Giải mã "Worldwide Hum" - Những tiếng ngân nga bí ẩn xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ một số người nghe được

J.D, Theo Helino 00:10 03/01/2020

Câu chuyện do Glen MacPherson, giảng viên từ ĐH British Columbia ghi lại, về một loại âm thanh kỳ lạ, như tiếng ngân nga mà không thể chấm dứt. Rốt cục, đây là hiện tượng gì?

Những hiện tượng kỳ lạ trên thế giới quả thực không hiếm. Dù khoa học đã rất phát triển, nhưng vẫn có rất nhiều điều chúng ta không thể lý giải được. Chẳng hạn như hiện tượng "Worldwide hum" - những tiếng ngân nga bí ẩn xảy ra trên toàn thế giới, nhưng chỉ một số người có thể nghe được.

Giải mã Worldwide Hum - Những tiếng ngân nga bí ẩn xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ một số người nghe được - Ảnh 1.

*Bài viết lược dịch theo lời kể của Glen MacPherson - giảng viên ĐH British Columbia, được đăng tải trên The Conversation.

Mùa xuân năm 2012, tôi sống tại ngôi làng Sechelt, cạnh Sunshine Coast tươi đẹp, mỗi ngày được ngắm biển xanh nắng vàng. Nhưng cũng tại thời điểm này, tôi bắt đầu nghe thấy những âm thanh lạ. Nó nửa giống tiếng ngân nga, nửa "ù ù" giống như một chiếc máy bay đang lướt ngang bầu trời. 

Âm thanh ấy xuất hiện vào tối muộn, khoảng 10 - 11h đêm. Ban đầu, tôi đã nghĩ đó là tiếng máy bay thật, nhưng rồi chợt nhận ra là không phải. Bởi lẽ, tiếng may bay chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, còn âm thanh này thì còn mãi. Ngoài ra, đáng chú ý là bất kỳ âm thanh nào lúc đó xuất hiện - dù chỉ là tiếng thở hắt ra - cũng khiến tiếng ngân ấy bị ngắt quãng. Rồi khi tôi tỏ ra nghi ngại mà bước ra ngoài kiểm tra, âm thanh ấy lại im bặt. 

Lạ hơn nữa, tôi là người duy nhất trong nhà nghe thấy âm thanh này. Những người khác khi được hỏi thậm chí còn chẳng hiểu tôi đang nói đến điều gì.

Giải mã Worldwide Hum - Những tiếng ngân nga bí ẩn xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ một số người nghe được - Ảnh 2.

Âm thanh ấy không nghe được bên ngoài trời, nhưng trong ô tô thì lại xuất hiện

Một cách thật logic, tôi nghĩ chắc hẳn thứ gì đó trong ngôi nhà này là nguyên nhân. Tôi lục tung internet, sách báo, thư viện... thậm chí có hôm còn khiến điện của cả nhà bị tắt ngúm. Nhưng sau tất cả, âm thanh ấy ngày càng lớn hơn.

Dù không thể nghe được âm thanh ấy ngoài trời, nhưng nó vẫn xuất hiện khi tôi ngồi trong ô tô vào buổi tối, cửa sổ đóng kín và động cơ đã tắt. Khi lái xe thì không có, nhưng lúc dừng lại thì xuất hiện. Cũng nhờ vậy, tôi biết nguồn gốc của nó không phải là những nguyên nhân đơn giản: máy móc, tàu thủy, động cơ điện...

Qua tìm hiểu, tôi nhận ra đây là một hiện tượng không chỉ xảy đến với mình tôi. Có một số người cũng nghe được âm thanh này, và họ đặt tên nó là "Worldwide hum" (tiếng ngân nga trên toàn thế giới). Và câu hỏi là: tại sao nó lại xảy ra?

Giả thuyết đầu tiên

Mô tả cơ bản nhất của "the Hum" là nó giống tiếng động cơ xe tải đang mở máy đứng im. Một số khác lại thấy nó ầm ầm, giống như dội lại từ một nơi xa. Âm thanh này có thể đột ngột xuất hiện, nhưng sẽ ở đó sau một thời gian khá dài. Và với một số trường hợp, tiếng ngân ấy rất lớn và gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống.

