GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nói tại cuộc tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay (14/11).
GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, cơ chế tự chủ toàn diện có điểm mạnh là cơ hội giải phóng khỏi cơ chế hoạt động cũ, có điều kiện thu hút nhân sự và chủ động đầu tư phát triển y tế, ngoài ra lãnh đạo bệnh viện "nhiều tiền và nhiều quyền hơn".
Tuy nhiên, các thách thức bệnh viện phải đối mặt cũng rất nhiều, như không có vốn để đầu tư, giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ, bệnh nhân phải chi trả phí điều trị cao hơn, bệnh viện chịu áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân để thu hút bệnh nhân.
Các khách mời tại tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn"
"Thực tế, dù tự chủ hay không thì bệnh nhân đến Bệnh viện K vẫn đông", ông Quảng chia sẻ, hiện số bệnh nhân tăng 30 - 40% so với trước dịch khiến bệnh viện đã quá tải, tuy nhiên nguồn thu giảm 1/3 so với trước. Bệnh viện K đang gặp khó khăn về tài chính. Bệnh viện đang xây dựng cơ sở K1, ở giai đoạn xây thô, cần 1.020 tỷ đồng để hoàn thiện. "Nếu tự chủ, chúng tôi không lo được nguồn vốn này", ông Quảng cho biết.
Ông Quảng nêu thêm, trước đây bệnh viện có 9 máy xạ trị, nay chỉ 5 máy hoạt động. Có máy hết khấu hao, nên các máy còn lại hiện hoạt động hết công suất 23-24 tiếng/ngày, bệnh nhân thức cả đêm xạ trị. Hiện bệnh viện cần khoảng 10 máy nữa, trong khi giá một máy 130 tỷ đồng, nên để đầu tư thì rất nhiều tiền.
"Chúng tôi mong nhà nước đầu tư 3 - 5 năm nữa, sau đó bệnh viện chuyển sang tự chủ toàn diện sẽ không vấn đề gì. Còn chuyển sang tự chủ chi thường theo nhóm 2 Nghị định 60 thì phù hợp với bệnh viện trong giai đoạn này", Giám đốc Viện K đề nghị.
Về tự chủ tài chính, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết thêm, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm…
Thêm vào đó, bệnh viện đang thu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế nhưng mức giá này đã lạc hậu, lỗi thời, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí, dẫn đến thu không đủ bù chi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là không còn nguồn thu từ trang thiết bị, máy y tế xã hội hóa…
TS. Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng nhận định, Hai bệnh viện K và Bạch Mai đều là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối có thương hiệu và số lượng bệnh nhân đông, vì vậy khó đánh giá được thành quả của tự chủ toàn diện…
Tuy nhiên phải khẳng định, thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước và là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ bệnh viện ngày càng được rõ hơn.
Vậy, cần triển khai tự chủ bệnh viện thế nào, nhất là các bệnh viện công lập tuyến cuối, để giúp các cơ sở vượt qua khó khăn trong giai đoạn này và phát triển bền vững nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, phục vụ người dân tốt hơn, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm xã hội.
Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện 2 năm.