Không một đứa trẻ nào mới sinh ra đã có khả năng kiểm soát cảm xúc, khả năng tự kiềm chế, tính tự giác, hiểu biết những quy tắc ứng xử với người khác. Khoa học đã chứng minh rằng trẻ em không những cần môi trường sống ấm áp tình thương mà còn cần những giới hạn cho những hoạt động hằng ngày…
Chỉ có cha mẹ mới có thể đưa ra gia quy và những cơ cấu hoạt động trong gia đình có khả năng thuyết phục con trẻ. Đây là một trách nhiệm quan trọng nhưng nhiều cha mẹ đã cố tình xao lãng vì không muốn "đối đầu" với con hoặc sợ làm con không vui.
"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành, tác giả cuốn Cha Voi, cho biết: Có 5 gia quy quan trọng cho con, cha mẹ nào cũng cần ghi nhớ.
Có câu ngạn ngữ "You are what you eat" (Bạn là những gì bạn ăn), hàm chỉ nếu bạn ăn thức ăn tốt thì người bạn khỏe, ăn thức ăn không tốt thì mắc nhiều bệnh.
Bản năng sinh tồn của con người là thích ăn những chất giàu năng lượng như đường, bột, mỡ,.. Khi kinh tế gia đình ở Việt Nam ngày càng phát triển thì nguy cơ béo phì ở ở trẻ em cũng ngày càng tăng, do đó cha mẹ rất cần tập cho trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh.
Trẻ em bắt đầu xây dựng thói quen ăn uống trong giai đoạn từ 2-6 tuổi. Thế nên trong giai đoạn này, cha mẹ nên khuyến khích trẻ khám phá những thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhau, hạn chế uống nước ngọt và những thức ăn nhanh vốn giàu calo.
Nhiều cha mẹ Việt Nam hay ép con trẻ ăn kiểu như: "Ăn nữa đi con", "Ăn miếng nữa nhé", "Ăn nữa ba mẹ cưng"... Cha mẹ, ông bà thường vui mừng khi thấy con cháu ăn nhiều vì nghĩ rằng con cháu ăn nhiều sẽ khỏe mạnh. Ép trẻ ăn nhiều thức ăn giàu calo sẽ khiến trẻ tăng nguy cơ béo phì, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe như tiểu đường huyết áp cao, hạn chế phát triển chiều cao. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em Việt Nam ngày càng tăng, thế nên cha mẹ Việt cần thay đổi nhận thức về vấn đề ăn uống của con.
Gia quy của tôi về vấn đề ăn uống cho con khá nghiêm:
Trong nhà không có bánh kẹo ngọt, chỉ có trái cây.
Bữa ăn lúc nào cũng có ít nhất một món rau.
Không cho con ăn vặt giữa bữa, nếu có thì là trái cây.
Phần ăn cho con vừa đủ và được phân định trước chứ không để con ăn đến khi ăn không nổi nữa mới thôi.
Ăn uống ở những chỗ được quy định sẵn. Không được ăn uống ở phòng ngủ, bàn học hoặc sofa.
Thỉnh thoảng ở nhà hàng thì cho phép con uống nước ngọt hoặc ăn uống thoải mái hơn.
Tôi muốn các con biết thưởng thức ẩm thực nên khuyến khích con thử các món ăn đa dạng có nhiều mùi vị và kết cấu khác nhau. Khi đi nhà hàng, tôi thường chọn món ăn từ các nước khác nhau, đặc biệt là chọn các món ăn Việt Nam. Tôi cho rằng các con nên có khả năng ăn được hầu hết các món ăn truyền thống Việt Nam để có kiến thức về chúng.
Ngày nay, trẻ em ngày càng bị thiếu ngủ. Giấc ngủ quan trọng cho hoạt động bình thường của con người. Với trẻ em, giấc ngủ quan trọng hơn nhiều vì trong thời gian ngủ, cơ thể trẻ làm hai việc quan trọng ngoài việc bảo trì các chức năng của cơ thể, đó chính là:
- Não bộ xử lý thông tin nhận được trong ngày và đưa vào bộ nhớ dài hạn. Do đó kiến thức học hỏi sẽ được duy trì tốt hơn.
