Ngày 16-5, tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Shen Jiangyang (SN 1982) và Deng Zhiji (SN 1984; cùng ngụ tỉnh Quảng Tây) để điều tra, làm rõ hành vi "Xâm phạm mồ mả", theo Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015.
Hai người Trung Quốc bị khởi tố, bắt tạm giam để làm rõ hành vi đào trộm lăng mộ vua Lê Túc Tông ở Thanh Hóa. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Trước đó, khoảng 21 giờ 30 phút ngày 3-5, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa phát hiện khu lăng mộ vua Lê Túc Tông (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) có dấu hiệu bị xâm hại.
Tại đây, cán bộ của đơn vị trên đã phát hiện một số vật dụng nằm ngoài khuôn viên tường bao phía sau mộ vua Lê Túc Tông, có dấu hiệu nghi vấn của các đối tượng chuyên đào phá mộ cổ để tìm đồ cổ để lại nên đã trình báo cơ quan công an để xác minh.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã phát hiện có một nhóm đối tượng người Trung Quốc đã thực hiện hành vi đào trộm mộ vua Lê Túc Tông để tìm cổ vật.
Sau khi xác định được đối tượng, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh lần theo dấu vết. Đến 14 giờ ngày 4-5, công an đã bắt giữ 2 người trên khi đang trên đường ra TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (cách cửa khẩu quốc tế Móng Cái khoảng 15 km).
Công an tỉnh Thanh Hóa thực nghiệm hiện trường vụ đào trộm mộ vua Lê Túc Tông
Tại cơ quan công an, qua đấu tranh khai thác, bước đầu 2 người Trung Quốc khai nhận ngày 28-4 đã nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam với mục đích đi tìm cổ vật ở các khu mộ cổ của vua chúa và mộ của người giàu có để trộm cắp tài sản là những đồ vật được chôn cùng trong mộ.
Khi nhập cảnh vào Việt Nam, nhóm người mang theo một bộ dụng cụ thăm dò, gồm 1 cây săm bằng kim loại chuyên dùng săn tìm đồ cổ và máy gắn thiết bị cảm ứng dò tìm kim loại.
Sau đó, nhóm này tới TP Thanh Hóa rồi thuê xe máy đến khu lăng mộ vua Lê Túc Tông để quan sát, nghiên cứu địa hình. Tiếp đó, các đối tượng mua thêm một số dụng cụ như khoan điện cầm tay, dây thừng, mền bông, cưa tay, bao bì, bạt, bao tay, xẻng, xà beng… tới lăng mộ vua Lê Túc Tông xăm thăm dò, đào bới nhưng không tìm được gì có giá trị. Khi phát hiện có người qua lại, các đối tượng đã để lại dụng cụ đào bới và bỏ đi.
Toàn cảnh lăng mộ vua Lê Túc Tông ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa (Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa), kết quả kiểm tra, làm việc bước đầu của các cơ quan chức năng cho thấy lăng vua Lê Túc Tông đã bị 3 đối tượng người Trung Quốc (2 người đã bị công an bắt giữ) xâm hại.
Cụ thể, 3 người Trung Quốc đã đào bới, hố đào có kích thước 90 cm x 52 cm; sâu khoảng 1,6 m và phá vỡ bia đá. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu được 14 mảnh bia đá có chữ Hán và trang trí rồng thời Lê (qua xác minh là bia mộ) với một số chữ Hán trên các mảnh vỡ: "Đại Việt Túc Tông Nhượng…" khắc theo hàng dọc, cỡ chữ lớn khắc vạch, kiểu chữ Khải có nội dung ghi miếu hiệu của vua Lê Túc Tông và 15 mảnh gạch màu xám đen.
Số hiện vật này đang được Công an tỉnh Thanh Hóa niêm phong và lưu giữ tại kho hiện vật của Khu di tích lịch sử Lam Kinh để phục vụ công tác điều tra. Hiện tại, các đối tượng đào trộm, xâm hại mộ đang bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ, điều tra, làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.
Lăng mộ vua Lê Túc Tông
Vua Lê Túc Tông sinh năm 1488, mất 1505, là vị hoàng đế thứ Sáu của Hoàng triều Lê nước Đại Việt. Lê Túc Tông tên thật là Lê Thuần, là con trai thứ ba, đồng thời là đích tử của Lê Hiến Tông. Vì thông minh, hiếu học nên Lê Túc Tông được vua cha lập làm Hoàng thái tử dù không phải con trưởng. Tháng 7-1504, sau khi Lê Hiến Tông mất, Lê Thuần lên ngôi Hoàng đế.
Tháng 12-1504, Lê Túc Tông đột ngột bệnh nặng. Do không có con nối dõi, ông chỉ định người anh thứ hai của mình là Lê Tuấn lên nối ngôi, tức vua Lê Uy Mục. Ngày 12-1-1505, Túc Tông băng hà chỉ sau 6 tháng trị vì.