Giọt nước mắt của người mẹ và nụ cười muộn màng của bị cáo gieo rắc "cái chết trắng"

Hà Nguyễn, Theo Người đưa tin 16:50 17/09/2020

Học hết lớp 2, Hưng vẫn không đọc được chữ. Không có việc làm ổn định, nam thanh niên sớm vướng vòng lao lý. Cuối cùng, Hưng chọn việc buôn bán ma tuý làm kế sinh nhai để rồi một lần nữa đối mặt với chuỗi ngày tù tội.

Thời điểm Hưng hầu toà, mẹ, vợ cùng 2 đứa con của Hưng khóc nức nở như biết trước ngày gia đình đoàn tụ đã quá mong manh. Trong tiếng khóc xé lòng của mẹ, Hưng cười tươi như một niềm an ủi muộn màng cho đấng sinh thành.

Vết trượt dài của nam thanh niên mù chữ

Một ngày giữa tháng 9, TAND TP.HCM đưa bị cáo Phạm Ngọc Hưng (SN 1991, ngụ quận 6, TP.HCM) ra xét xử sơ thẩm về tội danh Mua bán trái phép chất ma tuý. Hưng được lực lượng chức năng áp giải đến phiên toà bằng xe bít bùng từ khá sớm. Thế nhưng, người thân của Hưng còn có mặt ở đây sớm hơn. Nhìn thấy chồng bước xuống từ xe chuyên dụng của cảnh sát, chị Phan Thị Ngọc M. (SN 1992, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM, vợ bị cáo Hưng) lấy tay cố che mưa cho đứa con gái mới 1 tuổi rồi chạy về phía chồng. Phía sau, bé gái 8 tuổi, đứa con đầu của chị cùng bà nội cố bám gót mẹ để vào phiên toà.

Đến khi đứng trước bục khai báo, nam bị cáo mới nhìn thấy người thân. Thế nhưng, bị cáo này không thể hiện chút niềm hạnh phúc. Hưng chỉ nở một nụ cười thay cho lời chào người thân. Bởi, đây không phải là lần đầu tiên Hưng phải đứng trước bục khai báo, chờ đợi luật pháp phán xét tội lỗi của mình. Từ năm 18 tuổi, Hưng đã vướng vòng lao lý với các tội danh Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản và mới được ra tù vào tháng 9/2017. Ra tù chưa bao lâu, cuối năm 2019, Hưng lại ngựa quen đường cũ. Ngày 26/12/2019, Phạm Ngọc Hưng và bạn gái bị đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an huyện Bình Chánh phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bắt giữ khi đang mang theo 2 gói ma tuý đi bán.

Giọt nước mắt của người mẹ và nụ cười muộn màng của bị cáo gieo rắc cái chết trắng - Ảnh 1.

Hưng biết người thân của mình có đến dự phiên tòa.

Cáo trạng quy kết, Phạm Ngọc Hưng đã mua ma tuý của 1 đối tượng tên Đen (chưa rõ lai lịch) ở cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) 3 lần. Hai lần đầu tiên, Hưng chỉ mua ma tuý về sử dụng. Tuy nhiên, đến lần thứ ba, Hưng bắt đầu có ý định mua ma tuý để bán kiếm lời. Ngày 19/12/2019, Hưng đi xe khách từ TP.HCM lên cửa khẩu Mộc Bài để mua của Đen hơn 500g ma túy với giá 170 triệu đồng. Với số ma túy vừa mua, Hưng dự định để dành sử dụng và bán lại kiếm lời.

Có "hàng", Hưng di chuyển về TP.HCM và thuê phòng trọ không rõ địa chỉ, phân số ma túy mới mua được thành 2 gói. Ngày 26/12/2019, Hưng mang theo 2 gói ma túy trên, chở bạn gái tên Võ Thị Ngọc D. đến quán cà phê T.N. (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) để tìm nhà trọ và người nghiện với mục đích bán ma tuý. Tuy nhiên, khi chưa thực hiện được ý định, cả hai bị công an ập vào bắt giữ cùng tang vật. Ngày ra toà, Hưng tỏ vẻ bình thản, bất chấp phía sau lưng, người thân của mình đang mơ về một ngày gia đình đoàn tụ.

Giọt nước mắt của người mẹ và nụ cười muộn màng của bị cáo gieo rắc cái chết trắng - Ảnh 2.