Giải mã Worldwide Hum - Những tiếng ngân nga bí ẩn xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ một số người nghe được - Ảnh 3.

Âm thanh gây nhiều bất tiện, khiến nhiều người "như phát điên"

Bản thân tôi, sau một hồi đào sâu nghiên cứu đã tiếp cận được một số báo cáo nghiên túc về vấn đề này. Chẳng hạn như nghiên cứu của David Deming - một nhà khoa học địa chất, và cũng là người nghe được tiếng ngân nga bí ẩn.

Trong nghiên cứu của mình, Deming cho biết âm thanh này được ghi nhận lần đầu vào thập niên 1960, xung quanh vùng Bristol (Anh Quốc). Nó xuất hiện ở Mỹ vào cuối thập niên 1980, tại bang new Mexico. 

Deming sau đó đưa ra lời giải thích bác bỏ một số giả thuyết về nguồn gốc của âm thanh này. Trước Deming, đã có một số ý kiến cho rằng "worldwide hum" là hệ quả của hệ thống điện lưới, hoặc các tháp viễn thông phát sóng điện thoại. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ tháp viễn thông chưa tồn tại vào đầu thập niên 1960. Hơn nữa, tần số sóng cảu cả 2 thứ này đều có thể dễ dàng chặn lại với các lá chắn bằng kim loại (vậy mà ngồi trong ô tô, trốn sau tường bê tông cốt thép vẫn nghe thấy).

Deming cũng không loại trừ khả năng đây chỉ là một hiện tượng tâm lý hàng loạt: khi nhiều người tò mò về một tin đồn, tìm hiểu về nó và rồi tự nhiên nhiễm phải nó luôn. Trên thực tế, nhiều trường hợp đã tìm kiếm "the Hum" chỉ vì nghe ai đó kể về nó mà thôi. 

Giải mã Worldwide Hum - Những tiếng ngân nga bí ẩn xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ một số người nghe được - Ảnh 4.

Các cột sóng điện thoại từ lâu đã được xác nhận không phải thủ phạm

Nhưng cuối cùng, ông đưa ra một giả thuyết về loại sóng âm có tần số cực thấp (VLF, chỉ trong khoảng 3kHz - 30kHz). Loại sóng này đến từ các thiết bị quân sự phát ra, nhằm nghiên cứu về vũ trụ và thử nghiệm thiế bị công nghệ liên lạc hiện đại. Chúng tạo ra các rung động nhất định trên cơ thể người, bao gồm cả phần lông trong tai. 

Deming sau đó đã để xuất một thử nghiệm hết sức đơn giản: những người từng nói có nghe thấy âm thanh "worldwide hum" sẽ được đưa vào 3 căn phòng có bề ngoài giống hệt nhau. Tuy nhiên, 1 buồng có thể chặn được sóng VLF, một buồng chỉ được cách âm, và buồng còn lại thì bình thường.

Nhà khoa học ấy đã không có cơ hội và điều kiện để thực hiện thí nghiệm này, bởi khó khăn về mặt công nghệ vào thời điểm đó. Và nay thì tôi, với tư cách là một người có nghe thấy "the Hum", quyết định thực hiện nó, để xem nguyên nhân là do đâu.

Giải mã Worldwide Hum - Những tiếng ngân nga bí ẩn xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ một số người nghe được - Ảnh 5.

Nhiều người cho rằng người ngoài hành tinh là nguyên nhân tạo ra "the Hum"

Nghiên cứu cực kỳ nghiêm túc

Nói về The Hum, việc nghiên cứu nghiêm túc về nó gặp rất nhiều khó khăn bởi sự tồn tại của những thuyết âm mưu và giả thuyết phản khoa học. Tôi thậm chí đã từng gặp những người tranh luận cực kỳ nghiêm túc, rằng "the Hum" xuất phát từ các đường hầm bí mật bên dưới lòng đất, người ngoài hành tinh, hoặc là một âm mưu sử dụng sóng âm để tấn công ai đó.

