Tối muộn 21 Tết, vừa trở về nhà sau chuyến giao hàng cuối cùng lúc 22h, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (shipper khu vực quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhiều ngày nay anh liên tục phải làm việc vất vả từ sáng đến tối vì số lượng đơn hàng phải giao tăng gấp 3, 4 lần ngày thường. "Tôi phải bắt đầu công việc lúc 7h và kết thúc lúc 21h. Nhưng càng gần Tết, lượng đơn càng nhiều, trong khi đường phố chật chội, ách tắc nên tôi đi làm sớm hơn và về muộn hơn 1 tiếng để tránh giờ cao điểm. Nhà kho nơi tôi làm việc thông báo rằng nếu lượng đơn vẫn tiếp tục tăng thì sẽ phải tăng ca, thậm chí giao hàng ban đêm nếu khách đồng ý nhận ", anh nói.
"Thường ngày tôi giao khoảng 150 đơn hàng, thế nhưng những ngày gần Tết lượng đơn hàng cần giao lên tới 400 - 500. Tất cả đều phải giao trong ngày nên tôi thường xuyên phải giao đến tối muộn mới hết. Do phải liên tục giao hàng cho khách, tôi thường tiện đâu ăn đấy, nhiều khi bỏ cả bữa" , anh Tuấn chia sẻ thêm.
Với mỗi đơn hàng được giao thành công, shipper sẽ được trả mức phí 3.000 đồng. Như vậy, với khoảng 500 đơn hàng mỗi ngày dịp cận Tết, anh Tuấn có thể thu nhập tới 1,5 triệu đồng, đây là mức thu nhập cao gấp 3 lần ngày thường.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Liên (shipper khu vực quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khu vực chị giao hàng có nhiều tòa nhà văn phòng, vì thế chị thường không phải di chuyển quá nhiều mà chỉ cần tập hợp các đơn hàng theo từng tòa nhà để giao cho khách.
"Mỗi tòa văn phòng thường sẽ tập trung khoảng 40-50 đơn hàng, tôi chỉ việc dồn vào từng bao tải theo từng địa chỉ cụ thể. Sau đó, tôi sẽ tập kết các đơn hàng dưới chân tòa nhà và gọi điện cho từng khách xuống lấy. Mỗi tòa nhà sẽ mất khoảng 30 phút để giao hết hàng. Một ngày tôi có thể giao cho khoảng 10 tòa nhà", chị Liên nói.
Theo chị Liên, với gần 5 năm làm công việc giao hàng, chị có nhiều khách quen và một mức thu nhập ổn định. Những ngày cận Tết, lượng đơn hàng tăng đột biến, thời gian giao hàng của chị cũng diễn ra lâu hơn so với mọi ngày. Hơn nữa, nhiều khi khách hàng chưa thể lấy ngay được chị thường phải vòng đi vòng lại nhiều lần.
"Không phải lúc nào khách hàng cũng rảnh và sẵn sàng nhận hàng, có người hẹn 30 phút hoặc một khung giờ khác trong ngày. Do đó, sau khi giao hết hàng cho những người có thể lấy ngay tôi thường lần lượt điện lại để chốt khung giờ lấy hàng với từng khách. Sau đó, cứ theo danh sách này tôi sẽ lần lượt đi giao hết trong ngày. Thu nhập ngày Tết của tôi có thể lên tới hơn 40 triệu đồng", chị Liên kể.
Trong khi đó, chị Vũ Thu Uyên chủ một cửa hàng thời trang cho biết, những ngày cận Tết, nhu cầu khách mua hàng cần phải lấy ngay hoặc nhanh nhất có thể. Nếu giao cho khách thông qua các công ty giao hàng có thể mất 2-3 ngày cho tới 1 tuần mới có thể nhận được. Do đó, với những khách ở gần cần lấy hàng ngay, chị phải thuê shipper tự do để giao ngay trong ngày.
"Với những shipper này, tôi trả mức phí 15.000 - 30.000 đồng/đơn giao hàng trong nội thành Hà Nội, thế nhưng nhiều khi họ từ chối các đơn giao đi xa hoặc làm ngoài giờ do quá tải lượng hàng cần giao" , chị Uyên nói.
Theo các cơ sở kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tình trạng "tắc, nghẽn" giao hàng thường diễn ra trong dịp cận Tết Nguyên đán. Càng giáp Tết, tình trạng quá tải càng nghiêm trọng, nhiều người bán hàng không dám nhận khách vì sợ không giao được hàng đúng dự kiến. "Những đơn hàng ship đi tỉnh xa hoặc quá sát ngày Tết sẽ bị từ chối, dù rất muốn bán được hàng nhưng việc giao ngày Tết không hề dễ dàng như ngày thường", chủ một gian hàng trên sàn thương mại điện tử nhấn mạnh.