Vương Thanh Tùng sinh vào những năm 1960, tại một ngôi làng nhỏ ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Ông vốn xuất thân trong gia đình nông thôn vô cùng nghèo khó. Dù luôn vất vả giúp đỡ cha mẹ việc đồng áng, Vương Thanh Tùng vẫn rất hiếu học và đạt thành tích cao nhất trường. Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, ông đỗ đạt thành danh và trở thành trụ cột của cả nhà, là niềm tự hào của cả vùng.
Sau một thời gian làm công chức, Vương Thanh Tùng trúng tuyển vào Đại học Bắc Kinh, ngôi trường số 1 Trung Quốc. Ông tiếp tục nỗ lực và tốt nghiệp xuất sắc, học tiếp thạc sĩ ngành luật. Vì trí tuệ của mình, cậu bé nông dân nghèo năm nào được giữ lại để làm giảng viên tại Đại học Bắc Kinh, đạt đến vị trí đỉnh cao trong xã hội.
Vương Thanh Tùng từ nghèo khó đã tự thân trở thành người thành đạt, giàu có.
Trong thời gian làm giáo sư Bắc Đại, ông còn theo đuổi một đam mê bên lề là võ thuật. Vương Thanh Tùng đã mở một khóa học dạy cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngay trong khuôn viên Đại học Bắc Kinh, là một trong những người tiên phong giáo dục mảng này tại Trung Quốc. Lớp đào tạo của Vương Thanh Tùng rất nổi tiếng, giúp ông gây dựng được tài sản khủng. Cũng ở đây ông gặp gỡ được vợ mình là Trương Mai, một giảng viên ngoại ngữ tại Bắc Đại kém ông 12 tuổi.
Sau nhiều năm làm việc, ở tuổi đầu trung niên, Vương Thanh Tùng có một quyết định táo bạo là rời khỏi Bắc Kinh và sống ở vùng núi xung quanh. Bất chấp sự phản đối của gia đình, hai vợ chồng chuyển đến ngoại ô Bắc Kinh, thuê mảnh đất để làm nông dân. Ban đầu, người vợ vẫn giữ công việc giảng viên ở Bắc Đại nhưng chỉ một thời gian, bà cũng bỏ việc cùng chồng làm “nông dân toàn thời gian”. Quyết định đó của cặp đôi vào thời bấy giờ trong mắt người ngoài không khác gì những “kẻ điên”. Họ sẵn sàng từ bỏ vị trí xã hội ở đỉnh cao, công việc và cuộc sống trong mơ để sống bình yên.
Vài năm sau, vợ chồng Vương Thanh Tùng còn chuyển đi xa hơn nữa, đến một vùng sâu trong ngọn núi ở biên giới tỉnh Hà Bắc. Đây là một vùng núi hoang vắng nhiều năm không có người ở. Cặp đôi đã chi 200.000 nhân dân tệ (khoảng 670 triệu đồng) để ký hợp đồng quyền sử dụng 2.500 mẫu đất đồi cằn cỗi trong 50 năm và bắt đầu cuộc sống làm nông vất vả. Họ trồng ngô, kê, đậu nành, cần tây, bắp cải và các loại cây ăn quả khác, cũng như chăn nuôi gia súc ở đây để sống cuộc đời tự cung tự cấp.
Vợ chồng 2 giáo sư bỏ sự nghiệp và cuộc sống sung túc để làm nông dân
Vợ chồng Vương Thanh Tùng đã trải qua nhiều năm trong núi sâu rừng già, hiếm khi liên lạc với thế giới bên ngoài và cơ bản không biết sử dụng các công cụ hiện đại như điện thoại, máy tính. Con trai duy nhất của cặp đôi cũng được bố mẹ dạy học tại nhà.
Đối với người lớn, cuộc sống như thế là thiên đường sau khi trải nghiệm cuộc sống thành phố, nhưng đối với trẻ em, đó là một cuộc sống rất khép kín. Một đứa trẻ không thể ở lại đây cả đời, nó phải có cuộc sống riêng và hòa nhập lại với xã hội. Sau 7 năm trong rừng sâu, vợ chồng giáo sư Bắc Đại nhận ra cuộc sống hiện tại có những hạn chế đối với sự phát triển và học tập của con trai. Cậu bé vô cùng nhút nhát, chậm phát triển toàn diện, không biết gì về thế giới ngoài đồng ruộng, núi rừng và động vật.
Cậu con trai không thể phát triển khi sống trong núi với cha mẹ
Hai người bắt đầu cảm thấy tiếc cho việc học hành thuở nhỏ của con mình và nghĩ cách trở về thành phố. Tuy nhiên, họ đã xa cách cuộc sống thực 7 năm và hành trình trở về cũng rất khó khăn. 7 năm qua, hai người tuy sống tự lập nhưng cũng tiêu hết số tiền tiết kiệm 3,5 triệu nhân dân tệ (hơn 12 tỷ đồng), bây giờ trở lại Bắc Kinh họ sẽ sống như thế nào?
Cặp đôi không còn cách nào khác ngoài nhờ bạn bè giúp đỡ, bán tài sản ở nông thôn và quay trở lại thị trường lao động để kiếm tiền. Đến đây, cuộc sống ẩn dật kéo dài 7 năm của gia đình Vương Thanh Tùng cuối cùng cũng đã kết thúc.
Có lẽ đối với những tâm hồn thích bình yên, việc sống ẩn dật trên núi như vợ chồng họ Vương đã đem lại hạnh phúc, tự do, ngay cả khi nhiều người cho rằng đây là cách trốn chạy hèn nhát. Dù thế nào đi nữa, cuộc đời của Vương Thanh Tùng là sự lựa chọn của riêng ông, không ai có quyền phán xét giá trị của lối sống này.
Thế nhưng cũng không thể phủ nhận rằng đối với trẻ em, việc phải theo cha mẹ sống cuộc sống nay đây mai đó, thiếu thốn các điều kiện giáo dục sẽ gây ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các em. Giáo dục tại gia có những ích lợi của giáo dục tại gia, nhưng trẻ em vẫn nên được tiếp xúc, giao lưu nhiều hơn với bạn bè đồng trang lứa, được tiếp xúc với xã hội hiện đại theo cách phù hợp, như thế sẽ tốt hơn cho sự phát triển toàn diện của chúng.
Nguồn: Toutiao