Hà Nội: Cá chép tiễn ông Công ông Táo được TNV hỗ trợ bỏ vào chậu thả xuống lòng sông, nhưng dòng nước đen kịt khiến ai cũng phải nhíu mày

Bá Cường, Theo Trí Thức Trẻ 16:09 28/01/2019

Hầu hết người dân lên cầu thả cá đều ngán ngẩm vì dòng nước đen kịt nhưng cũng tặc lưỡi "thôi thì cứ thả" vì đi nơi khác thì quá xa.

Hôm nay ngày 28/1, nhằm ngày 23/12 âm lịch, chính là ngày thả cá chép tiễn Ông Táo về trời theo tục lệ cổ truyền Việt Nam. Tại Hà Nội, nhiều người dân đã đưa cá chép đến các sông hồ trên địa bàn thành phố để thả, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để đưa cá đến những nơi có nước sạch như sông Hồng để thả, một số người không có thời gian đi xa, họ chấp nhận thả cá ở những con sông ô nhiễm.

Người dân đưa cá đi thả được sự hỗ trợ của các tình nguyện viện.

Tại các điểm thả cá, từ rất sớm đã có mặt các tình nguyện viên, sinh viên, thanh niên đứng chờ sẵn với những công cụ thả cá như xô nhựa buộc dây để có thể thả cá gần mặt nước hơn, tránh việc cá bị ném từ trên cao xuống. Các nhóm tình nguyện này cũng hỗ trợ người dân đốt vàng mã và thu gom rác, túi bóng mang theo để đựng cá.

Cá được thả bằng chậu có nối dây, tránh bị ném từ cao xuống.

Cầu Diễn bắc qua sông Nhuệ trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm là địa điểm thả cá quen thuộc của rất nhiều cư dân trong vùng. Sông Nhuệ là một sông lớn của Hà Nội, chi lưu của sông Hồng và là con sông duy nhất trong khu vực nên được nhiều người lựa chọn.

Mặc dù vậy, con sông này từ lâu cũng đã bị ô nhiễm nặng nề, nước đen kịt sủi bọt, bốc mùi hôi thối, rác ùn ứ. Cũng như những địa điểm khác, từ sáng sớm trên cầu Diễn đã có nhiều tình nguyện viên của câu lạc bộ Dấu chân tuổi trẻ chuẩn bị những dụng cụ để thả cá.

Các bạn tình nguyện viên cũng đành bất đắc dĩ thả cá xuống dòng nước ô nhiễm vì nhiều người dân muốn tận mắt thấy cá của mình được thả.

Nguyễn Tiến Bình, một thành viên của câu lạc bộ Dấu chân tuổi trẻ cho biết họ đã làm công việc hỗ trợ người dân thả cá từ 6 năm nay. "Nước sông ngày càng bẩn, cá sẽ rất khó sống, tuy nhiên do không có điều kiện đi xa nên nhiều người vẫn đến đây thả. Chúng mình hỗ trợ thả cá, đốt vàng mã, thu gom rác. Mình làm như vậy một là để cá có cơ hội sống cao hơn, không bị ném xuống khi còn nằm trong bao, hai là để lòng sông đỡ phải nhận thêm rác", Tiến Bình chia sẻ.

Cũng theo Tiến Bình chia sẻ, mặc dù có đội tình nguyện hỗ trợ nhưng nhiều người vẫn muốn tự tay thả cá, tuy nhiên lại vô ý thức ném cả túi nilon xuống. Năm nay chỉ có một thuyền chích điện đến vợt cá và đã về từ sớm, những năm trước có hai, thậm chí bốn thuyền chích điện đến vợt cá. Mình có bảo họ là không nên làm như thế thì họ nói rằng không vợt nó cũng chết vô ích", Tiến Bình nói.

Hà Nội: Cá chép tiễn ông Công ông Táo được TNV hỗ trợ bỏ vào chậu thả xuống lòng sông, nhưng dòng nước đen kịt khiến ai cũng phải nhíu mày - Ảnh 4.

Một số người thiếu ý thức đã ném rác lên đầu các tình nguyện viên đang thu gom rác bên dưới cầu mặc dù đã có người nhắc nhở.

Một tình nguyện viên làm công tác tiếp nhận cá của người dân cho biết câu hỏi nhóm được nghe nhiều nhất là "liệu nước như vậy cá có chết ngay không". Và thực tế là cá thả xuống chỉ bơi lờ đờ rồi ngấp ngoải, một số con bị sốc nước chết ngay lập tức.

Kết quả biết trước khi đàn cá bị thả xuống nước ô nhiễm, ngấp ngoải và chết.

Cạnh sông Nhuệ có một hồ điều hòa khá lớn, nước sạch sẽ, tuy nhiên người dân quan niệm rằng phải thả cá ở chỗ nước chảy, vì vậy họ vẫn thả cá nơi đây. Nhóm tình nguyện cũng khó gom cá để đi chọn một nơi sạch sẽ để thả vì nhiều người muốn được thấy trực tiếp con cá của mình bơi dưới sông suối.

Hà Nội: Cá chép tiễn ông Công ông Táo được TNV hỗ trợ bỏ vào chậu thả xuống lòng sông, nhưng dòng nước đen kịt khiến ai cũng phải nhíu mày - Ảnh 6.

Một số người muốn tận mắt thấy cá của mình bơi rồi mới rời đi.

Và cứ thế, hằng năm mỗi dịp tiễn Ông Táo về trời, cá cứ được thả ra dòng sông ô nhiễm này rồi ngấp ngoải chết hoặc bị vớt lại lên chợ bán.

Các tình nguyện viên cũng đốt vàng mã và thu gom rác hộ người dân.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày