Cần xử lý triệt để tội phạm ném chất bẩn vào nhà dân
Vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ việc nhà dân bị các đối tượng xấu ném chất bẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Theo cơ quan công an, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ném chất bẩn vào nhà dân thường xuất phát từ việc vay nợ, đòi nợ, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong sinh hoạt…
Các đối tượng gây án thường được thuê đi ném chất bẩn và ra tay rất "thất thường", không cố định. Loại tội phạm này dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, gây ức chế về mặt tinh thần và là nguồn cơn gián tiếp dẫn đến những vụ trọng án khi bức xúc bị đẩy lên đỉnh điểm.
Chuyên gia tội phạm cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả tội phạm đổ chất bẩn nói chung và tội phạm đổ chất bẩn liên quan "tín dụng đen", về mặt phòng ngừa xã hội, công an phụ trách địa bàn cần tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền tại các tổ dân phố, đến từng hộ dân về phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này.
Người dân không vay tiền với lãi suất vượt mức mà pháp luật quy định; kịp thời thông tin cho cơ quan công an khi bị đối tượng cho vay lãi uy hiếp, đe dọa, khủng bố; lắp camera tại nhà để ghi lại hình ảnh các đối tượng đến nhà đòi nợ hoặc đổ chất bẩn (nếu có).
Ðối với những địa bàn xảy ra tình trạng ném chất bẩn, cần tăng cường công tác bố trí lực lượng tuần tra, mật phục tại một số địa điểm để ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội. Ðặc biệt, đối với những vụ việc ném chất bẩn, cần điều tra rõ về các mối quan hệ, vấn đề vay nợ hoặc mâu thuẫn của bị hại nhằm tìm ra nguyên nhân tận gốc của vấn đề, có như vậy, việc ngăn chặn tội phạm ném chất bẩn mới hiệu quả.
Thực tế hiện nay, hoạt động đòi nợ thuê đang diễn biến phức tạp. Một số không nhỏ các công ty đòi nợ thuê bị các băng đảng giang hồ núp bóng, sử dụng nhân viên là những đối tượng từng "vào tù ra tội" dẫn đến hành vi đòi nợ trái quy định pháp luật.
Trước đó, chiều 17/6, với 90,27% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư (sửa đổi).
Tại phiên họp, 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút đồng ý cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6; chỉ có 2,69% tổng số đại biểu đồng ý cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Như vậy, với 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" chính thức không được phép hoạt động.
Sau đó, với 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Luật Đầu tư (sửa đổi).