Giai đoạn tươi đẹp của nhân viên công nghệ sắp kết thúc

Linh Chi, Theo VnExpress 12:00 18/07/2022

Hàng loạt đặc quyền thời Covid-19, như tăng lương và làm việc từ xa, dần bị loại bỏ với những nhân lực ngành công nghệ.

Đại dịch hoành hành khắp thế giới lại là cơ hội phát triển của các công ty công nghệ khi nhiều bên đều cần như giải pháp, dịch vụ để làm việc, học tập, giải trí trực tuyến cũng như giao dịch, mua hàng không tiếp xúc. Nhiều hãng công nghệ liên tục tuyển dụng nhân viên với những đặc quyền hấp dẫn, như cho phép làm việc tại nhà, đưa ra mức lương thưởng hấp dẫn để giữ chân họ. Nhân viên cũng có thể "nâng giá" bản thân vì khi làm từ xa, họ nhận được nhiều lời mời công việc linh hoạt hơn.

Giờ đây, khi nỗi lo suy thoái kinh tế xuất hiện, nhiều bên bắt đầu thu hẹp hoặc đóng băng tuyển dụng, thậm chí cân nhắc cắt giảm việc làm. Microsoft thông báo sẽ cho một loạt nhân viên nghỉ việc và động thái tương tự cũng đang diễn ra tại Netflix, Coinbase Global, Twitter. Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai tuyên bố sẽ giảm tốc độ tuyển dụng trong những tháng cuối năm. Người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Meta, công ty mẹ của Facebook, đã yêu cầu giới quản lý xác định và báo cáo về những nhân viên có hiệu suất thấp để sa thải.

Giai đoạn tươi đẹp của nhân viên công nghệ sắp kết thúc - Ảnh 1.
Reuters Một người phụ nữ làm việc tại nhà ở Hà Lan năm 2020. Ảnh: Reuters

Lindsey Collins Guest, nhân viên công nghệ 40 tuổi ở Mỹ, đã trải nghiệm thay đổi này. Cô bị cho nghỉ việc tại công ty tài chính công nghệ Bolt Financial, hồi tháng 5 và phải đề xuất lương thấp hơn 30% so với trước khi tìm việc mới. Cuối cùng cô được nhận vào một startup mua sắm đáp ứng các yêu cầu về lương tối thiểu của cô.

"Rõ ràng những ngày tươi đẹp với tôi đã qua", Guest nói. Các công ty khởi nghiệp cũng đang tập trung giảm chi phí, thay vì tăng trưởng nhanh, nên không sẵn lòng đưa ra mức lương cao để thu hút thêm nhân lực.

Becky Sun, 30 tuổi ở Trung Quốc, nộp hồ sơ xin việc tại 80 công ty kể từ đầu năm, nhưng hầu hết bị từ chối hoặc phúc lợi quá thấp. Công ty cũ của cô, là một doanh nghiệp tầm trung về Internet ở Bắc Kinh, đưa ra lựa chọn giảm hơn 50% lương và xuống vị trí thấp hơn, hoặc bị sa thải. Sun chọn nghỉ việc. Cô sau đó nộp đơn ở hàng loạt công ty công nghệ, trải qua hơn 20 cuộc phỏng vấn nhưng đều bị từ chối hoặc lương quá thấp.

"Rất khó đề xuất mức lương hoặc vị trí như ở công ty cũ. Thị trường đang tồi tệ nhất mà tôi từng thấy", Sun cho biết trên Financial Times.

Dĩ nhiên, không phải mọi nhân viên đều gặp bất lợi, vì nhu cầu về nhân lực vẫn cao hơn khả năng cung cấp. Các nhà tuyển dụng cho biết những người lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực như máy móc, AI vẫn có thể "nâng giá" của họ.

"Chênh lệch giữa lương kỳ vọng và thực tế bắt nguồn một phần từ mức lương thưởng cao trong ngành công nghệ năm ngoái. Mức tăng của năm 2021 là thái quá và chưa từng có tiền lệ", Saydeah Howard, Giám đốc nhân lực của IVP, công ty liên doanh đầu tư vào Dropbox, GitHub và Snap, cho biết.

Các nhà đầu tư mạo hiểm và nhà tuyển dụng cho rằng hiện nay, ứng viên chọn làm việc tại văn phòng sẽ có lợi thế hơn người tìm kiếm việc làm từ xa, dù điều này không được đề cập trực tiếp trong quá trình tuyển dụng.

Bill Gurley, nhà đầu tư tại Benchmark Capital và là người ủng hộ giai đoạn đầu của Uber và Grubhub, nói: "Với nhiều nhân viên công nghệ, việc sa thải, giảm lương thưởng hay phải làm việc tại văn phòng là điều khó tưởng tượng. Đây không phải là lỗi của họ. Nguồn vốn dư thừa dẫn đến nhân viên được hưởng lợi quá mức, cùng với đó là kỳ vọng quá cao".

Curtis Britt, Giám đốc tuyển dụng của Korn Ferry, cho biết 50% công việc mà ông cố gắng lấp đầy vào giai đoạn này năm ngoái là hoàn toàn làm việc từ xa, nhưng con số này hiện chỉ còn 25%. Erik Duhaime, điều hành startup AI y tế Centaur Labs ở Boston, cũng điều chỉnh tương tự trong quá trình tìm kiếm các vị trí tiếp thị sản phẩm gần đây. "Centaur Labs đang tuyển các vị trí quan trọng như kỹ sư bảo mật, nhưng chúng tôi không có cảm giác cấp bách vì muốn đảm bảo tìm được người phù hợp. Chúng tôi rất kén chọn", ông nói.

Theo WSJ