Ấy là một hôm thứ Bảy, cả nhà vừa trở về từ chuyến du lịch hè thì chuông cửa reo: có mấy viên cảnh sát đang muốn vào nhà.

Anh Lang đã diễn tả lại cho tôi quang cảnh hôm đó: anh đứng trong bếp, đang dọn dẹp đồ thừa từ bữa sáng với gia đình thì phải chạy ra mở cửa để nhận tin dữ. Cảnh sát buộc tội anh tàng trữ hình ảnh liên quan tới bạo hành trẻ em. Cụ thể hơn, địa chỉ IP của anh, được cung cấp cho nhà chức trách bởi Sở cảnh sát Hertfordshire, là bằng chứng mở ra cuộc điều tra và nó dẫn về chiếc laptop anh đang sở hữu.

Cảnh sát yêu cầu anh về đồn để tiến hành thẩm vấn. Anh chết lặng tại chỗ, “chân tôi bỗng nhũn ra”. Anh vận đồ cho tử tế, cùng cảnh sát về đồn và trong lúc đó, nhà anh bị lục soát. Căn hộ nhỏ chỉ có duy nhất một chiếc laptop để anh bật nhạc reggae cho vui cửa nhà, họ tịch thu thiết bị để làm bằng chứng.

Tại đồn, anh phải trả lời những câu hỏi đơn giản liên quan tới việc lướt web, ví dụ như “Trình duyệt ấy hả? Ý anh là kiểu như Google à?”, và khi cảnh sát hỏi anh có cần luật sư không, anh Lang hoảng loạn đáp: “Tôi *** cần luật sư! Tôi chẳng làm gì cả!”

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 9.

Phải nhiều năm sau, anh mới biết một lỗi đánh máy trong khi tra địa chỉ IP đã khiến anh vô khám vì tội ác do kẻ khác thực hiện. Thế nhưng vào hôm thứ Bảy đó, ngồi trong phòng giam thì anh Lang có biết gì đâu? Đến việc dùng máy tính anh còn chẳng rành, huống hồ tải về những tài liệu vốn khó kiếm. Người ta nói với anh một câu điếng người: việc khám xét laptop có thể kéo dài tới 6 tháng. Việc có thể phải sống trong nửa năm tủi nhục đã khiến Lang ít nhiều nghĩ tới chuyện tự vẫn.

Tại căn hộ nhỏ, cô vợ Clare của anh đang đối mặt với quyết định tàn khốc. Cô được báo rằng anh dù anh Lang được thả ra trong thời gian công an khám xét laptop, anh không được về nhà với vợ con. Cô đấm ăn xôi, cô Clare hỏi: “Vậy nếu tôi cho phép anh được về thì sao?”, để rồi nhận câu trả lời lạnh lùng: “Chúng tôi sẽ mang đứa bé đi”.

Mới chỉ vài tiếng trước, họ còn vui vẻ ăn sáng mà giờ, gia đình đã bị xé ra làm hai nửa. Cô Clare phải chọn giữa chồng và con: “Tình huống đó làm gì có lối ra, nếu như bạn chọn tin rằng chồng mình vô tội, thì bạn sẽ khiến con mình đối mặt với cảnh không cha mẹ. Tôi bất lực vô cùng”.

Cuối cùng thì thời gian chờ đã không tới 6 tháng mà chỉ 3 tuần, nhưng với anh Lang, 3 tuần “dài như một đời người vậy”. Anh phải dọn về sống với bố mẹ đẻ trong thời gian chờ quyết định vô tội của cảnh sát. Cuối cùng cũng được minh oan, trở về nhà nhưng anh Lang không còn hoàn toàn tỉnh táo: anh thường cố gắng giải thích, với bất kỳ ai sẵn sàng nghe mình trình bày, về việc đã xảy ra. Anh lo sợ người ta đã nghe một câu chuyện “tam sao thất bản” nào đó về mình.

Tinh thần anh Lang suy sụp, anh luôn cảm thấy người ta nhìn mình bằng ánh mắt dò xét, đánh giá. Không biết chuyện gì đã xảy đến với mình, chỉ biết cảnh sát đã bắt nhầm người, anh sống trong sợ hãi và mù mờ, không rõ nguồn căn câu chuyện và lo lắng bị bắt tiếp. Đầu anh chỉ còn biết nghĩ tới việc làm sao để gột sạch tên tuổi, và đã gạt sang bên cả vợ con và bạn bè, “tôi chẳng còn nghĩ được gì khác cả”.

