Giấy vệ sinh vs Máy sấy tay: Cuộc đại chiến không hồi kết trong toilet

AB, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 19:37 11/09/2019
Chia sẻ

Trong cả thế kỷ, giấy vệ sinh đã là phương tiện chính để mọi người lau tay sau khi dùng toilet xong. Tuy nhiên, sự phát triển của máy sấy tay đang thách thức cả một nền công nghiệp truyền thống sản xuất loại giấy này.

Theo thống kê của Euromonitor International, lượng giấy vệ sinh sử dụng tại gia, tức là không tính số giấy vệ sinh dùng ở văn phòng hay những nơi công cộng, trên thế giới đã có tổng giá trị lên đến 12 tỷ USD vào năm 2017. Điều đáng ngạc nhiên là Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển cùng nhiều nước phát triển khác lại là những quốc gia dùng nhiều giấy vệ sinh nhất thế giới.

Như chúng ta đã biết, giấy vệ sinh thường được tái chế hoặc thậm chí làm thẳng từ bột gỗ. Chúng không chỉ khiến con người chặt nhiều cây hơn mà còn khiến môi trường ô nhiễm do nhà máy sản xuất giấy vệ sinh thải nhiều chất hóa học ra môi trường.

Dẫu vậy, sự trỗi dậy của máy sấy tay đang đe dọa cả một nền công nghiệp tỷ USD và tạo nên một cuộc chiến khốc liệt trong toilet.

Khởi nguyên

Quay ngược dòng lịch sử, sự ra đời của giấy vệ sinh và máy sấy tay không chênh lệch nhau nhiều lắm. Hãng Scott Paper Company sản xuất loại giấy vệ sinh đầu tiên tại Mỹ vào năm 1907 thì Airdy Corporation cho ra đời máy sấy tay đầu tiên vào năm 1922.

Giấy vệ sinh vs Máy sấy tay: Cuộc đại chiến không hồi kết trong toilet - Ảnh 1.

Máy sây tay dùng bàn đạp thời kỳ đầu.

Tuy nhiên do giá thành rẻ, giấy vệ sinh hầu như thống trị các toilet trong thế kỷ 20 trong khi các hãng sản xuất máy sấy tay phải chuyển qua sản xuất máy sấy thường cho các mảng khác. Ngân sách và thị phần của những công ty máy sấy tay quá nhỏ và chẳng có gì đáng nhắc tới.

Dù máy sấy tay đã cải tiến tốc độ sấy từ 36 giây lên chỉ còn 6 giây cùng nhiều ứng dụng tiện lợi hơn nhưng chặng đường đi của sản phẩm này vẫn đầy chông gai. Trong nhiều thập niên, những hãng sản xuất máy sấy tay lớn như World Dryer đã phải vật lộn để quảng bá sản phẩm nhưng không thành công. Nhiều nhà hàng, khách sạn, văn phòng lắp máy sấy tay chỉ để cho đẹp và đẳng cấp hơn là vì phục vụ người dùng toilet.

Thập niên 1970, chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s đồng ý lắp đặt máy sấy tay của World Dryer và hãng đã ăn mừng như chiến thắng đầu trong cuộc đọ sức với giấy vệ sinh.

Phải đến khi thu nhập của nhiều nước đang phát triển đi lên, con người chú ý đến chất lượng sống và bảo vệ môi trường thì máy sấy tay mới lấy lại được tiếng nói của mình. Vào thập niên 2000, các hãng sản xuất máy sấy tay bắt đầu cho ra mắt sản phẩm máy sấy tốc độ cao, qua đó giảm những phiền hà ở các dòng cũ khi phải dùng nhiệt để hơ nóng bàn tay. Trên thực tế ý tưởng này đã xuất hiện ở Nhật Bản từ thập niên 1990 nhưng không được mở rộng sang Phương Tây.

Số liệu của hãng Technavio cho thấy đến năm 2020, thế giới sẽ chi khoảng 4 tỷ USD cho giấy vệ sinh trong các phòng vệ sinh công cộng nói riêng. Cùng năm, máy sấy tay sẽ bán được khoảng 856 triệu USD với mức tăng trưởng 12%/năm kể từ năm 2014.

Đồng quan điểm, người phát ngôn của hãng Dyson nhận định trong khoảng 2012 - 2020, máy sấy tay sẽ rút 873 triệu USD doanh thu khỏi ngành giấy vệ sinh và đây là minh chứng rõ nhất cho cuộc đại chiến không thể tránh khỏi giữa 2 ngành.

Giờ đây, trong khi các hãng máy sấy tay nhấn mạnh đến chi phí dài hạn, độ thân thiện với môi trường cũng như phong cách làm sạch tay "sang chảnh" thì doanh nghiệp sản xuất giấy vệ sinh lại nhắm vào độ sạch sẽ của người dùng sau khi sử dụng.

Giấy vệ sinh vs Máy sấy tay: Cuộc đại chiến không hồi kết trong toilet - Ảnh 2.