- Cơ thể điều tiết những hormone quan trọng và cần thiết như phát triển cơ thể, thèm ăn, mật độ đường trong máu.
Khoa học đã chứng minh tầm quan trọng của giấc ngủ. Nếu có giấc ngủ tốt, bạn sẽ có thể xử lý công việc và giải quyết vấn đề tốt hơn, ghi nhớ tốt hơn, ít thèm ăn hơn, vận động cơ bắp tốt hơn, kháng bệnh mạnh hơn, tâm trạng tốt hơn khiến các mối quan hệ xã hội dần tốt hơn. Ngược lại, nếu thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, thường dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe như nguy cơ béo phì, chức năng não bộ hoạt động chậm, nguy cơ bị bệnh tiểu đường, nhồi máu cơ tim, dễ nhiễm bệnh. Ngoài ra, thiếu ngủ cũng dẫn đến các vấn đề tâm lý như trầm cảm và khả năng giao thiệp kém.
Gia quy của tôi về giờ giấc đi ngủ cho con khá nghiêm:
- Dưới 2 tuổi: Không giới hạn thời gian ngủ. Trẻ muốn ngủ lúc nào thì ngủ. Tuy nhiên để có giấc ngủ tối dài và chất lượng thì sau 4 giờ chiều không cho ngủ. Khoảng 8g30 - 9g00 tối cho trẻ uống sữa rồi cho đi ngủ để trẻ có thể ngủ suốt đêm.
- Từ 2-5 tuổi: Tập cho con sau ăn trưa có giấc ngủ dài khoảng 2-3 tiếng. Sau đó cho trẻ vui chơi, ăn chiều, sinh hoạt đến khoảng 8g30 - 9g00 tối thì cho uống ly sữa rồi cho đi ngủ.
- 6-11 tuổi, tức thời gian học tiểu học: 8g30 tối uống sữa, đi ngủ, 6 giờ sáng thức dậy chuẩn bị đi học.
- 12-18 tuổi, tức thời gian học trung học: 9g00-9g30 tối: chuẩn bị đi ngủ, thức dậy lúc 6 giờ sáng để chuẩn bị đi học.
Mùa hè ở Mỹ ngày dài hơn đêm, trẻ không đi học và thường sinh hoạt ngoài trời nhiều hơn. Do đó, vào mùa hè cũng như những dịp cuối tuần, con có thể đi ngủ trễ một tí, nhưng thường không quá 10 giờ tối và ngủ thẳng giấc.
Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho con, phòng của con không có máy tính và tivi. Khi con vào trung học phổ thông, con có laptop nhỏ nhưng phải tôn trọng nguyên tắc không dùng laptop sau khi tắt đèn ngủ.
Thử thách lớn nhất trong việc dạy con ở thời đại số đó là việc con trẻ dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ từ Internet thông qua các thiết bị di động mà cha mẹ khó kiểm soát hết chất lượng thông tin. Thời gian trẻ dùng để coi tivi, video Internet hoặc chơi game video có thể dùng cho những hoạt động khác như chơi thể thao, học cách làm những công việc nhà, làm vườn... Do đó, cha mẹ cần đánh giá những lợi ích khi trẻ dành thời gian cho những thiết bị công nghệ.
Trẻ tự kỷ có khuynh hướng sống trong thế giới riêng của mình và không thích giao tiếp với người khác. Việc xem tivi, video hoặc chơi video game càng đẩy chúng vào thế giới riêng ấy, càng rời xa cuộc sống thực tế.
Thêm nữa, trẻ tự kỷ không có khả năng hiểu cảm xúc của người khác (vô cảm) nên dễ bị ảnh hưởng bởi những hành động bạo lực trên các phương tiện truyền thông và cho rằng những hành động đó là bình thường. Vì thế, khi hai con còn nhỏ (tức dưới 14 tuổi), tôi chỉ cho hai con tiếp cận tivi, video hoặc chơi video game có tính giáo dục và không bạo lực. Tôi giúp Taki có nhiều cơ hội giao tiếp với con người hơn, như chơi với Takara, nói chuyện với cha mẹ... Thêm nữa, ngay cả trong thời gian học trung học phổ thông, Taki và Takara vẫn không có điện thoại thông minh có thể kết nối mạng.
