Gọi thẳng qua app chat để trao đổi công việc khi chưa hỏi “có nghe máy được không”: Tiện cho mình, phiền người khác?

Hải My/ Thiết kế: Hoàng Sơn, Theo Đời sống pháp luật 00:01 02/05/2024

Đột ngột gọi điện qua app khi chưa hỏi “có gọi được không” là chuyện bình thường hay thiếu lịch sự?

“Có dùng ứng dụng Lotus không?”, “Cho xin Zalo để nhắn tin đi”, “Bạn có Telegram chứ?”... 

Là những câu hỏi khá quen thuộc mà bất cứ ai cũng có thể nhận được ở hiện tại. Chuyện kết nối với ai đó qua các app chat thậm chí còn phổ biến hơn việc lưu số điện thoại của nhau vào danh bạ. 

Tuy nhiên, giao tiếp qua các app chat cũng nảy sinh lắm vấn đề. Ví dụ như có 1 số người phàn nàn rằng họ cảm thấy bị làm phiền khi đang trao đổi với ai đó qua các app chat, thì bỗng nhiên đối phương bấm “call" để nói chuyện trực tiếp. Thậm chí điều này khiến người bị động nhận cuộc gọi cảm thấy thiếu tôn trọng. Đặc biệt là trong những trường hợp gọi để trao đổi công việc, cần giúp đỡ.

Đem topic: Đột ngột gọi điện qua app khi chưa hỏi “có gọi được không” là bình thường hay thiếu lịch sự? chúng tôi nhận được khá nhiều quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề này.

Nhiều người khó chịu khi bị gọi thẳng qua ứng dụng chat

Thu Hoài (30 tuổi, Hà Nội) đang làm trưởng phòng Marketing tại một công ty lớn cho biết một ngày sẽ phải trao đổi với rất nhiều đối tác. 

Cũng giống như nhiều người, Thu Hoài đều sử dụng các ứng dụng chat phổ biến hiện nay để nhắn tin. Tuy nhiên, cô cho biết cảm thấy rất khó chịu nếu như ai đó, không quá thân thiết bỗng đột ngột gọi điện qua những ứng dụng này. 

“Mình không phải người sợ nghe điện thoại vì tính chất công việc mình cần giao tiếp nhiều. Tuy nhiên, trong những trường hợp là đối tác hoặc họ muốn nhờ mình check thông tin nào đó, mình nghĩ nên sử dụng số điện thoại để gọi thay vì gọi qua app. Bởi điều này khiến mình cảm thấy đối phương khá thiếu tôn trọng, chỉ nghĩ tiện cho mình mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác”, Thu Hoài nói. 

Thu Hoài cho hay, nếu lịch sự theo cách ứng xử thông thường, người ở đầu dây bên kia nên gửi một tin nhắn, thông báo về việc sẽ gọi điện qua ứng dụng thay vì đột ngột gọi đến như vậy. 

“Mình nghĩ theo phép lịch sự thông thường, họ nên hỏi mình số điện thoại để trao đổi cụ thể. Nếu không, họ cũng nên đưa ra một lời gợi ý rằng có thể gọi qua ứng dụng này được không, như vậy mình sẽ thoải mái hơn”, Thu Hoài nói. 

Gọi thẳng qua app chat để trao đổi công việc khi chưa hỏi “có nghe máy được không”: Tiện cho mình, phiền người khác? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đồng quan điểm với Thu Hoài, Mai Liên (35 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Cảm giác của mình khi bị ai đó gọi điện qua ứng dụng giống như việc bỗng dưng bị một người bạn xa lắc xa lơ không nói chuyện thêm vào nhóm để mới đi ăn cưới. Vừa thiếu tinh tế, lịch sự lại thể hiện sự không tôn trọng người mà bạn đang làm việc cùng. 

Có thể mọi người nghĩ mình khó tính nhưng mình thoải mái với việc trao đổi qua tin nhắn bằng các app nhưng nếu gọi điện, nhất là việc quan trọng vẫn nên sử dụng số điện thoại bình thường. Như vậy có cảm giác nghiêm túc hơn, không bị ác cảm”

Mai Liên cho hay việc gọi điện qua đâu tuỳ thuộc vào từng ngành nghề, công việc của mỗi người. Thường những ai làm sales, kinh doanh chủ yếu ưu tiên trò chuyện qua ứng dụng vì nhu cầu trao đổi với thời lượng lớn, như vậy có thể tối ưu hơn về chi phí. Tuy nhiên, Mai Liên, cô vẫn cảm thấy đó là một điều rất kỳ cục, chỉ gọi điện thoại bình thường mới đủ lịch sự. 

