Những thói quen xấu nếu bị lạm dụng quá mức tất nhiên sẽ trở thành thảm họa. Nhưng nếu “xấu có chừng mực” thì lại là một phần của lối sống lành mạnh, hoặc có ích theo một cách nào đó.
Thói trì hoãn
Steve Jobs là một trong những người biến tính trì hoãn thành thành công, dù không phải ai cũng được như vậy.
Có một lượng lớn tài liệu nói về việc vì sao người ta hay trì hoãn và làm thế nào để thôi như vậy.
Nhưng giáo sư Wharton và tác giả Adam Grant lập luận rằng, chúng ta nên nhìn thoáng hơn về sự trì hoãn của mình. Có thể không đơn giản chỉ là chúng ta lười biếng, mà chúng ta chỉ đang chờ đợi đến thời điểm thích hợp. Nói cách khác, trì hoãn giúp thúc đẩy sự sáng tạo vì bạn có cơ hội đầu tư, chăm chút hơn cho ý tưởng lớn của mình.
Ông trùm Steve Jobs của Apple là một ví dụ cho người biến sự chần chừ thành kết quả. Ông đã trì hoãn nhiều thứ, phớt lờ nhiều cơ hội chỉ để đưa ra và cân nhắc những ý tưởng tối ưu nhất, và thường thì đó là những lựa chọn đúng đắn.
Cắn móng tay
Một thói xấu mà cả người lớn và trẻ em đều mắc phải
Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu theo dõi 1.000 trẻ em từ khi chúng lên 5. Khi những đứa trẻ được 5, 7, 8 và 11 tuổi, các nhà nghiên cứu hỏi các bậc phụ huynh rằng, chúng có cắn móng tay hay mút ngón tay cái không. Kết quả là khoảng 1/3 số trẻ em có một hoặc cả hai thói quen.
Khi những đứa trẻ lên 13 và 32 tuổi, nhóm nghiên cứu tiến hành bài kiểm tra miễn dịch. Nhóm thường xuyên cắn móng tay hay mút ngón cái có khả năng miễn dịch cao hơn.
Tuy vậy, một trong những tác giả nghiên cứu lại khuyên các bậc cha mẹ không nên khuyến khích con em cắn hay mút tay. Dù cắn móng tay không gây hại lâu dài nhưng vẫn làm hỏng vùng da xung quanh móng, da dễ bị nấm, ngứa và nhiễm trùng. Trong khi đó, mút ngón tay lại có thể làm lệch vị trí của răng khi hàm của trẻ chưa phát triển.
Giờ dây thun
Những người chơi giờ dây thun thường không cố ý, chỉ là họ quá… lạc quan mà thôi.
Ai cũng biết việc thường xuyên trễ giờ sẽ gây phiền hà không nhỏ cho những người xung quanh, khiến họ cảm thấy bị thiếu tôn trọng, gây bất lợi cho nhiều mối quan hệ.
Diana DeLonzor, tác giả của cuốn sách “Never Be Late Again” đã từng nói: “Những người hay trễ hẹn thường có đầu óc lạc quan và không mấy thực tế. Họ thực sự tin rằng, mình có thể chạy bộ, gom quần áo đi giặt, ra tiệm tạp hóa mua đồ và đưa con đến trường trong vòng 1 tiếng đồng hồ.”
Nói cách khác, những người hay chậm trễ luôn hy vọng và mong đợi những điều tốt nhất sẽ xảy ra. Tính cách này là một con dao hai lưỡi trong cuộc sống hằng ngày.
Hay than thở
Hãy là người than thở "thông minh"
Chẳng ai muốn ở cạnh một người không ngừng ca thán về thời tiết, món ăn, công việc và đủ mọi thứ khác trên đời. Thực ra, những người hay phàn nàn nghĩa là trong tâm trí họ đã mường tượng ra một kết quả hoàn hảo hơn thực tế.
Nếu bạn cần than phiền, hãy tìm cách để thể hiện những bức xúc, tiêu cực đó mà không làm khó chịu những người xung quanh hay làm trầm trọng thêm vấn đề. Theo các nhà tâm lý học, than thở cũng phải đúng cách.
