Nếu các nước không hành động ngay bây giờ, có lẽ giai đoạn cuối cùng của đại dịch COVID-19 sẽ vô cùng khủng khiếp, virus SARS-CoV-2 sẽ có thể phát triển bầy đàn với đầy đủ các loại biến chủng được tạo ra và lây lan với tốc độ đáng lo ngại. Bằng chứng là thế giới đã ghi nhận loại biến thể mới có tên B.1.617.2, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn nhiều so với biến thể B.1.1.7 được xác định trước đó tại Anh.
Ở những quốc gia có tỷ lệ người dân được chủng ngừa diện rộng như Mỹ và Anh, chúng ta có thể thấy số ca bệnh mới và các trường hợp tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục giảm hoặc được duy trì ở mức thấp. Thực tế, vaccine đã được chứng minh có thể tạo lá chắn bảo vệ cho người được chủng ngừa khỏi tác động của cả hai loại biến thể.
Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, những quốc gia chưa thể thiết lập hệ thống miễn dịch cộng đồng, loại biến chủng mới dễ lây lan này đích thị là một thảm hoạ.
Vaccine đã được chứng minh có thể tạo lá chắn bảo vệ cho người được chủng ngừa khỏi tác động của cả hai loại biến thể B.1.617.2 và B.1.1.7 (Nguồn: Reuters)
Kết luận cụ thể về loại biến chủng mới vẫn chưa được công bố bởi dữ liệu vẫn đang ở ngưỡng sơ bộ. Việc nghiên cứu và phân tích khả năng lây lan của các biến chủng là điều không mấy dễ dàng. Rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra. Biến chủng lan truyền mạnh tại một khu vực địa lý chỉ đơn thuần do "tình cờ"? Có thể nó đã xuất hiện trước các biến thể khác và tìm ra một quần thể người có hệ miễn dịch siêu nhạy cảm dễ bị lây nhiễm, nên đã "định cư" ở đó và "ươm giống" tạo ra những siêu ổ dịch. Nếu một biến thể virus được phát hiện nhiều trong dữ liệu phân tích gen ở một quốc gia, có thể nguyên nhân bùng phát dịch chính là từ các đối tượng khách du lịch - những người đã mang từ một nước mà biến chủng đó đang hoành hành.
Lượng người tiếp xúc gần càng nhiều, khả năng biến thể lây lan càng cao
May mắn là các nhà khoa học đã phát hiện thành công một chỉ dấu có thể so sánh mức độ lây lan của các loại biến chủng: tỷ lệ tấn công thứ cấp trong môi trường không có yếu tố du lịch - tức nhìn vào số người tiếp xúc gần với những người tự nhiễm virus. Theo đó, lượng người tiếp xúc càng nhiều, khả năng biến thể lây lan sẽ càng cao.
Thông tin về tỷ lệ tấn công thứ cấp được công bố mới đây bởi Dịch vụ y tế công cộng Anh (NHS) tương tự như báo cáo trước đó của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC. Ví dụ minh họa là loại biến chủng được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, về cơ bản, có thể dễ lây lan hơn cả B.1.1.7 - loại biến chủng vốn đã có tỷ lệ lây nhiễm rất cao.
Virus sẽ lây lan mạnh hơn nếu người dân không được tiêm chủng (Nguồn: Reuters)
Theo Adam Kucharski, nhà dịch tễ học thuộc Viện Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, khả năng lây nhiễm virus sẽ cao hơn nếu mức độ biến thể lớn hơn. Kết luận này phần nào lý giải được tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng mới tại Ấn Độ và nước láng giềng Nepal. Do hai quốc gia này còn nhiều hạn chế trong việc xác định nguồn gen virus, phát hiện trên tại Anh theo đó sẽ là cơ sở quan trọng giúp các nhà khoa học tại Ấn Độ đánh giá rủi ro lây nhiễm.
Một biến thể với khả năng lây nhiễm cao được coi là hiểm họa lớn đối với những người không có khả năng miễn dịch - những người chưa được tiêm vaccine hoặc chưa có kháng thể từ việc mắc COVID-19. Người dân một số nơi như vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hay Việt Nam từng phòng chống dịch rất tốt, nhưng có tỉ lệ miễn dịch cộng đồng hiện khá thấp, và đa phần dân số chưa được tiêm vaccine COVID-19. Một biến thể virus dễ lây có thể tạo làn sóng dịch mới quét qua một cộng đồng dân số chưa đạt miễn dịch, một cách nhanh chóng. Điều này giải thích vì sao các quốc gia như Ấn Độ hay Nepal đã không thể trụ vững trước đợt dịch COVID-19 hiện nay.