TAND TP.HCM, nơi diễn ra phiên xét xử Phạm Ngọc Hưng về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Lời hứa hẹn muộn màng

Nép mình vào tay mẹ, bé gái 8 tuổi, đứa con đầu của Hưng dường như bị sự trang nghiêm của chốn pháp đình làm sợ hãi. Trong khi đó, vợ bị cáo cố đưa đứa bé mới đầy 1 tuổi đang bế trên tay về phía Hưng để cha con chạm được vào nhau nhưng quy định của toà không cho phép. Đến lúc này, bị cáo mới cảm thấy xót xa và nở nụ cười chua xót. Ngồi cùng mẹ ở hàng ghế phía sau bục khai báo, bé gái 1 tuổi hồn nhiên, chưa kịp hiểu nỗi đau của gia đình liên tục với tay trèo lên thành ghế, chìm đắm trong trò chơi con trẻ của mình.

Thấy vậy, Hưng quay sang nói với mẹ ruột: "Chắc nó quên con rồi. Lúc con bị bắt, nó mới có mấy tháng tuổi". Câu nói ấy như nhát dao cứa vào trái tim của 2 người phụ nữ khiến họ không thể kìm nén thêm cảm xúc chua xót. Nước mắt cứ thế lăn dài trên má họ. Trao đổi với PV, bà Phạm Thị T. (SN 1971, ngụ quận 8, TP.HCM, mẹ bị cáo Hưng) cho biết, do gia đình khó khăn, Hưng chỉ học hết lớp 2 rồi nghỉ. Hưng đi học cũng như không vì không thể viết nổi tên mình. Ra đời, Hưng kiếm sống bằng nghề bốc vác, ai thuê đâu làm đó. 18 tuổi, bị cáo vướng vòng lao lý.

Giọt nước mắt của người mẹ và nụ cười muộn màng của bị cáo gieo rắc cái chết trắng - Ảnh 3.

Sau 2 lần mua ma túy để sử dụng, Hưng tiếp tục tìm đến Đen mua "hàng". Lần này, Hưng chia ma túy thành 2 gói rồi cùng bạn gái đi bán cho người nghiện.

Mãn hạn tù, Hưng gặp và cưới M. làm vợ rồi sinh đứa con đầu lòng. Năm 2019, khi vừa sinh đứa con thứ hai được ít tháng, Hưng và vợ cãi nhau. M. một mình ôm con về nhà mẹ chồng sống tạm. Được ít ngày, Hưng tìm đến xin làm hoà với vợ rồi lấy lý do làm ăn, mượn xe của M. bỏ đi biền biệt. Lần cuối M. nghe thông tin về chồng là khi Hưng bị công an bắt trong lúc đang buôn bán ma tuý. Nghe vợ trình bày trước toà, Hưng không chút ăn năn.

Khi được vị chủ toạ hỏi có suy nghĩ gì sau khi bị bắt, nam bị cáo lầm lỳ, cúi mặt, không muốn nói. Chỉ đến khi vị này hỏi lại nhiều lần, Hưng mới ra lời, giọng nhát gừng: "Nhớ gia đình". "Bị cáo có 2 con nhưng tù tội triền miên. Vậy, trách nhiệm người chồng, người cha của bị cáo như thế nào?", vị chủ toạ tiếp tục truy. Nam bị cáo im lặng, tắt hẳn nụ cười kiểu bỡn cợt, mặt như dán xuống nền gạch. Trong khi đó, vợ Hưng lại giấu mặt vào giữa 2 lòng bàn tay khóc nức nở. Chị chua xót cho bản thân và thương 2 đứa con nhỏ có người cha không tròn trách nhiệm.

Giọt nước mắt của người mẹ và nụ cười muộn màng của bị cáo gieo rắc cái chết trắng - Ảnh 4.

Sau nhiều lần vào tù ra tội, Hưng khép lại tuổi thanh xuân của mình bằng án chung thân.

Giờ toà nghị án, Hưng vẫn cố giữ vẻ mặt bình thản, cười tươi với người thân như để trấn an tinh thần cho họ. Tuy nhiên, chút hy vọng nhỏ nhoi ấy sớm vụt tắt khi toà tuyên phạt bị cáo Phạm Ngọc Hưng mức án chung thân về tội Mua bán trái phép chất ma tuý. Nghe con lãnh án nặng, bà T. khóc oà. Bà khóc cho đến khi con trai được dẫn giải ra khỏi phòng xử án.

Thấy mẹ khóc, nam bị cáo quay sang cười rồi nói với bà như một lời an ủi, hứa hẹn muộn màng: "Mẹ đừng khóc nữa. Bây giờ, con còn có một mình mẹ thôi. Ráng chờ con trở về". Câu nói ấy lại càng khiến người phụ nữ này đau đớn. Bà hét lên trong nỗi xót xa: "Biết tao còn sống đến lúc mày về không?. Sao mày sống tốt với bạn bè mà tệ bạc với gia đình vậy con?" rồi đứng nhìn cho đến khi bóng con khuất dạng.