Một lời phàn nàn có hiệu quả là khi một vấn đề được khắc phục hoặc được bàn giao cho người có khả năng giải quyết. Đầu tiên, khéo léo đề cập đến vấn đề bức xúc sao cho người nghe không phải đề phòng. Tiếp theo, trình bày vấn đề một cách thiện chí và cuối cùng là bày tỏ sự mong đợi vấn đề được giải quyết.
Nhai kẹo cao su
Nhớ phải nhóp nhép đúng nơi, đúng lúc
Tất nhiên đừng nhai nhóp nhép trong buổi phỏng vấn xin việc nhé. Khi bạn chỉ có một mình, đây lại là cách hiệu quả giúp thư giãn và hoạt động năng suất hơn.
Các nghiên cứu cho thấy, nhai kẹo cao su giúp bạn cảm thấy tỉnh táo, và những người thường hay nhai kẹo đạt chỉ số thông minh cao hơn người bình thường. Trong khi đó, các nghiên cứu khác lại cho thấy, nhai kẹo giúp cải thiện tâm trạng và giảm hoocmon gây stress.
Góc làm việc bừa bộn
Nhiều thiên tài vẫn lấy cảm hứng từ sự bừa bộn kia mà.
Giữ cho mình một chút bừa bộn không phải là không có cái hay. Khoa học chứng minh rằng, sự lộn xộn nhắc nhở mọi người hướng đến mục tiêu hơn. Tất nhiên là khi bạn giữ sự vô tổ chức của mình trong chừng mực nhé.
Cựa quậy không yên
Đừng bắt cơ thể đông cứng cả ngày.
Sẽ chẳng hay ho gì nếu đang ngồi họp với sếp mà bạn cứ loay hoay cựa quậy mãi trong ghế. Tuy vậy, trong suốt ngày dài làm việc, một vài cái nhịp chân hay bẻ tay lại là một thói quen tốt cho sức khỏe. Thậm chí theo thống kê, thói quen này làm giảm nguy cơ tử vong và bệnh tật cho những người phải ngồi lâu trong môi trường văn phòng.
Buôn dưa lê
Hội chị em hẳn rất đồng tình với điều này.
Khá dễ dàng để thấy nói chuyện có thể giúp tâm trạng bạn tốt hơn.
Một nghiên cứu đã cho những người tham gia chứng kiến một hành vi gian lận trong một cuộc thi. Nhịp tim của họ tăng lên và điều gì đó thôi thúc họ phải lên tiếng với những người tham gia cuộc thi về vụ gian lận này. Sau khi thổ lộ được hết tâm tư, họ cho biết tâm trạng cảm thấy tốt hơn và nhịp tim cũng giảm.
Tâm hồn treo ngược cành cây
Bạn hoàn toàn có thể "thả rông" tâm trí, miễn là nhớ quay lại khi cần.
Năm 2010, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng, để trí óc đi lang thang có thể khiến bạn cảm thấy không vui. Tuy nhiên, dành một vài phút “mơ mộng” một cách cố ý rất có thể sẽ giúp bạn làm việc năng suất và sáng tạo hơn. Cụ thể, theo một báo cáo khoa học của Đại học Harvard, khoảng thời gian lý tưởng giúp đầu óc bạn nghỉ ngơi và tìm ra giải pháp khi quay trở lại là 12 phút.
Ờ, ừm… (nói năng ấp úng)
Thật ngạc nhiên khi cách nói năng lủng củng ấy lại giúp người khác hiểu rõ ý bạn hơn.
Khi một câu nói bị chen vào quá nhiều những tiếng đệm như vậy có vẻ thật thiếu chuyên nghiệp phải không? Nhưng bạn sẽ bất ngờ khi gần đây có quan điểm cho rằng, những tiếng “ờ, ừm” lại góp phần giúp người nghe hiểu và nhớ những gì bạn đang nói.
Theo thống kê, những người hay sử dụng tiếng đệm, nói năng có vẻ không được rành mạch lại là những người tận tụy và chăm chỉ nhất.