Cuối tuần, tôi hoặc mẹ chúng thường chở hai con đến thư viện thiếu nhi. Hai con được toàn quyền lựa chọn sách, phim để xem. Sách và phim ở đây đã được sàng lọc nội dung phù hợp cho trẻ em nên chúng tôi không phải lo lắng giám sát gì, còn hai con thì cảm thấy hạnh phúc khi được tự chọn cái mình thích. Chúng tôi đặt giới hạn thời gian cho hai con coi phim, tivi chừng một tiếng mỗi ngày hoặc mỗi ngày được xem một show/phim.
Thay vì chơi trò chơi ảo trên máy tính hay điện thoại, Taki và Takara (các con của Giáo sư Trương Nguyện Thành) có nhiều trò chơi lắp ráp lego và các trò chơi khác có tính giáo dục và phù hợp với lứa tuổi. Hai cu cậu có thể ngồi chơi lắp ráp cả tiếng và không quấy rầy người lớn. Từ những trò chơi này, Takara khám phá đam mê của mình trong việc chế tạo người máy từ khi còn nhỏ.
Taki và Takara thường được khuyến khích vui chơi ở các sân chơi trẻ em ngoài công viên khi thời tiết thuận lợi. Khi đi cùng con, tôi thường cho hai con thoải mái leo trèo, chơi những trò chơi mạo hiểm. Mẹ chúng thì cẩn thận hơn nên thường chỉ cho chúng chơi một số trò an toàn. Nhờ thường xuyên vui chơi ngoài trời nên hai con không cảm thấy nhàm chán nếu không được coi tivi hoặc chơi video game.
Nhờ những giới hạn này mà Taki dần cải thiện đáng kể kỹ năng giao tiếp. Hiện nay, Taki có thể nhìn vào mặt người khác khi nói chuyện chứ không tránh nhìn mặt người đối diện như đa số trẻ tự kỷ. Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy việc hạn chế trẻ em tiếp cận tivi, Internet, video game là cần thiết và đem lại nhiều kết quả tích cực cho sự phát triển của trẻ em.
Đặc biệt các nhà khoa học cũng như bác sĩ nhi đồng khuyến cáo không nên cho trẻ dưới hai tuổi xem tivi hoặc video trên thiết bị di động, kể cả xem các chương trình có tính giáo dục. Hiện tại chưa có minh chứng khoa học nào cho thấy các chương trình này có hiệu quả tích cực đối với trẻ. Càng đáng lo ngại hơn nữa là những game hoặc chương trình tivi có nội dung bạo lực có nguy cơ làm cho trẻ trở nên vô cảm và có hành vi bạo lực trong học đường.
"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành.
Chắc nhiều bạn từng thấy cảnh một đứa trẻ nằm lăn ra đường khóc lóc ăn vạ vì cha mẹ không chiều theo mong muốn nào đó của trẻ. Và nếu bạn có con nhỏ, nếu bạn từng ở trong hoàn cảnh con cái ăn vạ ấy, chắc bạn hiểu được cảm xúc xấu hổ khi người đi đường dừng lại xem con mình ăn rồi lời ra tiếng vào chê bai khả năng làm cha mẹ của bạn. Rất có thể lúc đó bạn sẽ mất kiểm soát cảm xúc, nổi giận la hét con, thậm chí đánh con, lôi con khỏi chỗ ấy.
Bài học kinh nghiệm:
+ Không nên chỉ dạy con bằng những phản ứng nhất thời trước sự kiện nào đó, tức không phải đánh mắng, la hét khi con làm điều gì đó sai. Muốn dạy con điều gì, cha mẹ cần có bài học với mục tiêu rõ ràng, sẵn sàng lặp lại bài học đó nhiều lần đến khi đạt mục tiêu.
