Mấy ngày nay, rất nhiều người dân đã sắp xếp công việc để tới gia đình anh Phạm Trung Hiếu (53 tuổi, ở thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để chúc mừng ông Phạm Văn Bình (64 tuổi, chú ruột) vừa mới trở về một cách thần kỳ. Bởi ông Bình vốn đã được báo tử cách đây 25 năm.
Ông Bình trở về thắp hương cho bố mẹ
Người đàn ông khốn khổ sau bao nhiêu năm lưu lạc xứ người không cầm được nước mắt. Vì đã cách xa quá lâu nên ông không thể nhớ hết tên từng người thân của mình, nhưng vẫn nghẹn ngào không nói nên lời.
Theo giấy báo tử năm 1993 ghi rõ, ông Phạm Văn Bình cấp bậc hạ sĩ, chức vụ chiến sĩ. Tháng 9/1977, ông Bình nhập ngũ công tác tại đơn vị đoàn 8, chiến trường Campuchia. Sau một thời gian chiến đấu, ngày 21/2/1979, ông Bình được xác nhận đã hi sinh trong trường hợp chiến đấu mất tích, được công nhận liệt sĩ.
"Lúc đó, tôi nhận nhiệm vụ đem tin tức từ Trung đoàn lên Sư đoàn cách đó khoảng 80 km. Đầu năm 1979, khi đang trên đường đưa thông tin liên lạc, tôi bị quân Pol Pot phục kích bắn bị thương. May mắn tôi được dân bản ở huyện Baray (tỉnh Kampong Thom) đi rừng cứu sống. Kể từ đó, tôi mất toàn bộ giấy tờ tùy thân, hoàn toàn mất liên lạc với đồng đội và đơn vị", ông Bình kể lại.
Giấy báo tử ông Bình hi sinh tại chiến trường Campuchia năm 1993
Thời gian chữa trị, ông Bình mất đi trí nhớ, không tìm đường về được đơn vị nên ở lại huyện Baray làm đủ nghề từ phụ hồ, làm rẫy thuê kiếm sống qua ngày. Một thời gian lưu lạc tại xứ người, ông yêu và kết hôn cùng cô gái người dân tộc Chăm tại huyện Baray và sinh được một cô con gái.
"Con gái tôi nay đã 10 tuổi, thời gian sống bên đấy rất khổ vì cuộc sống còn thấp, điện không có, nước phải dùng nước mưa. Do không biết đường về, mất đi một phần trí nhớ, giấy tờ không có nên tôi không có cách nào để về quê và tìm lại đồng đội của mình", ông Bình nói.
Riêng về gia đình, sau khi chiến tranh kết thúc, mỗi người nỗ lực tìm kiếm ông khắp nơi nhưng không hề có tin tức gì. Gia đình nhận được giấy báo tử và xác nhận liệt sĩ vào năm 1993.
Khi mẹ ông Bình còn sống, bà đã được hưởng chính sách thân nhân liệt sĩ. Tuy nhiên, hiện nay các cụ đã mất nên gia đình người cháu của ông Bình chỉ nhận được chế độ hương khói và quà vào những ngày lễ Tết.
Khoảng đầu tháng 11/2018, có tài khoản Facebook Nguyễn Nhật Dũng (quê ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) đăng ảnh ông Bình lên để tìm kiếm người thân cho ông. Lúc này có người đọc được nên mới liên hệ về nhà để xác minh.
Vợ và con gái 10 tuổi của ông Bình ở Campuchia
Là người trực tiếp sang Campuchia đón chú ruột về nhà, ông Phạm Trung Hiếu cho biết: "Ông Dũng này là giám đốc một công ty cao su ở Campuchia. Chú Bình vô tình xin vào làm thuê cho công ty này, nói được tiếng Việt nên ông Dũng hỏi mới biết cùng quê ở Kỳ Anh đã lưu lạc nhiều năm ở đây từ chiến tranh đến nay".
Nhìn thấy ảnh trên Facebook, ông Hiếu lập tức nhận ra đó là chú ruột mình. Khoảng 1 tuần trước, sau khi làm xong thủ tục, ông cùng người chị ruột lên đường sang Campuchia để đón người chú về nhà.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh xác nhận, nửa tháng trước, sau khi người thân của ông Bình trình báo ông còn sống và lưu lạc tại Campuchia, chính quyền địa phương đã báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện để làm giấy tờ tùy thân cho ông Bình.