Nhiều năm trời kiện tụng cũng khiến anh kiệt sức. Nhưng rồi câu trả lời cũng đến, đến muộn tận 3 năm sau thời điểm anh bị bắt giữ vô cớ: Sở cảnh sát Hertfordshire gửi anh một bức thư, họ nhận lỗi về mình, rằng “có lỗi đánh máy”, “đã thêm một chữ số vào địa chỉ IP của anh”, chốt thư là lời xin lỗi thủ tục từ cơ quan chức năng.

Địa chỉ IP của kẻ gian kết thúc bởi một số “6”, người đánh máy đã vô tình thêm chữ số “1” định mệnh, khiến anh Lang tổn thọ vài năm, dừng đi làm, tách biệt với bạn bè, trải qua cuộc hôn nhân căng thẳng tột độ. Và rồi đến lúc biết được sự thật, anh chỉ biết thở dài: “Chắc đây là một trong số những thứ đó đấy nhỉ? Những thứ bạn chẳng bao giờ giải thích được”.

Anh nhận về số tiền bồi thường 5 chữ số, nhưng tiền nhiều đâu có chữa được vết sẹo tinh thần đã khiến anh nhức nhối suốt 3 năm trời. Tôi cảm thấy nỗi đau khó chữa lành trong đôi mắt thao thức nhiều đêm. Nhưng ở chân trời xa, có một người khác chứng minh lỗi đánh máy cũng tồn tại hai cực trái ngược: một cực là anh Lang với 3 năm dài khổ sở và nhiều năm tiếp theo hứng chịu hậu quả tâm hồn, cực còn lại là một người phụ nữ may mắn.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 10.

Kasey Bergh, một người phụ nữ 53 tuổi đã ly dị chồng sống tại St. Louis, gặp may mắn cuộc đời nhờ một chữ số cô bấm nhầm nhiều năm về trước. Năm 2006, cô Bergh mua một chiếc điện thoại Nokia cũ với phím vật lý già nua, và khi điền danh bạ trên chiếc điện thoại không quen thuộc với đầu ngón tay mình, cô đã nhập nhầm số của một người quen.

Để rồi sáu năm sau thời điểm mua điện thoại, khi nhắn tin tới cái số cô đã nhập nhầm xưa kia, một người lạ mặt sống cách cô 1.500 cây số đã gửi lại một tin nhắn ấm lòng, trái ngược với những gì ta có thể nhận từ một số điện thoại lạ.

Anh Henry Glendening, một chàng trai mới ngoài 20 tuổi, đang trên đường đi làm thì nhận được tin nhắn của cô Bergh. Anh đáp: “Xin lỗi, bạn đã nhắn nhầm số rồi. Nếu tôi mà không bận việc thì sẵn sàng nhận lời đi chơi ngay”. Cô Bergh thoáng chút giật mình, nhưng rồi cảm giác cuốn hút bám lấy cô. Họ tiếp tục nhắn tin qua lại sau tin nhắn được số phận (và nhà mạng) gửi đi.

Rồi mặc kệ khoảng cách của cả tuổi tác và địa lý, họ bắt đầu hẹn hò. Henry Glendening và Kasey Bergh làm đám cưới năm 2015.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 11.

Kể lại cho tôi câu chuyện của cô, Bergh nhận ra mình chưa nói hết về cái nút bấm định mệnh, cái lỗi đánh máy khiến đời cô sang trang mới. Khi biết mình nhắn nhầm người, cô đã lật lại sổ liên lạc cũ và phát hiện ra mình ấn nhầm số “6” thay vì số “0”, hai con số thay cho nhau đã tặng cho cô một tấm chồng và một sự kiện có lẽ là cứu được mạng cô.