Cuộc chiến đẫm máu

Vào mùa hè năm 2005, chuyên gia marketing George Campbell nhận được một hợp đồng mở với Dyson khi hãng chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới. Anh đã vô cùng hào hứng cho đến khi biết sản phẩm mới là một chiếc máy sấy tay.

Thời kỳ đó, chiếc máy sấy tay của Dyson là một trong những chiếc máy tiên phong với rất nhiều cải tiến so với những sản phẩm trên thị trường. Với tốc độ gió lên đến 400mph, cam kết làm khô tay nhanh chóng với thiết kế ấn tượng, thậm chí làm khô cả dung dịch rửa tay khô thay vì phải hơ nóng như những sản phẩm cũ, chiếc Dyson Airblade có giá lên đến 1.200 USD.

Dẫu vậy, anh Campbell vẫn khá lo lắng, không phải vì chiếc máy quá đắt mà là do đối thủ của nó quá khó chơi. Ngành sản xuất giấy vệ sinh đã tồn tại quá lâu với hệ thống vận động hành lang, quảng cáo cực kỳ chuyên nghiệp. Việc đưa một sản phẩm mới phá vỡ thị trường là rất khó khăn.

"Nó cũng tương tự như cuộc chiến nước ngọt giữa Pepsi với Coca Cola vậy. Giờ đây bạn có cuộc chiến giữa giấy vệ sinh và máy sấy tay", anh Campbell nói.

Tâm điểm chiến trường hiện nay vẫn là sử dụng phương tiện lau tay nào thì sạch và hiệu quả hơn. Dù máy sấy tay đắt hơn nhưng có thể sử dụng thời gian dài trong khi giấy vệ sinh rẻ nhưng tốn kém do chỉ dùng một lần, lại không thân thiện với môi trường.

Dẫu vậy, ngành sản xuất giấy vệ sinh đã thực hiện bước đi vô cùng thông minh khi hỗ trợ một loạt nghiên cứu để chỉ ra rằng máy sấy tay chỉ làm phát tán thêm vi khuẩn ra không khí và bẩn hơn là dùng giấy vệ sinh.

Thậm chí năm 2018, một sinh viên tại bang California đã đặt 1 khay dịch dinh dưỡng vào máy sấy tay rồi ủ nó trong 48 tiếng, để rồi chúng mọc lên đầy vi khuẩn và làm bằng chứng cho thấy sản phẩm này không sạch.

Mặc dù thí nghiệm này nghe khá vớ vẩn khi chỉ cần để dịch dinh dưỡng ngoài không khí thường rồi ủ cũng đã mọc vi khuẩn và giấy vệ sinh nếu ủ với dịch dinh dưỡng thậm chí còn bẩn hơn nhưng thí nghiệm trên vẫn thu hút được 500.000 lượt chia sẻ trên Facebook.

Giấy vệ sinh vs Máy sấy tay: Cuộc đại chiến không hồi kết trong toilet - Ảnh 3.

Máy sây tay bảo vệ môi trường và sạch sẽ hơn giấy vệ sinh, nhưng lại không thuận tiện bằng.

Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại, người dùng có thể sử dụng giấy vệ sinh để lau bất cứ chỗ nào hay thứ gì họ muốn, điều mà máy sấy không làm được. Giấy vệ sinh cũng có thể được dùng cho nhiều mục đích ngoài toilet, hoặc mang đi sử dụng sau đó. Tất nhiên, ô nhiễm môi trường, hủy hoại tự nhiên, làm tắc cống hay bừa bãi, bẩn thỉu trong toilet là những nhược điểm không thể khắc phục của giấy vệ sinh.

Quay trở lại câu chuyện của anh Campbell, chuyên gia marketing này đã đi 47 bang của Mỹ, thăm từng sân vận động, trường học, sân bay… để thuyết phục họ lắp máy sấy tay thay vì tốn giấy vệ sinh. Tỷ lệ toilet sử dụng máy sấy tay đạt khoảng 1/20, dù không nhiều nhưng sản phẩm cũng dần tạo nên hình ảnh cho riêng mình.

Nguyên nhân chính khiến máy sấy tay không được sử dụng nhiều là hầu như mọi ông chủ tòa nhà đều không quan tâm lắm đến việc nó bảo vệ môi trường và sạch sẽ hơn ra sao. Cái họ quan tâm là liệu người dùng có gặp phiền toái khi hết giấy vệ sinh hay không bởi suy cho cùng, họ vẫn phải dùng nó sau khi đi nặng.

Bất chấp những khó khăn đó, các công ty vẫn cố gắng quảng bá phương tiện lau tay mới này. Năm 2011, một nghiên cứu của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy dùng máy sấy tay sẽ giảm tối thiểu 70% khí thải nhà kính so với dùng giấy vệ sinh. Tuy vậy chẳng mấy ai quan tâm, khi mọi người giải quyết nỗi buồn xong thì cái họ để ý nhất là làm sao vệ sinh được nhanh nhất, còn chúng có hại cho môi trường hay không thì đó là chuyện chính phủ phải lo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày