Hà Nội: Thuê villa chục triệu đồng cho 2 ngày cuối tuần, khách hàng ngỡ ngàng nhận thông báo bị hủy ngay sát chuyến đi, tiền cọc vẫn "lặn tăm"

Phạm Trang, Theo Nhịp Sống Việt 20:48 21/04/2022

Chị Ngô Hồng Đức sau khi đặt cọc số tiền là 9 triệu đồng để thuê 1 căn villa cho chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm của công ty vào cuối tuần đã bất ngờ nhận được tin không còn phòng do đại lý quên không điền tên khách vào danh sách. Không chỉ chị Đức, nhiều người cho biết cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Càng gần những dịp nghỉ lễ, các dịch vụ đặt phòng, tour du lịch ngày càng "nở rộ" với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Đặc biệt là tại thời điểm sau khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu du lịch của người dân càng tăng cao.

Tuy nhiên, không phải lúc nào du khách cũng có được những trải nghiệm ưng ý trong quá trình đặt phòng. Không ít trường hợp khách hàng "ngỡ ngàng đến bật ngửa" khi ngay trước thời điểm diễn ra chuyến du lịch lại được bên trung gian đặt phòng thông báo vẫn chưa được booking do sơ suất.

Khách hàng bị hủy phòng ngay sát ngày đi với lý do đại lý "quên không điền tên vào booking", tiền phòng vẫn chưa được hoàn

Đó là trường hợp của chị Ngô Hồng Đức (SN 1986, Hà Nội) khi đặt villa cho một chuyến đi Ba Vì của công ty vào 2 ngày cuối tuần.

Tuy nhiên, ngay trước thời điểm đi, chị Đức bất ngờ nhận được thông tin từ T.T.T. - người mà chị đã tin tưởng đặt homestay, rằng hiện tại không còn phòng như trước đó đã đặt "do đại lý quên không điền tên vào booking". Bức xúc vì lý do không thể chấp nhận, chị Đức đã đăng tải bài viết công khai lên một nhóm cho thuê villa, homestay tại Hà Nội.

Bài viết của chị Đức thu hút sự chú ý của khá nhiều người (Ảnh NVCC)

Cụ thể, trong nội dung bài viết, chị Đức cho hay: "Mình giao dịch với bạn này thuê G.H. homestay thứ 7 và chủ nhật tuần này (ngày 23-24/4). Bận quá thành ra quên không check (kiểm tra) uy tín trước.

Ngày kia đi rồi, tiền đã thanh toán hết mà giờ chưa gửi số điện thoại homestay để hỏi thông tin. Xong giờ báo lại là do đại lý quên không điền tên vào booking (danh sách đặt phòng), trong khi ngày 23/4 đi rồi."

Liên hệ với chị Đức, được biết vào thời điểm cuối tháng 3, chị đã liên hệ với T. để đặt phòng.

"Vào thời điểm cuối tháng 3, mình có đặt phòng của bạn ấy. Bạn ấy bảo chuyển khoản 9 triệu tiền đặt cọc phòng, sau đó thêm 4 triệu, tổng cộng là 13 triệu. T. hứa rằng đến 3 ngày trước chuyến đi, tức thứ 4 (ngày 20/4) sẽ gửi cho mình thông tin về phòng, chủ nhà và cách liên hệ.

Nhưng đến ngày hẹn, mình có liên lạc thì bạn bảo vẫn chưa liên hệ được với chủ nhà. Đến sáng hôm sau, bạn lại nói do quên không điền tên vào booking nhưng tiền thì không chịu trả lại. Lỗi của mình do không kiểm tra kỹ lưỡng vì công việc cũng khá bận."

Khi được hỏi từ đâu mà quen biết và tin tưởng đặt phòng của T., chị Đức cho biết mình chỉ biết bạn khi hỏi thông tin đặt phòng trên 1 nhóm Facebook.

"Có nhiều người nhắn tin những căn villa, homestay khác nhau nhưng thấy phòng của bạn T. khá đẹp, giá rẻ nên chị đã đồng ý thuê và chuyển tiền."

"Chị cũng có vào Facebook của bạn này xem các phòng mà bạn đăng, cũng có rất nhiều giao dịch chuyển tiền thuê phòng được công khai nên chị cũng yên tâm."

Thuê Villa chục triệu đồng cho 2 ngày cuối tuần, khách hàng ngỡ ngàng nhận thông báo bị hủy ngay sát chuyến đi, tiền cọc vẫn lặn tăm - Ảnh 2.

Chị Đức cho biết villa mà T. quảng cáo khá đẹp với mức giá hợp lý (Ảnh minh họa)

Chị Đức tiếc nuối cho biết ngay sát chuyến đi của công ty mới biết tin này nhưng cũng không thể vì thế mà hủy bỏ nên chị chỉ có thể nhanh chóng tìm một người khác đặt phòng. Hy vọng mọi người có một chuyến đi tốt đẹp. Cùng với đó, chị cũng thể hiện thái độ kiên quyết phải đòi lại số tiền mình đã chuyển cho T. trong thời gian sớm nhất có thể.

Đồng thời, chị Đức cũng chia sẻ rằng bản thân rất ngạc nhiên bởi sau khi đăng bài đã có khá nhiều người nhắn tin với chị về việc tương tự khi giao dịch đặt phòng với T.T.T.

Liên hệ với Thu Hằng - 1 "nạn nhân" khác vẫn đang bị T. giữ số tiền cọc phòng là 5 - 6 triệu cho một đoàn khoảng 10 người lớn:

"Bạn này thường xuyên đánh vào tâm lý thích phòng rẻ, đẹp của khách hàng. Cuối tuần các bên báo hết phòng nhưng bên T. vẫn nhận và bắt cọc 100%, nếu thương lượng được có thể cọc 50% tiền phòng. Khách nói nhiều thì bạn ấy vẫn hứa trả nhưng lúc nào cũng cò quay."

Hằng cho hay, đã có khá nhiều người liên hệ với mình và cho biết bản thân cũng bị T. giữ một số tiền không nhỏ với cách thức tương tự: "Có người bị giữ 10 triệu, người giữ 14 triệu,... Mình đang muốn tập hợp mọi người để gửi đơn trình báo công an chứ để như này mãi thì tệ quá."

Những người thân thiết trong ngành cũng rơi vào "bẫy" tương tự

Không chỉ đối tượng là khách hàng, T.T.T. còn dùng cách thức tương tự để lấy tiền của những người cùng làm trong ngành du lịch và có mối quan hệ từ trước.

Trò chuyện với Hoàng Linh, một người chuyên nhận đặt phòng du lịch cũng đang bị T. giữ một số tiền cả chục triệu đồng:

"Đợt Tết Dương, T. có rủ mình "ôm" quỹ phòng SaPa với mức giá 25 triệu cho 10 phòng khách sạn, 20 đêm. Mình chuyển tiền vào ngày 25/10. Trong quá trình làm việc, đến qua Tết Âm thì T. đã gửi lại mình 10 triệu đồng, quy ra là 4 phòng. Nhưng từ đó tới giờ thì khất và mới gần đây trả 5 triệu đồng.

Gần đây mình cũng phát hiện T. không hề "ôm" quỹ phòng hay gì cả và số tiền 25 triệu ban đầu cũng không hề sử dụng. Bây giờ, T. hẹn đến 15/4 trả 10 triệu còn lại nhưng đến ngày vẫn không thấy đâu và tiếp tục khất đến tháng 5."

Thuê Villa chục triệu đồng cho 2 ngày cuối tuần, khách hàng ngỡ ngàng nhận thông báo bị hủy ngay sát chuyến đi, tiền cọc vẫn lặn tăm - Ảnh 3.