Khả năng lây nhiễm tăng, đồng nghĩa với việc rủi ro cũng tăng theo cấp số nhân. Nếu một loại virus trước đây có thể lây nhiễm trung bình cho ba người, sau tăng lên bốn người thì sẽ chỉ là ví dụ nhỏ đơn thuần. Nhưng với biến chủng có khả năng lây nhiễm theo cấp số nhân, sau 10 lần lặp lại từ 2 cá nhân nhiễm bệnh đầu tiên, số người mắc COVID-19 có thể lên tới ngưỡng 524.000.
Không vaccine hay bất kỳ loại vaccine nào
Về mặt đạo đức, tình trạng khẩn cấp này đòi hỏi giới chức các nước phải ngay lập tức triển khai kế hoạch tiêm chủng diện rộng cho những người dễ bị tổn thương nhất, ở những nơi dễ bị đe dọa nhất.
Vaccine cần được nhanh chóng cung cấp cho những quốc gia đang chịu thiệt hại nặng nề nhất từ các biến chủng (Nguồn: Reuters)
Sáng kiến miễn trừ bằng sáng chế vaccine COVID-19 sẽ tốt, nếu nó thực sự có thể hỗ trợ về mặt số lượng cho nguồn cung vaccine. Quan chức, từ tất cả các quốc gia sản xuất vaccine, cần họp khẩn ngay lập tức về cách thức gia tăng sản xuất, phân phối để lấp đầy nguồn cung vaccine. Đây được coi là nhiệm vụ cấp bách, bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngay cả với những lô vaccine sản xuất tại Trung Quốc hay Nga, cũng đạt hiệu quả cao và giúp ngăn ngừa tình trạng thể nặng.
Giữa hai sự lựa chọn - không vaccine và bất kỳ loại vaccine nào - câu trả lời luôn hướng về phương án thứ hai: loại vaccine nào có thể sản xuất nhanh nhất, dưới bất kỳ bằng sáng chế hay quốc gia xuất xứ nào, cũng đều có thể hỗ trợ chúng ta trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
Vaccine cần được nhanh chóng cung cấp cho những quốc gia đang chịu thiệt hại nặng nề nhất từ các biến chủng. Tất nhiên, nước nào cũng muốn toàn dân được phòng ngừa đầy đủ, song những quốc gia giàu có sau khi "thâu tóm" hầu hết nguồn cung vaccine trên toàn cầu cũng nên "nhường chỗ" cho những cộng đồng dân cư có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Nguồn cung COVAX phân bổ chủ yếu dựa trên số dân của một nước (Nguồn: The Vaccine Alliance)
Hiện tại, COVAX - một liên minh toàn cầu nhằm đảm bảo công bằng tiếp cận vaccine - không có đủ vaccine COVID-19 để phân phối. Nguồn cung COVAX phân bổ chủ yếu dựa trên số dân của một nước thay vì mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát dịch mới. Điều này cần phải được thay đổi. Bởi công tác cứu hỏa chỉ nên tập trung nguồn nước vào nơi ngọn lửa bùng lên mạnh nhất, chứ không phải vào tất cả các ngôi nhà. Tất nhiên, người già và những nhân viên y tế tuyến đầu vẫn là những đối tượng thuộc diện cần ưu tiên nhất, dù ở bất kì đâu. Kế hoạch tiết kiệm số liều vaccine - bằng cách trì hoãn mũi tiêm thứ 2 - cũng có thể được áp dụng thành công như tại Canada hay Anh.
Thế giới đang đứng trước nguy cơ rủi ro cao từ các biến chủng. Các quốc gia cần can thiệp càng sớm càng tốt, bởi chỉ vài tuần chậm trễ thôi cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Việc "ngồi im" chờ đợi bằng chứng xác thực về khả năng lây nhiễm là vô cùng rủi ro. Thế giới vẫn sẽ tốt đẹp hơn nếu tất cả mọi người đều được tiêm chủng. Bất kỳ giải pháp vaccine nào, dù là không hoàn hảo, cũng vẫn đáng để thử hơn là sự chờ đợi.
Ngay cả khi những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất đã được tiêm vaccine, tử vong do COVID-19 vẫn có thể xảy ra. Dù Anh đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng, B.1.1.7 vẫn còn ở đó và tiếp tục lây lan rộng trong nhóm những người chưa được tiêm vaccine. Các nước Đông Âu cũng đang chứng kiến viễn cảnh tương tự.
Vì vậy, giống như tất cả các đại dịch khác, kịch bản COVID-19 kết thúc với hàng triệu người bị nhiễm bệnh hoặc hàng triệu người được tiêm chủng. Lần này, các quốc gia có một sự lựa chọn nhưng sẽ phải quyết định nó thật nhanh, nếu không đại dịch sẽ quyết định thay cho họ, theo một cách vô cùng tàn khốc.