Giai thoại bí ẩn quanh định lý Pytago và cái chết lãng xẹt của người sinh ra định lý Toán học vĩ đại này

Fanta, Theo Helino 00:35 19/02/2019

Định lý của Pytago như đánh dấu những bước tiến khổng lồ trong sự phát triển của lịch sử loài người.

Nếu hỏi một kiến thức Toán học mà đến bây giờ mọi người vẫn nhớ thì chắc sẽ rất nhiều người nói về công thức tính diện tích hình thang: Muốn tính diện tích hình thang, đáy lớn đáy bé ta mang cộng vào, rồi đem nhân với chiều cao, chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra. Và thêm một định lý quen thuộc hằn sâu vào ký ức mỗi người chính là Định lý Pytago.

Giai thoại bí ẩn quanh định lý Pytago và cái chết lãng xẹt của người sinh ra định lý Toán học vĩ đại này - Ảnh 1.

Ăn mừng ra đời định lý Pytago bằng cách giết 100 con bò

Trong Toán học, định lý Pytago (hay còn gọi là định lý Pythagoras) là một liên hệ căn bản trong hình học Euclid giữa ba cạnh của một tam giác vuông. Nội dung của định lý như sau: Bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh góc vuông.

Giai thoại bí ẩn quanh định lý Pytago và cái chết lãng xẹt của người sinh ra định lý Toán học vĩ đại này - Ảnh 2.

Định lý Pytago

Video giải thích những bí ẩn xung quanh định lý Pytago

Nhiều người gọi định lý Pitago bằng 1 cái tên khác là định lý 100 con bò. Theo truyền thuyết, vì quá vui sướng khi chứng minh được định lý trên, ông và các học trò đã giết liền 100 chú bò tốt để ăn mừng.

Đây là định lý có nhiều cách chứng minh nhất trong lịch sử Toán học. Nó thậm chí được coi là một biểu tượng toán học thâm thúy, bí ẩn, hay sức mạnh của trí tuệ; nó cũng được nhắc tới trong văn học, kịch bản, âm nhạc, bài hát, con tem và phim hoạt hình.

Thêm một điều ít ai biết là Định lý Pytago đã được biết đến từ lâu trước thời của Pythagoras, nhưng ông được coi là người đầu tiên nêu ra chứng minh định lý này. Cách chứng minh của ông rất đơn giản, chỉ bằng cách sắp xếp lại hình vẽ.

Giai thoại bí ẩn quanh định lý Pytago và cái chết lãng xẹt của người sinh ra định lý Toán học vĩ đại này - Ảnh 4.

Nhà triết học Pythagoras

Cha đẻ của Định lý Pytago chết vì mấy... hạt đậu

Pythagoras sinh khoảng năm 580 đến 572 TCN - mất khoảng năm 500 đến 490 TCN, là một nhà triết học người Hy Lạp.

Từ nhỏ ông đã là một người lỗi lạc, thông minh xuất chúng, được theo học nhà toán học nổi tiếng Thales, và chính Thales cũng phải kinh ngạc về tài năng của cậu. Để tìm hiểu nền khoa học của các dân tộc, Pythagoras đã dành nhiều năm đến ấn Độ, Babilon, Ai Cập và đã trở nên uyên bác trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng: số học, hình học, thiên văn, địa lý, y học, triết học.

Năm 50 tuổi, Pythagoras thành lập một ngôi trường ở miền Nam nước Ý, nhận hàng trăm môn sinh, kể cả phụ nữ, với thời gian học gồm 5 năm gồm 4 bộ môn: hình học, toán học, thiên văn, âm nhạc. Chỉ những học sinh giỏi vào cuối năm 3 mới được chính Pythagoras trực tiếp dạy.

Có một giai thoại này kể rằng, do có nhiều mâu thuẫn nảy sinh, Pitago bị 1 toán người truy sát, ông mải miết chạy mà không cần biết mình sắp tới đâu chỉ để bảo toàn tính mạng. Thế nhưng được 1 hồi, Pitago phát hiện ra mình bị 1 cánh đồng trồng đậu chắn ngang.

Dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, nhưng do trường phái Pythagoras nghiêm cấm đụng chạm hay sờ vào đậu dưới mọi hình thức nên Pitago thà chết chứ không chịu chạy ngang qua cánh đồng đậu thoát thân. Và rồi kết quả là ông phải bỏ mạng tại đây chỉ bởi những quy định kỳ lạ về hạt đậu!

Giai thoại bí ẩn quanh định lý Pytago và cái chết lãng xẹt của người sinh ra định lý Toán học vĩ đại này - Ảnh 5.

(Tham khảo: BBC, The guardian)