"Đừng để con cái thua ngay từ vạch xuất phát" là nguyên lý giáo dục của nhiều bậc cha mẹ. Chính vì điều này mà cha mẹ đều rất cố gắng để trong tương lai, con dù có thể không toả sáng như Jack Ma, Buffett, Bill Gates thì cũng là người thành công trong xã hội.
Ảnh minh hoạ
Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục, thời thơ ấu của những người thành công đều có những điểm tương đồng. Giáo sư Ronald Ferguson - người có kinh nghiệm giảng dạy tại ĐH Harvard trong 40 năm đã tiến hành một nghiên cứu có liên quan và phát hiện ra rằng nếu cha mẹ thường xuyên kể chuyện cho con nghe ở thời thơ ấu, đứa trẻ sẽ trở nên xuất sắc sau này.
Phát hiện này đã được giáo sư viết trong nghiên cứu "Kế hoạch mới về khoảng cách thành tích của các sinh viên ĐH Harvard". Kế hoạch này trở thành một dự án nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa những đứa trẻ khác nhau.
Ảnh minh hoạ
Theo đó, dưới các yếu tố khác nhau như gia đình, hoàn cảnh sống, nguồn học tập, điều kiện học tập, nếu muốn những đứa trẻ giỏi như nhau hoặc giảm bớt khoảng cách về trình độ học vấn, cha mẹ nhất định phải kể chuyện cho con mỗi ngày.
Khi Ronald Ferguson tiến hành nghiên cứu này, ông nhận ra những sinh viên xuất sắc của ĐH Harvard có điểm chung. Ở giai đoạn mầm non, họ thường có khả năng đọc viết và ngôn ngữ cao hơn. Nhờ thế, những cá nhân này trở nên nổi bật giữa tập thể. Sự xuất sắc này dần hình thành "hiệu ứng dẫn đầu sớm".
Song, trẻ sẽ chỉ thực sự xuất sắc hơn nếu được duy trì thói quen nghe kể chuyện mỗi ngày từ bố mẹ. Dưới tác động của việc lắng nghe, trẻ ngày càng phát triển vượt trội.
Sự nổi trội này giúp trẻ nhận được lời khen, sự chú ý. Từ đó, các em sẽ trở nên tự tin và nhiệt huyết hơn. Cuối cùng sau khi lớn lên, trẻ hoàn toàn trở nên nổi bật so với bạn bè cùng trang lứa, được nhận vào trường danh tiếng là chuyện đương nhiên.
Trẻ có ý thức về nguồn gốc
Khi con nghe những câu truyện cổ tích về văn hóa, lịch sử của đất nước, những câu chuyện tuổi thơ của bố mẹ từng trải qua, trẻ sẽ thích thú hơn về những phong tục, truyền thống trong gia đình, văn hóa của dân tộc... Ngoài ra, trẻ cũng hiểu rõ hơn về nguồn cội của mình. Có nhiều câu chuyện ví dụ như "Thánh Gióng","Trăm trứng nở trăm con"... sẽ bồi đắp cho con về tình yêu quê hương đất nước, giúp con hiểu hơn về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam...
Nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ
Theo nghiên cứu của giáo sư Taira Masato ở trường Đại học Y Tokyo thì quá trình mà mẹ đọc truyện cho con nghe sẽ giúp cho "hệ viền" - Nơi điều khiển ký ức, tạo ra động lực và sinh ra nhiều cảm xúc phát triển.
Cha mẹ thường xuyên đọc truyện cho trẻ nghe sẽ giúp con tăng khả năng ngôn ngữ, khả năng biểu đạt cảm xúc và khả năng liên tưởng của con được hình thành và phát triển một cách tốt nhất.
Tăng khả năng sáng tạo và tưởng tượng của trẻ
Thay vì xem phim hoạt hình với hình ảnh, âm thanh sống động, trẻ có thể phát triển trí tưởng tượng về các nhân vật, địa điểm trong một câu chuyện. Suy nghĩ tự do cũng giúp trẻ sáng tạo hơn, không theo khuôn mẫu.
Những sự việc, câu chuyện thông qua lời kể của bố mẹ sẽ nhẹ nhàng đi sâu vào tâm thức của trẻ. Con sẽ phát triển trí tưởng tượng về các nhân vật, địa điểm trong câu chuyện. Trẻ sẽ đi từ hết liên tưởng này đến liên tưởng khác thông qua những ngôn ngữ giàu cảm xúc, được diễn đạt một cách sinh động và dễ hiểu thông qua những hình vẽ minh họa. Suy nghĩ tự do cũng giúp trẻ sáng tạo hơn, không theo khuôn mẫu.
Ảnh minh hoạ
Là công cụ hữu ích để định hình trí nhớ
Bằng cách sử dụng các ý tưởng thông minh, bạn có thể tận dụng việc kể chuyện để rèn trí nhớ cho trẻ. Mỗi lần đọc to một câu chuyện vào giờ đi ngủ, bạn hãy yêu cầu con kể lại sau vài ngày hoặc phát triển câu chuyện theo ý mình. Trẻ sẽ tập trung hơn khi thường xuyên được giao nhiệm vụ này.
Điều này lặp đi lặp lại nhiều lần có tác dụng tốt trong việc rèn luyện trí nhớ của trẻ. Ngoài ra trẻ cũng có thể học được cách suy luận, đoán biết vấn đề khi xâu chuỗi nhiều câu chuyện, sự việc vào với nhau.
Dễ đối mặt với tình huống khó khăn
Trẻ con thường ngây thơ và bối rối trước tình huống khó khăn. Những câu chuyện với rất nhiều nhân vật và nghịch cảnh trong đó giúp trẻ hình dung tốt hơn về những rắc rối. Phụ huynh nên kể cho con cả chuyện buồn lẫn chuyện vui nhiều như nhau, nhằm giúp con trang bị tốt hơn cho cuộc sống phức tạp.