Giải 8 chi tiết ẩn giấu "xoắn não" cực mạnh của "Dark" sau 2 nồi bánh chưng

Ngọc King, Theo Helino 12:59 03/07/2019

Xem lại loạt những chi tiết ẩn dưới đây để thấy bộ phim của Dark phức tạp đến thế nào.

Thuộc vào top những series truyền hình "hack não" nhất đang được chiếu, Dark đã trở lại với con dân Netflix trong mùa phim thứ 2. Loạt phim đến từ Đức đòi hỏi người xem phải buông điện thoại xuống để tập trung cao độ bởi hàng loạt chi tiết rối rắm liên quan đến du hành thời gian. Lấy bối cảnh thị trấn Winden của Đức, Dark còn khiến khán giả đau não bởi mối liên quan giữa 4 gia đình trong nhiều mốc thời gian khác nhau, xen kẽ ở giữa là tình yêu, những vụ mất tích, bắt cóc và sát hại trẻ em đầy bí ẩn. Nếu như đã "cày" hết hai mùa phim, đây có lẽ là lúc bạn nên tìm hiểu 8 chi tiết ẩn giấu đầy thú vị mà các nhà làm phim đã cài cắm.

1. Cái tên Winden

Giải 8 chi tiết ẩn giấu xoắn não cực mạnh của Dark sau 2 nồi bánh chưng - Ảnh 1.

Ý nghĩa của tên thị trấn trong phim có thể liên quan đến gió (wind), tuy nhiên còn một ý nghĩa khác là vòng xoáy, vòng xoắn (spiral). Điều này xem ra khá hợp lý nếu xét đến cốt truyện mang tính lặp lại và chứa đầy bất ngờ. Cuối cùng thì thị trấn Winden cũng chẳng thể thoát khỏi số mệnh của nó.

2. "Kafkaesque"

Giải 8 chi tiết ẩn giấu xoắn não cực mạnh của Dark sau 2 nồi bánh chưng - Ảnh 2.

Tiêu đề bài báo: "Người đàn ông này là kẻ đã giết hại trẻ em?"

Sau khi mất con, Ulrich chui vào hang, trở về quá khứ năm 1953 để cuối cùng vướng vào vụ án bắt cóc Helge Doppler. Ông tin rằng Helge cần phải chết để tất cả những việc này kết thúc, vì thế đã cố gắng đập đầu Helge (lúc đó chỉ là một đứa trẻ). Tuy nhiên cậu bé không chết còn bản thân Ulrich bị bắt và kết tội là thủ phạm của hai cái xác trẻ em (thực chất là sản phẩm của thí nghiệm năm 1986).

Bài bào đăng năm 1953 có tiêu đề nghi ngờ Ulrich là tên sát nhân chịu trách nhiệm cho hai xác chết trên phần đất nhà máy điện hạt nhân. Dưới bức ảnh là chú thích (bằng tiếng Đức): "Người đàn ông này đã bị cảnh sát bắt giam - cho đến nay vẫn chưa đưa ra lời thú tội nào." Tuy nhiên phần thân bài thay vì những dòng chữ Latin vô nghĩa thường thấy trong các phim, lại được trích cắt từ nhiều tác phẩm của nhà văn Franz Kafka tiêu biểu như Hóa Thân, Phiên Tòa, Nghệ Sĩ Nhịn Đói...

Giải 8 chi tiết ẩn giấu xoắn não cực mạnh của Dark sau 2 nồi bánh chưng - Ảnh 3.

Minh họa cuốn Hóa Thân

Cụm từ Kafkaesque (kiểu Kafka) dùng để chỉ những con người bị áp chế vì bộ máy quan liêu trong một môi trường siêu thực, tạo nên những cảm giác vô nghĩa, mất phương hướng, không ai giúp đỡ. Các nhân vật trong một bối cảnh "kiểu Kafka" thường thiếu một cách thức hành động rõ ràng để thoát khỏi hoàn cảnh đó.

Trong Dark, nhân vật Ulrich được ví von như đang sống trong địa ngục giới kiểu Kafka, bản thân thì bị tù tội oan, lại còn trong một thời đại khác. Những truyện ngắn như Phiên Tòa hay Xứ Trừng Giới của Kafka cũng khai thác những chủ đề tương tự về tội ác, sự trừng phạt, tra tấn.

Truyện ngắn nổi tiếng nhất của Kafka là Hóa Thân trong đó ông sử dụng cụm từ "Ungeziefer" không mang nghĩa cụ thể là con gì, chỉ biết đó là một sinh vật đáng sợ, đáng tởm và không đáng nhìn. Nhân vật Gregor một sáng thức dậy thấy anh ta biến thành một con vật gớm ghiếc, không ra sâu không ra bọ. Sự biến đổi không khiến Gregor mất đi chính mình, nhưng anh bị tất cả sợ hãi giống như chính Ulrich từ chỗ một sĩ quan cảnh sát giờ đây bị mọi người nhìn vào như một kẻ tâm thần giết trẻ em.

3. "Không có tương lai"

Giải 8 chi tiết ẩn giấu xoắn não cực mạnh của Dark sau 2 nồi bánh chưng - Ảnh 4.

