Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các khu vực như phía Tây Thủ đô (khu vực Hà Tây cũ) chính là khu vực được đầu tư mạnh mẽ với nhiều công trình giao thông lớn được hình thành. Đại lộ Thăng Long là tuyến đường nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, trong đó có đi qua địa phận các huyện như Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai,...Đại lộ Thăng Long thuộc tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên nối khu trung tâm Hà Nội với quốc lộ 21A cũ, nay là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh. Chiều dài toàn tuyến là 30 km, nằm gọn trong địa giới thành phố Hà Nội. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Kiến trúc tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bắt nguồn từ khái niệm "Trời, Đất và Biển", đây là 3 yếu tố tự nhiên hình thành nên quốc gia, đồng thời thể hiện cho 3 lực lượng chính của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình quan trọng hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. (Ảnh: Lê Minh Sơn)
Cung thiếu nhi Hà Nội được đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, bên cạnh các phòng học chức năng còn có phòng chiếu phim, bể bơi bốn mùa, nhà thi đấu đa năng, nhà hát... Cung thiếu nhi Hà Nội được xây dựng trên khu đất gần 40.000 m2 tại công viên hồ điều hòa CV1, trong khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm.Khởi công từ tháng 11/2021, sau hơn hai năm công trình đã hoàn tất. Cung thiếu nhi gồm hai khối nhà, trong đó khối nhà A (trước) có nhà hát, rạp phim, CLB nghệ thuật...; khối nhà B có thư viện, tháp thiên văn, nhà thi đấu, bể bơi...Sáng 21/9 vừa qua, Hà Nội đã khánh thành Cung thiếu nhi mới tại quận Nam Từ Liêm và gắn biển Công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). (Ảnh: Lữ Phụng Tiên)
Mặc dù Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 65-75%. Thế nhưng hiện nay vẫn đang giữ được các không gian cây xanh, hồ nước điều hòa lớn bên cạnh những tòa cao ốc, vấn đề cân bằng giữa việc bê tông hóa, đô thị hóa và giữ lại các không gian xanh luôn là bài toán quan trọng với mỗi vùng đất đang phát triển. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Trong ảnh là nút giao thông 4 tầng tại quận Thanh Xuân với đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Quý Nguyễn)
Cầu Long Biên (tên cũ là cầu (Pont de) Paul Doumer) là cây cầu thuộc đoạn đường quốc lộ 1 cũ bắc qua sông Hồng kết nối quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình với quận Long Biên của Hà Nội, thay thế cho bến đò Ngọc Lâm cũ từ thế kỷ 19. Chiếc cầu được xây dựng từ năm 1898 tới năm 1902 bởi công ty Daydé & Pillé của Pháp, và được sử dụng vào năm 1903. Trong thời kì Mỹ ném bom miền Bắc (1965-1972), cầu đã nhiều lần bị hư hại, vì thế đa số các nhịp cầu Long Biên hiện nay là do Việt Nam xây lại trong thập niên 1970. Cầu Long Biên là nơi chứng kiến những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội vào chiều 9/10/1954. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2010. Vào ngày 8 tháng 8 năm 2024, đoạn trên cao (từ Nhổn đến Cầu Giấy) của tuyến đường sắt chính thức đưa vào khai thác thương mại đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy dài 8,5km. Khi hoàn thành và kết nối toàn tuyến, tuyến sẽ đi qua tổng cộng 12 ga, trong đó gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Điểm đầu của Tuyến bắt đầu tại Nhổn, chạy dọc Quốc lộ 32, qua Cầu Diễn, theo đường Hồ Tùng Mậu, vượt trên qua đường Vành đai 3, Xuân Thủy, Cầu Giấy, vượt trên đường vành đai 2 đến trước công viên Thủ Lệ rẽ theo đường Kim Mã đến vị trí phó Nguyễn Văn Ngọc, tại điểm này, tuyến bắt đầu hạ ngầm, chạy theo đường Kim Mã, qua Cát Linh, Quốc Tử Giám, xuyên ngầm dưới ga Hà Nội và kết thúc tại đường Trần Hưng Đạo trước cửa Ga Hà Nội. (Ảnh: Lữ Phụng Tiên)