Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025.
Thẩm tra liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định còn một số tồn tại, hạn chế.
"Trong năm 2024, dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp "học giả, bằng thật" ở cấp đào tạo trình độ cao nhất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận", ông Vũ Hồng Thanh đề cập.
Theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, trường hợp nêu trên là ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) bảo vệ luận án và được cấp bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội sau khoảng hơn 2 năm từ khi tốt nghiệp Cử nhân luật hệ vừa học, vừa làm.
Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có văn bản xác nhận: "Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM".
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu nhận định, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là các đô thị lớn. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Đồng thời, còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra ở nhiều nơi.
" Tình trạng lạm thu đầu năm học nhiều năm nay vẫn là vấn đề nóng, gây bức xúc. Có ý kiến cho rằng, ở nhiều nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh là "cánh tay nối dài" của nhà trường để xảy ra tiêu cực, lạm thu... Nếu tổ chức này hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ thì cần có các giải pháp mới trong công tác giáo dục, quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình ", báo cáo nêu rõ.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc lạm thu đầu năm là vấn đề người dân đang rất quan tâm, ảnh hưởng đến các hộ gia đình.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, đây là hiện tượng rất cũ và Chính phủ, Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã tổ chức giám sát rất tích cực để giải quyết, xử lý nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại.
" Có thể nói bệnh cũ nhưng cần phải phương thuốc điều trị mới, tôi nghĩ trong báo cáo của Chính phủ nên nêu thêm những biện pháp đã làm được, những việc gì chưa làm được. Tôi thấy nội dung này đã làm rồi nhưng cần phải có những biện pháp làm mới hơn nữa ", bà Nguyễn Thanh Hải kiến nghị.