Sau nhiều ngày "cố thủ" ở mức cao từ 97.000 - 105.000 đồng/kg, giá lợn hơi một vài hôm nay đã có xu hướng giảm nhẹ. Một số nơi giảm từ 1.000-4.000 đồng/kg, cá biệt có địa phương giảm tới 7.000 – 8.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi bình quân trên cả nước hiện nay từ 95.000-97.000 đồng/kg.
Lần đầu tiên cho nhập lợn sống
Theo lý giải của các chuyên gia, việc một vài ngày qua giá lợn hơi giảm nhẹ một phần do thời tiết nắng nóng, nhu cầu thịt lợn trên thị trường cũng giảm xuống nên giá lợn hơi cũng giảm theo chu kỳ hàng năm. Tuy nhiên các chuyên gia cũng khẳng định thời gian qua một loạt giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn từ phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương cũng bắt đầu cho hiệu quả.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp được nhập lợn sống nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong suốt thời gian qua
Và giải pháp mới nhất và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp được nhập lợn sống nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong suốt thời gian qua.
Hiện đã có gần chục doanh nghiệp đăng ký nhập lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam. Trong tuần tới cơ quan thú y hai nước sẽ làm việc trực tuyến, để trao đổi những vướng mắc, thu thập thêm thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch lợn.
Sau khi hai nước thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu, nước xuất khẩu có thể xuất khẩu lợn sống vào Việt Nam.
Người tiêu dùng bắt đầu làm quen với thịt nhập khẩu
Thêm một lý do khác để giá lợn hơi có xu hướng giảm trong thời gian qua đó chính là đến từ việc tăng cường nhập thịt lợn đông lạnh.
Những lô lợn sống đầu tiên sẽ sớm được nhập khẩu vào Việt Nam ngay trong tháng 6 này. Còn ngay ở thời điểm hiện tại, để bù đắp nguồn cung lợn thịt thiếu hụt, các doanh nghiệp, siêu thị đang đẩy mạnh việc nhập khẩu lợn đông lạnh.
Cùng với thịt tươi, người tiêu dùng đã bắt đầu làm quen với thịt nhập khẩu (Ảnh minh họa)
Theo thống kê tính đến nay, lượng lợn nhập khẩu trên 67 nghìn tấn, chiếm 70% mục tiêu nhập khẩu 100 nghìn tấn cho cả năm nay, nguồn nhập chủ yếu từ các nước có nền chăn nuôi phát triển như Mỹ, Canada, Nga, Ba Lan… Đặc biệt giá thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn từ 30 – 50% so với thịt lợn trong nước.
"Với thịt lợn đông lạnh mọi người nên thử, rất phù hợp với giá tiền của mình, còn có thể để tủ lạnh sau đó sử dụng cũng tiện", một người tiêu dùng cho biết.
Tái đàn là phương pháp bền vững nhất
Tính đến cuối năm 2018 khi chưa có dịch, đàn lợn của ta có 31 triệu con, đến nay thiếu hụt khoảng 6 triệu con lợn. Đây chính là lý do chính làm giá lợn tăng mạnh trong thời gian qua. Chính vì thế tái đàn để bình ổn giá lợn trong dài hạn vẫn là giải pháp lâu dài.
Hiện tỷ lệ tăng đàn cao nhất tại 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn là 20%, và có 18 tỉnh có quy mô đàn từ 90 – 100% so với khi chưa có dịch. Tuy nhiên, hiện vẫn có tới 22 tỉnh quy mô đàn mới bằng 70% so với trước khi có dịch.
Việc tái đàn hiện đang được đẩy mạnh, đặc biệt trong trang trại quy mô vừa và nhỏ trong dân.
Cùng với các trang trại quy mô vừa và nhỏ trong dân, thì 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn được xem là những hạt nhân quan trọng, duy trì phát triển nguồn giống cung cấp đủ nhu cầu cao của thị trường hiện nay.
Tái đàn là biện pháp bền vững nhất để hạ giá thịt lợn trong dài hạn
Trong hai tuần vừa qua, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tăng cường đến các địa phương, doanh nghiệp để kiểm tra công tác tái đàn, tăng đàn. Những mô hình an toàn sinh học được Bộ khuyến khích mở rộng. Đồng thời có công văn hối thúc các địa phương đẩy mạnh những chính sách về thuế, đất đai cho trang trại chăn nuôi.
"Thủ tướng đã chỉ đạo các tỉnh có chính sách ưu đãi tín dụng được vay đúng với chu kỳ sản xuất, chính sách thuế, đất để chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình chăn nuôi lớn", ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.