Còn với Trang Lê (35 tuổi, Phú Yên) cho biết: “Mình không có vấn đề gì trong việc giao tiếp qua điện thoại. Nhưng đó là gọi qua số điện thoại. Nó thể hiện sự nghiêm túc trao đổi vấn đề cá nhân hay công việc, mình nghĩ thế. Còn việc gọi qua các app làm việc, đặc biệt là đang chat dở rồi đột ngột gọi để nhanh nhanh cho xong việc của mình bất kể người khác cảm thấy thế nào, thì mình cho là thô lỗ trong giao tiếp. 

Cảm giác của mình khi nhận được những cuộc gọi nhờ vả push giải quyết vấn đề như vậy là mình… ác cảm không muốn làm gì nữa. Nó là kiểu bị dồn ấy, lại còn rơi vào thế bị động, buộc phải giao tiếp. Nếu bị gọi vào buổi trưa hay đêm muộn thì càng tồi tệ hơn nữa”.

Gọi thẳng qua app chat để trao đổi công việc khi chưa hỏi “có nghe máy được không”: Tiện cho mình, phiền người khác? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Gen Z không còn muốn trao đổi số điện thoại cá nhân, đi làm được đào tạo kỹ năng giao tiếp qua mạng

Ngược lại với những quan điểm trên, đa phần các bạn trẻ, đặc biệt là độ tuổi Gen Z đều cảm thấy việc gọi điện trao đổi công việc qua các ứng dụng chat là điều hoàn toàn bình thường. 

Hải Anh (25 tuổi) - nhân viên văn phòng cho biết bản thân không cảm thấy có vấn đề gì giữa việc gọi điện thoại bình thường hay gọi qua app. Đối với Hải Anh, việc gọi điện qua đâu cũng giống nhau, miễn sao chất lượng đủ tốt để nghe rõ được toàn bộ công việc là được. 

“Mình không thấy việc này có gì khó chịu hay cần phải đưa lên bàn cân để so sánh. Hơn nữa, nếu bình thường vẫn nhắn tin với nhau qua ứng dụng thay vì số điện thoại thì việc gọi điện bằng chính ứng dụng đó cũng đâu lấy làm lạ. Nhiều khi, mình còn không muốn đưa cho họ số điện thoại cá nhân nữa, vì mối quan hệ chỉ dừng lại ở đối tác công việc, mình không muốn bị lộ thông tin cá nhân”, Hải Anh thẳng thắn nói. 

Ngoài ra, Hải Anh cũng cho rằng công nghệ hiện đại là để phục vụ cho sinh hoạt thường ngày thuận tiện hơn. Do đó, không cần thiết phải câu nệ việc gọi điện qua đâu thì sẽ là tôn trọng hay không tôn trọng. “Mình chỉ không thích gọi qua app trong trường hợp mạng của 1 trong 2 người không ổn định, gây gián đoạn cuộc trò chuyện thôi. Mình nghĩ đó là điểm hạn chế. Còn lại thì nó miễn phí, cũng tiện và nhanh hơn vì biết chắc người kia đang online nên cứ dùng thôi”, Hải Anh nói thêm. 

Gọi thẳng qua app chat để trao đổi công việc khi chưa hỏi “có nghe máy được không”: Tiện cho mình, phiền người khác? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Còn với Minh Hằng (27 tuổi, Hà Nội) cho biết khi đi làm ở công ty của mình, cô được đào tạo rõ ràng về việc gọi điện thoại khi làm việc với khách hàng, đối tác hay cả cấp trên. Theo đó, những cuộc gọi đầu tiên với một người lạ chắc chắn sẽ phải sử dụng cuộc gọi thường. Sau đó mới gửi tin nhắn hoặc email để hỏi thêm đối phương mong muốn được trao đổi qua nền tảng nào. 

“Với các công việc thuộc diện trao đổi giữa hai đầu mối, thường cần bàn luận dài, mình thấy mọi người đều thoải mái với việc sử dụng các app để gọi. Vì như vậy sẽ không tốn tiền và có thể kết nối được cả với những người đang ở nước ngoài. 

Còn với các công việc gấp, mang tính trang trọng như mời tham dự chương trình chẳng hạn, sẽ gọi thường. Trong business cuộc gọi thường tương đương với email được đánh dấu quan trọng, khi gọi thường nội dung cuộc gọi được xếp vào diện cần sự ưu tiên. Và trước khi gọi, mình nên nhắn tin để hỏi người nhận có tiện nghe máy không hoặc xin phép mấy giờ sẽ gọi và gọi để trao đổi vấn đề gì”, Minh Hằng chia sẻ. 

https://kenh14.vn/goi-thang-qua-app-chat-de-trao-doi-cong-viec-khi-chua-hoi-co-nghe-may-duoc-khong-tien-cho-minh-phien-nguoi-khac-20240501080551278.chn