Giữa Thái Bình Dương có một nơi được gọi là "Lăng mộ", và giờ nó đang khiến giới khoa học sợ đến toát mồ hôi lạnh

J.D, Theo Helino 12:33 13/11/2019

Bởi lẽ đó không phải là lăng mộ bình thường, mà là nơi chôn cất hàng vạn khối rác phóng xạ.

Giữa Thái Bình Dương trong địa phận của châu Đại Dương là nơi tọa lạc của đảo Marshall. Hòn đảo được người địa phương đặt cho cái tên "Lăng mộ", và là nơi chẳng ai dám đặt chân lên. Bởi lẽ, đó là nơi quân đội Mỹ trước kia dùng để thử nghiệm bom nguyên tử, để lại hàng vạn khối chất thải phóng xạ cực kỳ nguy hiểm.

Trong giai đoạn 1977 - 1980, chính phủ Mỹ đã phái 4000 người đến làm nhiệm vụ thu dọn, tẩy sạch khu vực thử nghiệm hạt nhân quanh đảo san hô Enewetak. Họ xúc từng tảng đất nhiễm xạ cùng những thiết bị quân đội, bê tông, kim loại vụn... rồi chôn xuống một căn hầm, đặt tên là Runit Dome. Xung quanh hầm được trám toàn bộ bằng bê tông và xi măng. 

Giữa Thái Bình Dương có một nơi được gọi là Lăng mộ, và giờ nó đang khiến giới khoa học sợ đến toát mồ hôi lạnh - Ảnh 1.

Căn hầm tử thần trên đảo Marshall

Tổng cộng, căn hầm ấy chứa khoảng hơn 86.000 mét khối rác phóng xạ, đủ để chất đầy 35 bể bơi theo tiêu chuẩn của Olympic. Hầu hết là đất nhiễm plutonium - loại phóng xạ có tiềm năng gây ung thư phổi nếu hít vào.

Những tưởng chuyện như vậy là xong, nhưng không! Quá trình biến đổi khí hậu đang khiến nước biển dâng lên - ít nhất là 7mm kể từ năm 1993. Giờ đây, nước đang dần ngấm vào đất đá, chảy xuống dưới căn hầm.

Dành cho những ai chưa biết thì căn hầm có nắp bằng bê tông, còn phần đáy đơn giản chỉ là đất. Vậy nên thông tin nước ngấm vào hầm là điều cực kỳ nghiêm trọng.

Hầm phóng xạ đang rạn nứt

Thời điểm thập niên 1940 - 1950, các cư dân xung quanh rạn san hô Enewetak đã buộc phải di dời sang các hòn đảo lân cận. Còn ngày nay, chỉ có 3 trong số 40 hòn đảo xung quanh được đánh giá là an toàn để ở mà thôi. Riêng đảo chứa Runit Dome thì đến nay vẫn vậy, không ai dám đặt chân lên.

Giữa Thái Bình Dương có một nơi được gọi là Lăng mộ, và giờ nó đang khiến giới khoa học sợ đến toát mồ hôi lạnh - Ảnh 2.

Năm 2013, Bộ năng lượng Hoa Kỳ cho biết các vật liệu phóng xạ trong hầm có thể bị rò rỉ ra ngoài môi trường, nhưng kèm theo là lời trấn an rằng điều đó "không làm thay đổi nhiều về lượng phóng xạ vẫn đang tồn tại quanh cư dân lân cận", vì nó khá nhỏ. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không như mong đợi. Nước biển đang dâng lên quanh đảo Marshall. Dự tính đến năm 2030 sẽ tăng 3 - 6cm, và điều này khiến căn hầm có thể bị ngập, dẫn đến nguy cơ nứt vỡ nắp hầm. 

Ở thời điểm hiện tại, căn hầm cũng đã có dấu hiệu nứt vỡ - nhiều khả năng do các đợt thủy triều mạnh tác động. Nếu có bão quét qua, nhiều khả năng rác phóng xạ sẽ ồ ạt tràn ra ngoài biển, buộc các cư dân đảo xung quanh phải rời đi thêm một lần nữa. 

"Nếu căn hầm vỡ ra thật, hầu như toàn bộ cư dân ở đây sẽ phải chuyển đi," - Crhistina Aningi, một giáo viên tại đảo san hô Enewetak. "Giống như một ngôi mộ cho chúng tôi vậy."

Khoa học cũng không biết việc căn hầm vỡ ra có hại đến mức nào

Theo Ken Buesseler - chuyên gia nghiên cứu phóng xạ đại dương, lo ngại về mức độ phóng xạ có thể đang bị thổi phồng.

Giữa Thái Bình Dương có một nơi được gọi là Lăng mộ, và giờ nó đang khiến giới khoa học sợ đến toát mồ hôi lạnh - Ảnh 3.

Các hộ dân trên những hòn đảo lân cận

"Thực ra thì các chất phóng xạ như cesium và plutonium có mặt trong mọi thứ chúng ta ăn uống mỗi ngày," - Buesseler cho biết.

Để biết được nó có thể gây hại đến mức nào, cần có các trải nghiệm thực tế. "Bạn không thể nếm, không thể ngửi, cũng chẳng thể cảm nhận phóng xạ. Đó là thứ gây hại nhưng vô hình, và chẳng ai muốn nó xảy ra cả."

Tham khảo: Business Insider