Hoàng Linh đã tin tưởng chuyển cho T. 25 triệu để "ôm" quỹ phòng Sa Pa đợt Tết dương lịch

"Hôm nay (21/4) có người đăng bài phốt, nhiều người cũng bị lừa và được hẹn cuối tuần này hoặc tháng 5 thì có lẽ số tiền của mình đến lúc đó cũng bị khất tiếp thôi. Vì hẹn nhiều người như vậy không thể trả được." - Hoàng Linh không mấy hy vọng số tiền 10 triệu đồng còn lại của mình sẽ được trả lại đúng hạn vào đầu tháng 5 như T. đã hứa trước đó.

Hoàng Linh cho hay, bản thân trước đó đã làm việc cùng T. trong một thời gian khá dài. Trước đó T. rất uy tín nhưng về sau lại lợi dụng sự uy tín đó để thực hiện những việc nêu trên: "Thậm chí T. còn lấy uy tín của người khác để lừa người."

Tương tự với trường hợp của Hoàng Linh - Hạnh, một người từng là đồng nghiệp của T. cũng đã lên tiếng phản ánh tình trạng tương tự khi làm việc với T.:

"Trước T. cũng là sale, như kiểu đồng nghiệp với mình ấy. Mình đã tin tưởng và đặt cọc cho T. 1 villa ở Sóc Sơn cho khách, chuyển khoản đầy đủ khoảng 9 triệu đồng. Rồi 2 hôm sau đó, đúng gần sáng ngày mùng 1 âm, T. báo cho mình không còn phòng và hủy cọc.

Mình may mắn hơn những bạn khác là đã được T. hoàn đủ số tiền rồi. Đó là lần đầu và chắc cũng là lần cuối mình làm việc với bạn ấy."

Liên hệ với T.T.T. về những câu chuyện kể trên, T. thừa nhận lỗi sai ở bản thân và đang cố gắng tìm cách khắc phục: "Chuyện dài và lỗi sai của mình. Mình cũng đang khắc phục và không trốn tránh bất cứ điều gì."

Việc thuê những căn villa, homestay cho các chuyến du lịch, nghỉ ngơi thư giãn ngày càng trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, để đảm bảo tối đa quyền lợi cũng như tránh những rủi ro không đáng có, khách hàng thuê villa, homestay cần lưu ý một số điểm sau:

- Cần tham khảo kỹ giá cả của các căn villa, homestay. Với những mức giá thuê rẻ hơn mặt bằng chung vào các thời gian cao điểm như ngày lễ tết hay cuối tuần, khách hàng cần cảnh giác.

- Không nên đặt gần sát ngày đi bởi sẽ khó có thể tìm được căn villa, homestay ưng ý.

- Cần kiểm tra kỹ thông tin, uy tín nhân viên tư vấn trước khi đặt cọc. Trước khi chuyển khoản nên yêu cầu nhân viên tư vấn gửi CMT để kiểm tra ngừa trường hợp không trùng tên chứng minh thư và tên tài khoản Facebook, thậm chí có thể gọi điện video kiểm chứng.

Ngay cả với những người làm việc lâu năm, nếu bất ngờ thay đổi thông tin cá nhân hay số tài khoản giao dịch, cũng cần xác nhận chi tiết.

- Yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình ảnh thực tế khu mình muốn thuê để tránh không được như mong đợi, tìm thêm nhận xét những khách hàng trước. Thoả thuận và xác nhận rõ với nhân viên bán hàng các dịch vụ bao gồm và các dịch vụ tính phí đi kèm, nhằm tránh các chi phí phát sinh ngoài ý muốn.

- Nắm được những thông tin cơ bản trước khi đặt cọc như địa điểm; ngày, giờ check in - check out; số hotline hoặc số của chủ nhà, quản gia. Sau khi nhận được xác nhận đặt phòng, khách hàng nên liên hệ trực tiếp với villa, homestay để xác nhận việc đặt phòng thành công.

- Đăng thông tin tài khoản nhận tiền lên các nhóm bán hàng để kiểm tra uy tín.

https://kenh14.vn/ha-noi-thue-villa-chuc-trieu-dong-cho-2-ngay-cuoi-tuan-khach-hang-ngo-ngang-nhan-thong-bao-bi-huy-ngay-sat-chuyen-di-tien-coc-van-lan-tam-20220421194356522.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày