Hà Nội: "Tướng bà" 10 tuổi được rước bằng kiệu, bảo vệ nghiêm ngặt tránh bị bắt cóc. Thực hiện: Minh Nhân.
Hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được khai mạc vào sáng mùng 6 Tết hàng năm, để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời.
Sáng nay (30/1), hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã hành hương về đền Sóc, tham dự lễ khai hội kéo dài từ nay đến hết mùng 8 Âm Lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội, được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngay từ khoảng 2-3 tuần trước ngày khai hội, những thôn tham gia lễ hội đã bắt đầu rục rịch các công việc chuẩn bị. Hàng năm có 8 đoàn rước đến từ các thôn: Vệ Linh (xã Phù Linh), Dược Thượng (xã Tiên Dược), Đan Tảo (xã Tân Minh), Đức Hậu (xã Đức Hoà), Yên Sào (xã Xuân Giang), Yên Tàng (xã Bắc Phú), Phù Mã (xã Phù Linh) và Xuân Dục (xã Tân Minh).
Đây là các nghi lễ rước theo tục truyền, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc và mang đặc trưng riêng của lễ hội đền Sóc.
Trong các nghi lễ, kiệu rước "tướng bà" của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) được nhiều người dân và du khách đặc biệt quan tâm.
Năm nay, "tướng bà" được chọn là bé Nguyễn Hà Vy, 10 tuổi. Thông thường, người được lựa chọn là những bé gái 9-12 tuổi, xuất thân trong gia đình văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mặt sáng sủa, ưa nhìn.
"Hà Vy học giỏi, ngoại hình sáng, con có nụ cười duyên. Con cũng xem trong làng nhiều người được chọn làm tướng. Con rất vui và tự hào, cố gắng phấn đấu học giỏi hơn nữa" - chị Nguyễn Thị Hà, 34 tuổi, mẹ "tướng bà" cho biết thêm Hà Vy là niềm vinh dự cho gia đình và cả dòng tộc.
Trong kiệu, "tướng bà" thường xuyên vẫy tay chào và mỉm cười với dân làng. Nhiều người mừng tuổi cho "tướng bà", vừa cầu may trong năm mới.
Đoàn người rất đông đi theo kiệu rước của "tướng bà". Người dân kể rằng, đã có nhiều lần các cô bé đóng vai "tướng bà" bị đoàn khác bắt cóc đi mất, sau đó gia đình phải "chuộc" với số tiền lớn. Do vậy, công tác bảo vệ được chuẩn bị kỹ.
Đại diện thôn Yên Tàng đọc bài văn tế.
"Tướng bà" vào bên trong làm lễ...
... sau đó thay trang phục khác ra về với gia đình. Lực lượng bảo vệ vẫn luôn kề cận để bảo vệ "tướng bà" tránh nguy cơ bị "bắt cóc" bất cứ lúc nào.
Lễ rước cầu húc của thôn Xuân Dục, xã Tân Minh.
Ngựa chiến của thôn Phù Mã, xã Phù Linh...
...và voi chiến của thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, sau khi rước lễ được đặt trong khuôn viên đền Sóc để người dân chiêm ngưỡng.
Dự kiến năm nay lễ hội đền Sóc thu hút khoảng 120.000 du khách thập phương đến dâng hương và hòa mình vào bầu không khí lễ hội.