Giải mã Worldwide Hum - Những tiếng ngân nga bí ẩn xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ một số người nghe được - Ảnh 6.

Bản đồ "the Hum Map"

Hiểu được điều này, năm 2012 tôi quyết định thực hiện dự án vẽ và thu thập dữ liệu về "the Hum" trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệm vụ của dự án là thu thập, ghi chép và đánh dấu báo cáo của những người có thể nghe thấy âm thanh này. 

Có lẽ ai cũng hiểu rằng âm thanh có thể là tác nhân khó chịu đến thế nào - đây là lý do vì sao các thành phố thường cấm hoạt động về đêm để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng với "the Hum" thì khác. Nó tự nhiên xảy ra, lại là vào ban đêm và không thể ngắt đi. Bởi vậy, rất nhiều trường hợp cho biết họ gặp ác mộng vì "the Hum", và nhiều người bảo rằng nó khiến họ như muốn "phát điên". 

Giải mã Worldwide Hum - Những tiếng ngân nga bí ẩn xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ một số người nghe được - Ảnh 7.

Ngày 6/6/2019, bản đồ "Hum Map" đã được hoàn thành, với hơn 10.000 địa điểm. Và đến lúc đó, chúng tôi đã có phát hiện hết sức đáng chú ý.

Chẳng hạn, độ tuổi trung bình của những người nghe thấy "the Hum" rơi vào khoảng 40,5, trong đó 55% là nam giới. Điều này trái ngược với nhiều giả thuyết trước kia, cho rằng chỉ có nhóm trung niên và phụ nữ cao tuổi nghe thấy.

Và tóm lại, lý do là gì?

Thành thực mà nói, bản thân tôi cũng chưa rõ. Nhưng dựa trên nghiên cứu, tôi có được 4 giả thuyết về nguồn gốc của âm thanh này.

Đầu tiên chính là giả thuyết của Deming mà tôi đang theo đuổi - sóng radio tần số siêu thấp (VLF). Trên thực tế, một số nghiên cứu từng chỉ ra rằng cơ thể con người đôi khi có thể cảm nhận được năng lượng điện từ trường (EM), rồi tự phân tích nó thành âm thanh. Như trong nghiên cứu của chuyên gia thần kinh học Alan Frey, ông đã chứng minh con người có thể thực sự "nghe" được vi sóng, bằng cách cảm nhận EM.

Giả thuyết thứ 2 là sự tích luỹ của của các sóng âm thấp tần và dạng sóng siêu âm do con người tạo ra. Nó liên quan đến gần như tất cả các hoạt động công nghiệp trong xã hội loài người. 

Thứ 3 có thể là một hiện tượng địa chất nào đó có khả năng tạo ra "the Hum". Ví dụ, đã từng có nhiều nghiên cứu xác nhận rằng một số loài vật có khả năng cảm nhận được động đất nhờ các rung động địa chấn từ xa, qua đó kịp thời bỏ chạy và bảo toàn tính mạng. Vậy nên nếu đứng dưới góc độ tiến hóa, có khả năng một bộ phận con người đang sở hữu bộ cảm nhận rung chấn nhạy cảm hơn, dẫn đến các âm thanh dù siêu nhỏ cũng có thể nghe được.

Cuối cùng là các nguyên nhân bên trong chính con người, có thể do khác biệt về giải phẫu, về gene, hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Cả 4 giả thuyết trên đều chưa được xác nhận, tuy nhiên hiện tại "the Hum" đang là đối tượng được giới khoa học săn đón một cách nghiêm túc. Với tôi, nghiên cứu lần này được thực hiện chỉ đơn giản là kích động các nhà khoa học khác tìm hiểu về nó, xác nhận được nguyên nhân gây ra nó, và... giải quyết nó một cách triệt để.

Nếu nguyên nhân chính là con người, vậy thì nhiệm vụ của các nhà khoa học sẽ là tìm cách nâng cao nhận thức của cộng đồng, làm sao để loại bỏ thứ công nghệ tạo ra nó. Còn nếu là nguyên nhân tự nhiên, thì hẳn sẽ phải có cách giúp chúng ta thoát khỏi nó.

Tham khảo: The Conversation