Ulrich của năm 1986 khi còn là một thiếu niên rất thích cụm từ "No Future". Cậu ta dán nó lên cặp, lên áo, lên tường trong phòng và thậm chí sơn cả nơi nhà máy điện hạt nhân (khiến Helge phải kỳ cọ). Đây là một phần từ lời bài hát God Save the Queen của nhóm Sex Pistols ra mắt vào năm 1977. Thậm chí ban đầu Sex Pistols còn định đặt tên bài hát là No Future.

Mỉa mai thay, đây chính là lời tiên tri cho Ulrich và cũng là của cả thị trấn Winden. Tai nạn của nhà máy hạt nhân xảy ra năm 2020 đã giết chết gần như tất cả những cư dân thị trấn, chỉ còn lại một vài người sống sót. Phản diện của mùa 2 là Adam (Dietrich Hollinderbäumer) trong lúc cố gắng tạo ra một cuộc tận diệt chấm dứt tất cả – có vẻ như đã và sẽ trở thành dấu chấm hết cho tương lai của Winden. 

4. Ảo thuật gia

Giải 8 chi tiết ẩn giấu xoắn não cực mạnh của Dark sau 2 nồi bánh chưng - Ảnh 5.

Cậu bé Mikkel (Daan Lennard Liebrenz) thần tượng ảo thuật gia Houdini và từng nói với cha mình (Ulrich) rằng không quan trọng là làm thế nào, mà cái chính là làm khi nào. Sự biến mất của Mikkel cũng không phải là "làm thế nào", mà chính xác là biến mất từ năm 2019 để "xuyên không" trở về năm 1986. Tại năm 1986, Mikkel được bà y tá Ines (Anne Ratte-Polle) nuôi nấng như con.

Ines kể cho Mikkel nghe giấc mộng hồ điệp của Trang Chu. Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Đoạn này cũng hay được so sánh với Hóa Thân của Kafka, không rõ Gregor giờ là sinh vật kia hay sinh vật kia đã là Gregor.

Trong một tập phim tại thời điểm năm 2019 trước khi Mikkel mất tích, cô chị gái Martha (Lisa Vicari) nói đùa với mẹ về em mình: "Mẹ có chắc nó không được nhận nuôi đấy chứ?". Sau thì năm 1986 Mikkel cũng được Ines nhận nuôi thật luôn.

5. Ông Helge già

Giải 8 chi tiết ẩn giấu xoắn não cực mạnh của Dark sau 2 nồi bánh chưng - Ảnh 6.

Trong tờ báo nói về Mikkel năm 1986, cột bên trái có đưa tin về một ông già chết trong vụ tai nạn ô tô. Rất có thể ông già đó chính là Helge của năm 2019 đã xuyên không để cố gắng giết Helge của năm 1986. Tuy nhiên cú tông xe lại khiến ông Helge già chết, còn Helge trung niên lại sống sót.

6. H.G. Tannhaus

Giải 8 chi tiết ẩn giấu xoắn não cực mạnh của Dark sau 2 nồi bánh chưng - Ảnh 7.

Hai chữ cái H.G. trong tên viết tắt của nhà khoa học H.G. Tannhaus rất có thể lấy cảm hứng từ nhà văn H.G.Wells tác giả cuốn tiểu thuyết Cỗ Máy Thời Gian. Trong phim, Tannhaus là người đã giúp chế tạo ra cỗ máy thời gian từ chính bản thảo từ tương lai của nó. Còn "Tannhaus"? Trong vũ trụ của Blade Runner, chiếc cổng thời gian dẫn tới nhiều chiều không gian khác nhau được gọi là Tannhäuser.

7. Nhà Doppler

Giải 8 chi tiết ẩn giấu xoắn não cực mạnh của Dark sau 2 nồi bánh chưng - Ảnh 8.

"Doppler" trong tiếng Đức nghĩa là "bản sao", "nhân đôi". Trong phim, cảnh sát của Winden là Charlotte Doppler (Karoline Eichhorn) phát hiện ra cô con gái Elisabeth (Carlotta von Falkenhayn) của mình trong tương lai sẽ là một trong những kẻ sống sót sau thảm họa tại Winden. Elisabeth sau đó có một đứa con gái, đứa bé được đưa trở lại quá khứ và chính là Charlotte của thời hiện đại. Đừng hỏi mình vì mình cũng không biết mình đang viết cái gì đâu. Vậy là bạn nhận ra mẹ bạn cũng chính là con bạn. Logic gì giờ này, tới liền đi.

8. Hanno Tauber

Giải 8 chi tiết ẩn giấu xoắn não cực mạnh của Dark sau 2 nồi bánh chưng - Ảnh 9.

Hanno Tauber là tên của giáo sĩ Noah (Mark Waschke) – kẻ chuyên thí nghiệm lên các trẻ em và khiến chúng chết thảm. "Tauber" tiếng Đức nghĩa là điếc. Elisabeth con gái của Charlotte là một người điếc. Sau thảm họa hạt nhân, Noah nằm trong số những người sống sót đã có với Elisabeth một đứa con chính là Charlotte sau này.

Nghe xong ngần ấy chi tiết bạn cảm thấy thế nào? Đừng quên Dark hiện đang chiếu trên hệ thống Netflix với cả hai mùa phim để tiện xem lại nếu như bạn đã thưởng thức qua mà vẫn chưa hiểu gì.

Trailer Dark mùa 2