Giáo sư Xã hội học tại Đại học Northeastern - Steven Vallas nói: “Công việc chính là minh chứng cho những giá trị của bạn”. Chính vì vậy, để có được công việc đáp ứng điều kiện sinh hoạt, cũng như môi trường chuyên nghiệp, yêu thích, nhiều người sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn để có được nó. Thậm chí, công việc còn thể hiện rõ cái “tôi” và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, dù bạn có là công dân của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào.
Nhưng tại sao nhiều người luôn cảm thấy căng thẳng, thậm chí "khốn khổ" vì công việc. Dưới đây là những điều mà giáo sư Steven Vallas cho rằng mỗi người luôn phải đối mặt trong công việc để thể hiện cái “tôi”, giá trị của mình, từ đó khiến áp lực trong công việc gia tăng:
1. Tâm lý lo lắng, cảm thấy không xứng đáng
Không có ai trong chúng ta muốn ngày mình bị sa thải khỏi công ty do cắt giảm nhân sự, thiếu năng suất làm việc,.. sẽ xuất hiện trong cuộc đời mình. Bởi lẽ, nếu việc này xảy ra, bạn không chỉ lo lắng về khoản chi phí sắp tới không thể chi trả, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của bản thân và gia đình.
Đối với người lao động, việc sa thải luôn là một trong những vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân. Giáo sư Xã hội học tại Đại học Bang Washington - Jennifer Sherman đã từng đến nghiên cứu tại một thị trấn miền núi nghèo ở Bắc California và cho biết: “Những người thất nghiệp ở đây nói rằng họ bị mắc bệnh về trầm cảm. Thậm chí, họ nói rằng họ thực sự căm ghét bản thân họ và không thấy xứng đáng khi tồn tại”.
Điều này đặt ra câu hỏi: “Công việc và giá trị của bản thân có mối liên hệ gì với nhau mà có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của một người?”. Các nhà nghiên cứu và nhà tâm lý học lý giải rằng: “Trong văn hóa Mỹ, có 3 trụ cột chính để tạo ra mối liên kết này, đó là: đạo đức làm việc, chủ nghĩa cá nhân và địa vị của Mỹ trên trường quốc tế. Điều này đã khiến người dân cảm thấy có nhiều áp lực trong việc làm”.
2. Chủ nghĩa cá nhân luôn được đề cao
Khác với nhiều quốc gia ở Châu Á, phương Tây thường đề cao chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, Mỹ là một trong những “nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân nhất trên thế giới”. Giám đốc điều hành của Hofstede Insights, ông Egbert Schram từng nói: “Nếu bạn hỏi người Mỹ dành bao nhiêu thời gian cho bản thân mình. Câu trả lời thường là 91% thời gian để sống và làm những điều họ muốn”.
Chính vì vậy, những người sống theo chủ nghĩa cá nhân thường tin rằng, thành công của một người là nhờ vào khả năng, tài năng và sự chăm chỉ của họ chứ không phải là do mối quan hệ họ hàng hay người thân làm trong ngành nghề đó.
Qua đó, khi bị thất nghiệp, nhiều người có xu hướng tự trách mình. Họ tự nghĩ mình còn nhiều thiếu sót chứ không bao giờ đổ lỗi do ngoại cảnh hay những người xung quanh tác động lên họ.
3. Giá trị của đồng tiền luôn được coi trọng
Nhà tâm lý học Tổ chức Gena Cox cho biết: “Xã hội Mỹ được xây dựng dựa trên tác động, tầm quan trọng của đồng đô-la. Chính vì vậy, đồng đô-la rất quan trọng trong mỗi người dân”. Và chúng ta cũng dễ thấy điều này ở nhiều quốc gia khác.
Chúng ta đi làm để mưu sinh, để tìm kiếm thành công và vị trí trong xã hội này. Đương nhiên, để thể hiện mình là người có địa vị có rất nhiều cách. Tuy nhiên, cách dễ dàng nhất để có thể thể hiện nó chính là số tiền mà bạn kiếm được trong sự nghiệp của mình hoặc chức danh mà bạn đang sở hữu. Vì thế, nhiều người đi làm thường đặt nặng tài chính và danh tiếng của mình trên vai.
4. Làm việc cật lực không đồng nghĩa với việc có nhiều hạnh phúc
Không có gì sai khi chúng ta đặt ra mục tiêu phải chăm chỉ để phấn đấu có một vị trí, địa vị tốt trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sức khỏe của mình luôn được thoải mái và cảm thấy hạnh phúc, hãy cân bằng việc thư giãn và làm việc. Điều này cũng có thể nhìn thấy ở những người Mỹ.
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2020, 5 quốc gia hạnh phúc nhất hàng đầu là Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland và Na Uy, những quốc gia có mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ, các tổ chức đáng tin cậy, các chính phủ hoạt động tốt, chất lượng cuộc sống cao và chú trọng công việc - cân bằng cuộc sống, thay vì chỉ đơn giản là làm việc.
Qua đó, Ashley Whillans, Giáo sư tại trường Harvard cho biết: “Hãy chú ý đến sức khỏe của chúng ta. Đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Đừng tạo quá nhiều áp lực cho công việc của mình”.
5. Gieo niềm tin sau những thất bại
Nếu bạn bị thất nghiệp, đừng nản lòng mà hãy tự mình hỏi 3 câu hỏi sau: “Bạn thích điều gì về bản thân mình?”, “Bạn coi trọng điều gì trong cuộc sống này?”, và “Điều gì thực sự khiến bạn cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn ngoài công việc và sự nghiệp của mình?”. Điều này sẽ giúp bạn có tự tin hơn trong cuộc sống.
Đây cũng là cách giúp bạn gieo niềm tin của mình sau những thất bại trong công việc. Mặc dù đứng trước đại dịch, nhiều người đã bị mất việc cũng như khó khăn trong việc trang trải cuộc sống, nhưng bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn nhiều niềm vui, động lực khác để thúc đẩy mỗi ngày.
Theo CNBC