+ Khi dạy con, cha mẹ cần trầm tĩnh, nói năng chậm rãi. Nếu cảm thấy mình giận dữ trước sự kiện, tốt nhất cha mẹ hãy tìm cách "hạ hỏa" trước khi nói chuyện với con, có thể tạm gác vấn đề ấy sang bên, chờ đến lúc thích hợp thì khơi gợi lại.
+ Muốn dạy con kiểm soát cảm xúc, cha mẹ cần có khả năng kiểm soát cảm xúc của chính mình trước.
+ Cha mẹ cần thiết kế bài học để con thấy hành vi của con có hậu quả rõ ràng như con không được ăn ngon, không được đi chơi, cha mẹ không vui... Mỗi lần phải lặp lại bài học này thì hậu quả cần tăng lên.
+ Trước khi bài học bắt đầu và sau khi bài học kết thúc, cha mẹ cần cho con biết cha mẹ mong muốn con có hành vi thế nào. Khi con thể hiện được hành vi đó, cha mẹ hãy thể hiện sự vui vẻ và lòng yêu thương con. Tuy nhiên, không nên thưởng cho trẻ vì trẻ đã không làm việc gì đó không nên làm, tức không nên thưởng cho trẻ ngay lúc trẻ không ǎn vạ.
Triết lý dạy con của người Mỹ và người Nhật về ứng xử là "Đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử". Đây là cách dạy con trẻ tính thấu cảm. Khi muốn con thay đổi hành vi, cha mẹ Mỹ hoặc cha mẹ Nhật thường nói với con rằng: "Nếu bạn đó đối xử với con như thế thì con cảm thấy thế nào?". Ví dụ:
- Khi con bắt nạt bạn cùng lớp, cha mẹ sẽ nói với con: "Nếu bạn đó bắt nạt con thì con có vui không?".
- Khi muốn con chia sẻ đồ chơi với bạn, cha mẹ sẽ nói với con: "Nếu món đồ chơi là của bạn ấy chứ không phải của con thì con có muốn bạn ấy cho con chơi chung không?".
- Khi muốn con xếp hàng không chen lấn vào giữa, cha mẹ sẽ nói với con: "Nếu con là những người đứng sau con cảm thấy thế nào khi có người chen vào trước con?".
Con trẻ thường hành động theo bản năng, chưa biết đặt mình vào vị trí của người khác, do đó cha mẹ cần giúp con phát triển khả năng thấu cảm bằng cách giúp con tưởng tượng con đang ở vị trí của người đối diện. Đây cũng là cách tôi dùng để dạy con cách nói năng lịch sự với người khác như dùng từ "Please" (làm ơn) khi yêu cầu điều gì từ người khác và dùng từ "Thank you" (Cảm ơn) khi ai đó làm gì cho mình.
Con trẻ học cách ứng xử với người xung quanh cũng như hành vi ngoài xã hội từ cách quan sát và noi gương theo cha mẹ. Do đó, cha mẹ muốn con trở thành người như thế nào thì bản thân cha mẹ phải sống như thế ấy.
Kể cả khi tiếp xúc với con, nếu cha mẹ nói chuyện với trẻ với ngôn từ lịch sự và tôn trọng như người lớn thì con sẽ học cách cư xử ấy để ứng xử lại với cha mẹ. Khi con đã trưởng thành hay lúc cha mẹ đã già yếu cần sự chăm sóc thì lúc ấy con sẽ thể hiện cách ứng xử mà đã học được từ cha mẹ khi còn nhỏ.
Tôi đặt ra quy tắc ứng xử rất rõ ràng cho Taki và Takara:
- Đối xử với mọi người lịch sự và tôn trọng. Nếu người khác không lịch sự hoặc không tôn trọng mình thì mình quay lưng bỏ đi.
- Không lớn tiếng, không dùng từ ngữ khiếm nhã hoặc có hành vi xúc phạm người khác, kể cả súc vật.
Đặt mình vào vị trí của người kia để đánh giá hành xử của mình. Ban đầu, Taki không thể làm được điều này vì không hiểu được cảm xúc của người khác, nhưng nhờ gia quy trên mà ngày nay Taki có tính cách rất thân thiện, nhân ái.