Suốt nhiều thập kỷ, cô Bergh vật lộn với bệnh thận. Khi gặp anh Glendening, cô vừa nhận một quả thận hiến nhưng sau đám cưới, thận bắt đầu xuống cấp. Người chồng mới cưới sẵn sàng hiến quả thận thanh niên của mình, và số phận lại chứng minh sức mạnh của nó: tạng hai người hợp nhau, cô Bergh mới trải qua phẫu thuật hồi mùa xuân năm nay.

Lần cuối tôi trò chuyện với họ là hồi tháng Năm, khi cả hai vẫn đang trong giai đoạn hồi sức, vẫn vui vẻ tay trong tay cùng trải qua hoạn nạn. Bergh gửi tôi một hình mặt cười đơn giản, dường như những ngón tay còn yếu của cô chưa bấm được nhiều, và cũng ngại rằng mình lại bấm nhầm lần nữa. Đâu phải lúc nào lỗi đánh máy cũng mang lại hạnh phúc? Đôi khi là chút ngượng ngùng, đôi lần lại tạo ra cảnh tan nát.

Ở một bệnh viện xa xa, ông Luigi Rimonti đang nằm điều trị. Sau hơn một giờ nằm trên mặt đường xứ Rom, ông được đưa về bệnh viện địa phương. Ngoài nỗi đau thể xác, ông già 81 tuổi còn bị chấn thương về mặt tâm lý, cái thứ đồ công nghệ chết dẫm đã phản bội ông! Gọi điện báo nhà, ông chỉ nói cụt lủn: “Vừa tai nạn xong, bố vẫn sống nhé” rồi dập máy. Mặc cho cả nhà lo lắng suốt nhiều ngày, ông Rimonti cau có nằm trên giường bệnh, nghĩ về một tương lai khác, nơi mình đã có thể vui thú xứ Rome.

Hai thái cực của lỗi chính tả: một nút bấm nhầm có thể là định mệnh cứu mạng người ta, cũng lại là bi kịch đời người - Ảnh 12.

Hiển nhiên đó chưa phải là điểm cuối câu chuyện. Dù cho ông Rimonti có nguyền rủa thứ thiết bị định vị vệ tinh tệ cỡ nào, thì công nghệ vẫn cứ đeo bám ông trong cái thời đại số ngày nay: sự cố ông gặp phải biến thành câu chuyện cả thế giới và cả mạng Internet biết. Màn nhầm lẫn hi hữu lan từ Đức ra khắp Châu Âu, sạp báo nào cũng đưa tin, kênh nước nào cũng đăng tải sự lạ, có nơi còn cẩn thận vẽ lại bản đồ quãng đường ông Rimonti đã đi cho nó trực quan; ông già nổi tiếng còn trước cả khi con cháu mình đưa được ông rời viện.

Tháng Sáu, cuối cùng cũng đặt chân về đến nhà, ông Rimonti vẫn bầm tím đôi chỗ, mất xe, chân cẳng không còn như xưa, lại còn điếng cả người trước những gì truyền thông thế giới nói về mình. Chỉ một chữ “e” gõ thiếu mà tôi khổ thế này ư! Con trai ông đổ tội cho thiết bị vệ tinh, và rằng nếu để ông Rimonti tự lái xe tới Ý, lần theo biển chỉ đường và tìm đường về bằng trực giác của người con xa quê, “như một chú cánh cụt tìm đường về tổ”, “có khi cụ đã chẳng làm sao”. Anh bông đùa đáng lẽ không nên để công nghệ hiện đại làm vấy bẩn tâm hồn hoang dã của cha mình.

Trong khi tôi nghĩ về việc chuyến hành trình của ông Rimonti có thể đã đỡ hơn nếu như công nghệ nhận dạng giọng nói hiện đại hơn, hay thậm chí ông Rimonti có thể điều khiển đồ điện tử bằng ý nghĩ, mọi thứ đã đi đúng hướng. Thế nhưng ông Luigi Rimonti, người đã sống hơn 8 thập kỷ trên đời, lại nhìn nhận sự việc bằng một cái nhún vai, một bài học đơn giản nhưng áp dụng được vào mọi tình huống trớ trêu: “La vita è una merda”, từ “merda” trong tiếng Ý có nghĩa là “phân”, nên tôi tạm dịch ra thế này cho xuôi tai, “Cuộc sống mà”.

Dựa theo bài viết được đăng tải trên The Guardian của Tom Lamont .

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày