Grab có thể được định giá gần 40 tỷ USD sau sáp nhập (Ảnh: Bloomberg)
Thương vụ đánh dấu lần đầu tiên một kỳ lân công nghệ Đông Nam Á lên sàn chứng khoán Mỹ thông qua một SPAC. SPAC (Specified Purpose Acquisition Company) hay blankcheck (séc khống) là loại hình công ty lập ra với mục tiêu sáp nhập. Họ không có kế hoạch kinh doanh cụ thể mà chỉ có mục đích duy nhất là tham gia vào quá trình M&A với một công ty khác. Theo quy định của Ủy ban chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), công ty SPAC có quyền phát hành cổ phiếu (IPO). Trong một tuyên bố đưa ra hôm 13/4, Grab cho biết, sau khi sáp nhập với Altimeter Growth, giá trị thị trường của startup dự kiến đạt 39,6 tỷ USD. Grab đang huy động hơn 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư, bao gồm BlackRock, Fidelity International, T.Rowe Price Group.
CEO Brad Gerstner của Altimeter gọi Grab là một trong những công ty Internet tốt nhất thế giới. Con đường phía trước của Grab còn rất dài và rộng. Cổ phiếu của pháp nhân sau khi Grab và Altimeter sáp nhập sẽ được giao dịch trên sàn Nasdaq trong vài tháng tới với mã GRAB.
Grab là một trong các siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á. Tổng giá trị giao dịch (GMV) của công ty năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD, tăng gấp đôi năm 2018 ngay cả khi cạnh tranh với đối thủ Gojek tiếp tục căng thẳng và dịch Covid-19 làm đảo lộn sinh hoạt của người dân.
Trước đó, dưới áp lực của SoftBank và các nhà đầu tư khác, Grab và Gojek đã đàm phán sáp nhập trong cả năm 2020 song không thành công. Gojek chuyển sang phương án sáp nhập với một gã khổng lồ Internet khác là Tokopedia.
Tan và Gerstner đều là cựu sinh viên Harvard. Theo Bloomberg, cả hai bắt đầu bàn về thương vụ vào đầu năm nay sau khi được bạn chung giới thiệu. Chỉ sau khoảng 3 tháng, họ đã đi đến thỏa thuận cho thương vụ lịch sử. Gerstner không xa lạ với thị trường Đông Nam Á. Ông đang đầu tư vào tập đoàn game và thương mại điện tử Sea, công ty mẹ của Shopee. Sea nổi lên như một hiện tượng của sàn chứng khoán sau khi IPO tại Mỹ năm 2017.
Theo Gerstner, Mỹ và Trung Quốc từng là các thị trường nhận đầu tư lớn trong 20 năm qua. Trước thời của Sea, Đông Nam Á thực sự không nằm trong radar của nhiều nhà đầu tư. Gerstner đã theo dõi Grab từ sau khi startup này thâu tóm mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á năm 2018. Ông cho rằng, Grab IPO tại Mỹ sẽ là khoảnh khắc vĩ đại để các nhà đầu tư toàn cầu nhận ra sự phục hưng đang diễn ra tại thị trường công nghệ Đông Nam Á.
Tan thành lập Grab (ban đầu là MyTeksi) tại Malaysia năm 2012 cùng bạn học Harvard Hooi Ling Tan. Sau đó, Grab chuyển địa điểm sang Singapore trước khi mở rộng ứng dụng sang các thị trường như Indonesia, Việt Nam, Phillipines, Campuchia và Myanmar. Với hơn 10 tỷ USD huy động được qua 8 vòng gọi vốn, Grab là nhà cung cấp dịch vụ gọi xe lớn nhất Đông Nam Á trước khi tiến vào các lĩnh vực khác như giao đồ ăn, thanh toán điện tử, dịch vụ tài chính.
Grab cho biết, họ nắm khoảng 72% thị trường gọi xe, 50% thị trường giao đồ ăn trực tuyến và 23% thị trường thanh toán điện tử Đông Nam Á năm ngoái. Theo một nguồn tin, công ty được định giá 16 tỷ USD.